Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”.
Đợt chuẩn hóa này chỉ nhắm đến những thuê bao có thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những trường hợp sử dụng sim không chính chủ, sim đăng ký bằng giấy tờ cũ (như CMND) nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện phải cập nhật.
|
|
Hướng dẫn người dùng đăng ký thông tin tại cửa hàng |
Hết tấp nập, quá tải
Mấy hôm nay điện thoại của bà Trần Thị Thu (ở đường Nguyễn Huệ, TP. Huế) không thực hiện được cuộc gọi, nhắn tin mà bà không biết nguyên nhân.
“Tôi dùng điện thoại “cục gạch” mà cũng ít gọi nên không biết bị khóa, may có con trai về chơi nhắc nhở, kiểm tra giúp mới hay do chưa chuẩn hóa thông tin. Giờ nó vào mạng thực hiện đăng ký theo quy định, điện thoại tôi đã nghe gọi thông suốt”, bà Thu kể.
Sau khi Bộ TT&TT triển khai khóa sim điện thoại 1 chiều (từ ngày 1/4), sáng 6/4, tại các điểm giao dịch của các nhà mạng, lượng người đến làm thủ tục không nhiều, khác với cảnh quá tải, tấp nập trước đó.
Đang chờ đến lượt gọi tên, ông Hùng (người dân TP. Huế) cho biết, ông không nhận được tin nhắn cập nhật nhưng vẫn đến điểm giao dịch để chuyển đổi thông tin từ CMND sang CCCD vì “muốn an tâm và có đầy đủ quyền lợi”.
Theo ông Hùng, việc đăng ký sim chính chủ là rất cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.
Bà Võ Thị Thanh Hiền, Phụ trách cửa hàng MobiFone bày tỏ: Sau ngày 31/3, số khách hàng (KH) đến mở khóa, cập nhật thông tin vơi bớt. So với giai đoạn từ 26-31/3, cửa hàng đón hơn 1.000 khách/ngày, nay giảm còn 1/3. “Thay vì đến điểm giao dịch, thuê bao bị khóa 1 chiều chỉ cần vào trang web của MobiFone để cập nhật, sau 15-30 phút, khi đồng bộ lại đúng dữ liệu, hệ thống chuẩn hóa thông tin là điện thoại được “mở” ngay”, bà Hiền nói.
Tại Trung tâm Kinh doanh VNPT, số lượng KH đến làm thủ tục cũng giảm đáng kể so với trước. Tuy vậy, VNPT vẫn tăng cường nhân viên phục vụ, tăng giờ mở cửa để hỗ trợ KH, sắp tới hết thời gian cao điểm sẽ trở lại hoạt động bình thường.
|
|
Khách hàng chờ đến lượt đăng ký thông tin tại cửa hàng Trung tâm Viettel |
Đa phần thuê bao đã chuẩn hóa
Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế Nguyễn Nhật Quang cho hay: Trong số 5.400 thuê bao của VinaPhone tại Huế trong diện chuẩn hóa, đến nay, có khoảng gần 80% (4.000 KH) đã thực hiện cập nhật, bổ sung thông tin theo quy định. Số còn lại phần lớn là thuê bao không có nhu cầu chuẩn hóa, hủy không tiếp tục sử dụng.
Với những sim bị các nhà mạng viễn thông khóa một chiều vào ngày 1/4 có cả sim nghi ngờ là sim rác, do số dư trong tài khoản là 0 đồng và thuê bao không hoạt động. Bên cạnh đó, những thuê bao này dù đã nhận tin nhắn yêu cầu chuẩn hóa thông tin, nhưng không đăng ký lại thông tin cá nhân.
Hiện các nhà mạng chưa thống kê về số người đến chuẩn hoóa sau khi bị khóa một chiều. Riêng Viettel Thừa Thiên Huế “chỉ còn dưới 1% KH của Viettel chưa mở khóa”.
“Chúng tôi làm tương đối tốt nên không bị ảnh hưởng nhiều khi Bộ TT & TT yêu cầu chuẩn hóa”, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế Nguyễn Huy Quang chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Quang cho hay, trước đó, khi lực lượng công an triển khai thực hiện mã định danh công dân, nhân viên Viettel đã đi cùng đến tận xã, thôn, bản để cập nhật thông tin nên khi có yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao, chỉ còn không nhiều KH tại Huế cần bổ sung. Vì vậy, không có cảnh chen chân, chờ đợi lâu tại cửa hàng trung tâm và điểm giao dịch ở các huyện, thị của Viettel”.
Cục Viễn thông – Bộ TT&TT cũng lưu ý với mọi thuê bao di động, đặc biệt là những thuê bao đã bị khóa một chiều, người sử dụng cần chủ động nhắn tin (miễn phí) tới đầu số 1414 với cú pháp “TTTB” để nhận được tin nhắn phản hồi các thông tin về thuê bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD/hộ chiếu.
Đây là cơ sở để người sử dụng sim biết được tình trạng chính chủ của thuê bao. Để cập nhật thông tin, người dùng có thể ấn vào đường dẫn (link) trong tin nhắn hoặc gọi đến số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng hoặc ra trực tiếp điểm giao dịch của nhà mạng để tiến hành thay đổi, bổ sung, cập nhật thông tin.