|
Người dân nên mua sim tại các kênh chuỗi có hệ thống và thực hiện đăng ký sim chính chủ |
Đại lý chờ hướng dẫn
Lâu nay, việc mua sim rác rất dễ dàng tại các cửa hàng sim thẻ và trên mạng xã hội, từ các nền tảng TikTok, Shopee, người dùng có thể mua sim số lượng lớn mà không phải đăng ký bất kỳ giấy tờ gì.
Không ít đại lý cũng sử dụng thông tin không chính chủ (mượn, thuê người dân đăng ký với mức phí thấp) nhằm kích hoạt trước thuê bao để tận dụng các gói ưu đãi trước khi bán đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp đẩy doanh số các đại lý, cửa hàng nhưng người dùng thuê bao thực chất lại không phải chủ sở hữu đăng ký tên.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn, việc khách hàng dễ dàng mua sim ở các điểm bán lẻ, không ai đối soát thông tin, giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính chủ của sim góp phần làm sim rác tràn lan dẫn đến cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc xã hội.
Sau quy định chuẩn hóa thông tin thuê bao di động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030”, mới đây, Bộ TT&TT vừa tiếp tục đưa ra quy định siết chặt hoạt động bán sim di dộng tại các đại lý ủy quyền của các nhà mạng trên toàn quốc để xử lý dứt điểm tình trạng sim không chính chủ, sim rác.
Quy định này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, bởi thời gian qua, dù hàng loạt quy định đã được đưa ra và áp dụng nhưng hoạt động kinh doanh, buôn bán sim không chính chủ, sim rác vẫn diễn ra trên thị trường.
Anh Đ., chủ đại lý bán sim ở TP. Huế cho biết: “Trước đây, mình có thể “ôm” hàng trăm sim về kích hoạt sẵn để bán, nhưng từ khi Bộ TT&TT thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao thì rất khó để thực hiện việc kích hoạt hàng loạt. Mới đây, nhận được thông báo của các nhà mạng yêu cầu dừng bán sim qua đại lý, chúng tôi đã chấp hành theo quy định và đang chờ hướng dẫn tiếp theo”.
|
Hướng dẫn khách hàng đăng ký sim chính chủ |
Nhà mạng tuân thủ
Trước quy định của Bộ TT&TT siết chặt hoạt động bán sim di động tại các đại lý ủy quyền của các nhà mạng trên toàn quốc, đại diện nhà mạng cho biết “doanh nghiệp tuân thủ và chấp hành các quy định của Bộ”.
Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế Nguyễn Nhật Quang thông tin: Hiện tài khoản kích hoạt của các đại lý đã khóa và chúng tôi đang làm thủ tục dừng triển khai bán sim với các đại lý ủy quyền. “Việc chấm dứt bán sim qua đại lý ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mạng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp chiếm thị phần ít, thiệt hại sẽ lớn hơn do thu hẹp thị trường, kênh bán”, ông Quang nói.
Dừng bán sim tại các kênh đại lý, VNPT sẽ thực hiện qua các kênh bán như VNPost (điểm bán hợp tác của VNPT với bưu chính) tại các cửa hàng và qua kênh chuỗi, như các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn.
Ông Nguyễn Huy Quang, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đang hỗ trợ các đại lý thống kê lượng kit tồn trên kênh và chờ tổng công ty hướng dẫn quy trình hỗ trợ các đại lý.
|
Nhà mạng đã khóa chức năng đăng ký thông tin của bộ kit sim |
Theo ông Quang, hiện Viettel có 300 đại lý bán sim trên toàn tỉnh, chiếm khoảng 60-70% thị phần sim bán ra thị trường của doanh nghiệp. “Chúng tôi tuân thủ quy định của Bộ TT&TT, nhưng quan trọng là các nhà mạng khác cũng phải tuân thủ. Tránh tình trạng nhà mạng này chấp hành thì chịu thiệt thòi, nhà mạng khác lại “lách” nên không ảnh hưởng”, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế bày tỏ.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn cho biết, sở sẽ đôn đốc nhắc nhở các nhà mạng nghiêm túc thực hiện quy định của Bộ. Đồng thời, tổ chức đoàn đi kiểm tra ngẫu nhiên các đại lý trong tháng 9 này và thông báo các địa phương nắm, chủ động triển khai kiểm tra các cửa hàng bán lẻ, đại lý trên địa bàn; tiếp tục tuyên truyền đến người dân, nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay cho hoạt động mua, bán sim không chính chủ. Về phía người dùng, “chúng tôi khuyến nghị người dân nên mua sim tại các kênh chuỗi có hệ thống và thực hiện đăng ký sim chính chủ, tránh nguy cơ rủi ro bị các đối tượng lạm dụng lừa đảo”, ông Sơn nói.
|
Theo Bộ TT&TT, thống kê từ các nhà mạng cho thấy, trong số những sim được bán ra thị trường hiện nay, có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% được bán trực tiếp từ nhà mạng qua các cửa hàng giao dịch và 10% qua kênh chuỗi gồm các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều sim không chính chủ nhất. |