ClockChủ Nhật, 29/01/2017 14:37

Kinh tế Việt Nam 2017 đối mặt thách thức gì từ thế giới?

Giới chuyên gia cảnh báo nhiều thách thức từ thế giới có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam năm 2017.

Việt Nam đã bước vào năm 2017 với tâm thế tiếp tục nỗ lực đổi mới và hành động thiết thực để bứt phá. Mặc dù nhiều cơ hội, nhưng giới chuyên gia cũng cảnh báo không ít thách thức từ thế giới có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Fed tăng lãi suất và giá dầu tăng đều gây rủi ro

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 10/1, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng nhẹ và đạt mức 2,7% trong năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng 2,3% năm 2016) sau khi nằm ở mức thấp trong thời kỳ hậu khủng hoảng trong năm qua. Dự báo này giảm một chút so với mức 2,8% đưa ra hồi tháng 6/2016, do sự không chắc chắn của nền kinh tế Mỹ và việc nước Anh rời Liên minh châu Âu.

Việt Nam đã bước vào năm 2017 với tâm thế tiếp tục nỗ lực đổi mới và hành động thiết thực để bứt phá. (Ảnh minh họa: KT)

Tuy tăng trưởng có khả quan hơn, nhưng nhìn chung dự báo thị trường thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ngoài những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.

VEPR cho rằng, Fed tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.

VEPR còn cho rằng, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Mặc dù điều này là có lợi cho cán cân ngân sách, những việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại có thể tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước, vốn đã bị đẩy lên trong thời gian gần đây do việc điều chỉnh giá các nhóm dịch vụ công.

Hơn nữa, “ảnh hưởng của việc Donald Trump phản đối ký kết TPP, có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam suy giảm. Điều này có thể gây ra một số hệ lụy nhất định, đòi hỏi sự cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam”- TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR bình luận.

Cùng quan điểm vẫn có nhiều áp lực khó khăn từ kinh tế quốc tế lan sang kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là thách thức cho 2017. Bởi đó là mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bổ sung, năm 2017, kinh tế nước ta có những thách thức mới và lớn hơn. Ví dụ như xu hướng cực đoan có thể xảy ra làm cho thị trường thế giới có những chao đảo, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp... và sẽ ảnh hưởng rất nặng đến Việt Nam, do nền kinh tế Việt Nam rất mở, với tổng giá trị xuất nhập khẩu lên tới 170-180% GDP.

Tư tưởng bảo hộ của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến thương mại

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, phân tích: Môi trường bên ngoài vẫn đang là thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục khôi phục với tốc độ chậm. Bên cạnh đó là những rủi ro suy giảm rõ rệt. Nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, vì lớp đệm chính sách tài khóa và tiền tệ ngày càng hạn chế, không còn nhiều dư địa để tiếp tục đối phó với những cú sốc tiêu cực tiếp theo.

Rủi ro trong ngắn hạn bao gồm suy giảm mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc, tình hình chính trị bất định và viễn cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tình hình thị trường tài chính chưa khởi sắc và dễ gặp phải những biến động bất ngờ.

Mặc dù Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi những biến động về dòng vốn nên phần nào hạn chế được tác động lan tỏa trực tiếp trong trường hợp biến động toàn cầu (so với các thị trường đã hội nhập tài chính nhiều hơn), tuy nhiên lãi suất tăng cao và thanh khoản bị thắt chặt cũng phần nào gây quan ngại khi Việt Nam có kế hoạch tiếp cận thị trường vốn quốc tế nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân sách trong trung hạn.

Bên cạnh đó, “tư tưởng bảo hộ, nhất là với viễn cảnh đang nhạt dần về Hiệp định TPP, có thể ảnh hưởng đến tương lai của Việt Nam, xét đến quan hệ thương mại mạnh mẽ với thị trường Mỹ cũng như kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều khi tham gia TPP”- ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

Rõ ràng, nền kinh tế Hoa Kỳ giữ một vai trò vô cùng lớn trong nền kinh tế toàn cầu nên những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ sẽ tạo ra những đợt sóng. Chính sách tài khoá kích thích tăng trưởng tại Hoa Kỳ sẽ kích thích tăng trưởng tại nước này và trên thế giới trong kỳ ngắn hạn, nhưng các thay đổi chính sách thương mại và các chính sách khác lại có tác động ngược lại, ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Kinh tế Phát triển, Ngân hàng Thế giới nói. “Tình trạng chính sách tại các nền kinh tế lớn có thể sẽ gây nên những tác động tiêu cực lên tăng trưởng toàn cầu.”

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương chưa được chuẩn bị trước những thách thức về dân số già

Theo Báo cáo chính sách phát triển châu Á vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 57 đang diễn ra tại Gruzia, các nước châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển chưa được chuẩn bị kỹ để đảm bảo phúc lợi cho dân số đang già đi nhanh chóng. Thực tế, tỷ lệ người già trong khu vực đang ngày càng tăng và phải đối mặt với nhiều thách thức, từ mức lương hưu thấp, các vấn đề sức khỏe, cho đến sự cô lập xã hội và khả năng tiếp cận hạn chế với các dịch vụ thiết yếu.

Châu Á - Thái Bình Dương chưa được chuẩn bị trước những thách thức về dân số già
Khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 2/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 4/2024 và thảo luận Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam

Dừng bước ở tứ kết trước U23 Iraq với tỷ số sít sao 0-1, U23 Việt Nam phần nào cho thấy những nỗ lực lớn, hoàn thành được mục tiêu tối thiểu trong tình thế khó khăn của bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ có tiềm năng phát triển nếu được trọng dụng và tạo điều kiện cọ xát.

Cần chiến lược phát triển bóng đá trẻ Việt Nam
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top