ClockThứ Ba, 27/10/2015 09:36

Làng rau trái vụ

TTH - Rau trái vụ trên vùng cát xã Điền Lộc (huyện Phong Điền) thực sự đã trở thành một đặc sản mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người dân nơi vùng đất này.

Trồng rau xanh ở Điền Lộc mang lại hiệu quả kinh tế cao

Mua tận chân ruộng

Những độn cát mênh mông một thời giờ đã trở thành vùng đất trù phú cho các loại rau trái vụ ở xã Điền Lộc. Khi mà các xứ đồng chính vụ vào mùa mưa đã ngập nước không sản xuất được thì ở vùng cát thôn Nhất Đông, Nhì Đông được bà con nông dân đưa vào sản xuất các loại rau xanh cho thu nhập cao. Con đường bê tông vừa mới xây dựng dẫn ra vựa rau hằng những ngày tấp nập bà con nông dân gồng gánh, vận chuyển giống, phân bón ra làm đất, chuẩn bị xuống vụ.
Ông Lê Thiền, một hộ dân trồng rau cho biết: “Trước đây ruộng chỉ làm được một vụ, lúc nông nhàn bà con thường chuyển sang các nghề khác. Từ năm 2000 đến nay, trồng rau trên cát trái vụ bắt đầu phát triển mạnh. Hộ gia đình tui cũng tiên phong lên các độn cát để sản xuất, giờ có thu nhập cũng tạm ổn”. Với việc đa dạng hóa các loại cây trồng, khai hoang mở rộng thêm diện tích, trồng cuốn chiếu, tăng 2 vụ/năm, hiện tại ông Thiền nằm trong “tốp” những hộ dân thu nhập 300 triệu đồng/năm từ cây rau.
Ông Hồ Ty, một hộ dân cũng phấn khởi: “Trồng rau trên cát lãi gấp mấy lần trồng lúa. Cứ bình quân mỗi sào thu hoạch bán được 8-10 triệu đồng. Rau được thương lái mua ngay chân ruộng, không phải lo tìm đâu ra. Rau trái vụ tại Điền Lộc theo thương lái đã có mặt khắp vùng Ngũ Điền, lên tận TP. Huế và ra tỉnh Quảng Trị.”
Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc thông tin: “Đến nay toàn xã đã có gần 40ha diện tích rau trên cát, với hơn 300 hộ dân tham gia. Vào vụ thu hoạch, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 150-170 triệu đồng; trong đó, có 30% số hộ dân đạt tốp thu được 300 triệu đồng/năm từ sản xuất rau trái vụ”.
Hướng đến rau an toàn

Thương lái thu mua rau hành ngay tại chân ruộng

 
Trồng rau trên cát ở Điền Lộc đã thực sự mở ra một hướng sản xuất mới, hiệu quả của địa phương. Ông Hoàng Trai, Bí thư Đảng ủy xã Điền Lộc khẳng định: “Trong tương lai, xã sẽ quy hoạch vùng rau phát triển lên 60 ha. Việc phát triển vựa rau trên cát không chỉ góp phần tăng thu nhập của người dân mà còn tận dụng đất đai, cải tạo môi trường bởi xưa nay, vùng trảng cát vốn là vùng đất hoang hóa. Nhờ trồng rau, địa phương đã giải quyết được hàng trăm lao đông nông thôn lúc nông nhàn”.
Bước vào vụ năm nay, từ nguồn vốn phát triển chương trình khuyến nông của huyện Phong Điền, xã Điền Lộc được hỗ trợ kinh phí đào giếng lấy nước tưới, đầu tư hệ thống nước tự phun, 5 hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật, nguồn giống để sản xuất thí điểm 0,3 ha rau theo mô hình VietGap. Để hướng đến vùng sản xuất rau xanh bền vững, Hội Nông dân xã Điền Lộc đã thành lập Câu lạc bộ trồng rau xanh nhằm hoạt động chia sẻ kinh nghiệm cũng như nắm bắt khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường.
Để hướng tới sản xuất bền vững, Điền Lộc đang thuê nhà tư vấn đo đạc tại hai thôn Nhất đông, Nhì Đông để quy hoạch vùng trồng rau an toàn kết hợp với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cát. Xã cũng đầu tư lưới điện kéo đến vùng rau màu trên cát, xây dựng hệ thống tưới tiêu giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Vừa qua, Điền Lộc cũng đã tranh thủ nguồn vốn của huyện để đầu tư con đường bê tông dài 150m, rộng 2,5m và sẽ đầu tư thêm 600m nữa dẫn ra tận các trảng cát, kéo hệ thống điện ra để người dân thuận lợi trong việc chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch.
Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc khẳng định: “Trong định hướng của xã, vùng rau trên cát sẽ được mở rộng diện tích mà trước mắt là quy hoạch vùng Bàu Ró. Khu vực này có điều kiện sản xuất rau trái vụ khá thuận lợi, dồi dào nguồn nước, trước đây đã đưa vào sản xuất 10 ha, dự kiến sẽ trồng thêm 30-40 ha trong những năm tới”.
Bài, ảnh: Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong hành trình thoát nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến người dân để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số
Giải phóng mặt bằng phải “đi trước một bước”

Dự án thi công chậm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không đáp ứng được theo yêu cầu, nguyên nhân bắt nguồn từ những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Dù vậy, vẫn chưa có một kịch bản cụ thể nào cho công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm nhằm giải bài toán vướng mắc trong đầu tư

Giải phóng mặt bằng phải “đi trước một bước”
Hài hòa mục tiêu tăng trưởng & chất lượng tín dụng

Khó khăn kinh tế đang tạo nên áp lực không nhỏ các cho tổ chức tín dụng khi nguy cơ nợ nhóm 2 (khoản nợ được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng khách hàng có dấu hiệu suy giảm khả năng trả nợ) và nợ tiềm ẩn nợ xấu tăng mạnh tạo nên những rủi ro trong an toàn hệ thống tín dụng.

Hài hòa mục tiêu tăng trưởng  chất lượng tín dụng
Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: Cần không gian đúng nghĩa

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (gọi tắt Bảo tàng) được thành lập từ năm 2009 và chính thức mở cửa không gian trưng bày mẫu vật từ năm 2020. Tuy còn "sơ khởi", nhưng các khu trưng bày của Bảo tàng đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giới trẻ đam mê đến tìm hiểu, trải nghiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung Cần không gian đúng nghĩa

TIN MỚI

Return to top