Giao dịch tại Ngân hàng Agribank. Ảnh minh họa: Hải Yên/Báo Tin tức
Các kiến nghị mới chủ yếu tập trung đề xuất các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như: giảm lãi suất cho vay, giãn thời gian trả nợ và không bị phạt chậm nợ đến tháng 6/2022 để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh; sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất thấp, tăng giá trị tài sản đảm bảo để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn tài chính lúc cần thiết; đồng thời, các cấp, ngành xem xét điều chỉnh theo hướng giảm tiền thuê đất hàng năm (trong giai đoạn 2020 - 2024) nhằm phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Cùng với đó, có một số kiến nghị về giảm thuế xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, tạo điều kiện cho người lao động và nâng cao vị thế của các sản phẩm Make in Việt Nam. Đồng thời, chính quyền các địa phương tiếp tục hướng dẫn cụ thể việc áp dụng "3 tại chỗ" và "2 địa điểm 1 cung đường" để doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trở lại bao gồm: các khâu liên quan đến chuỗi cung ứng sản phẩm như kho bãi, vận chuyển và khu vực nhà máy sản xuất.
Ngoài ra, sửa đổi và điều chỉnh Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 2/4/2021 theo hướng để các doanh nghiệp nói chung và Bamboo Airways nói riêng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh được áp dụng chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí... và thời gian áp dụng đến khi Chính phủ công bố hết dịch COVID-19; sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 về việc cấp giấy phép lao động trong một số trường hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động nước ngoài; sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá và thất thu ngân sách Nhà nước.
Đến thời điểm này, VCCI đã nhận được 8 văn bản trả lời từ phía các bộ, ngành, địa phương, còn những kiến nghị khác chưa được giải quyết là do liên quan đến việc sửa đổi các quy định của pháp luật nên phải có thời gian xem xét, nghiên cứu. Mặt khác trong tháng 7/2021, thực hiện các quy định về giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội để phòng, chống dịch COVID-19 nên các bộ, ngành ưu tiên công tác phòng, chống dịch.
Được biết, VCCI đã đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chuyển các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do VCCI tập hợp để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết sớm những kiến nghị còn tồn đọng.
Theo Tin tức TTXVN