Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng COVID-19
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Thuế tỉnh đã công khai 500 lượt DN nợ thuế, với số tiền trên 157 tỷ đồng.
Nợ “khó đòi” chiếm 47%
Khởi công từ năm 2007, dự án (DA) khu ĐTM Đông Nam Thủy An có tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng trên diện tích hơn 251.956m², do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư. DA bao gồm nhiều hạng mục như: khu dân cư mới ĐNTA, khu biệt thự, nhà vườn, chung cư, khách sạn, cao ốc văn phòng. Sau nhiều năm "án binh bất động" vì nợ nần, tháng 4/2019, DA được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại Minh Linh (gọi tắt là Công ty Minh Linh).
Tuy nhiên đến thời điểm bàn giao, CIC8 chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung cho tỉnh theo cơ chế tài chính được duyệt, bao gồm nộp bổ sung tiền sử dụng đất do giảm quy mô đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật DA khi điều chỉnh quy hoạch 1/500. Nộp bổ sung tiền sử dụng đất, thuê đất đối với phần đất ở chung cư thương mại trên diện tích khoảng 17.043m2. Nợ kéo dài khiến đơn vị tiếp nhận rất khó khăn trong việc trả nợ.
Cuối năm 2019, Cục Thuế tỉnh đã thông báo số tiền thuế, tiền phạt, tiền nộp chậm đối với 2 khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng của CIC8 mà Công ty Minh Linh phải nộp thay.
Những khoản nợ kéo dài như CIC8 không phải là hiếm, bởi còn có một số doanh nghiệp (DN) ý thức tuân thủ về thực hiện nghĩa vụ ngân sách với nhà nước chưa cao, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài... dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng dù cơ quan thuế thường xuyên đôn đốc cũng như thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Ngoại lệ vẫn có một số do các DA đang phải giải quyết vướng mắc như: chờ giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác, chưa đi vào khai thác nên chưa có khả năng nộp tiền thuế. Theo quy định, cơ quan thuế vẫn phải tính ghi nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Số liệu từ Cục Thuế tỉnh, tính đến thời điểm 30/6/2020, tổng số tiền nợ thuế do ngành thuế quản lý là: 576.728 triệu đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi là 270.838 triệu đồng, chiếm 47% trên tổng nợ. Tỷ lệ tổng nợ/tổng thu ngân sách là 15%, trong đó tỷ lệ nợ có khả năng thu/tổng thu ngân sách đến 30/6/2020 là 8%.
Nợ thuế của các doanh nghiệp đầu năm 2020 tăng do ảnh hưởng COVID-19 (ảnh minh họa)
Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ, nợ thuế 6 tháng đầu năm 2020 tăng lên, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều DN thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh những DN có khó khăn thực sự trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có những DN không có ý thức thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước, chây ỳ nợ tiền thuế, không nộp thuế đúng hạn.
Bài toán chống thất thu thuế
Để giảm tỷ lệ nợ đọng thuế đến 31/12/2020 xuống dưới ngưỡng 5% tổng thu ngân sách theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra không ít thách thức đối với ngành thuế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều bất lợi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như hiện nay.
Ông Hà Văn Khoa thông tin, toàn ngành thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu thu nợ và giảm nợ cho từng chi cục thuế để lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ; gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ.
Đồng thời liên tục đánh giá, phân tích và nắm chắc được đối tượng nợ, diễn biến nợ thuế để thực hiện đúng các bước trong quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành có liên quan trong công tác thu nợ thuế; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thuế theo luật định đối với các trường hợp cố tình trốn tránh, dây dưa nợ thuế.
Theo ông Khoa, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để thu hồi nợ thuế đối với các DN cố tình chây ì không nộp thuế. Theo đó, cơ quan thuế công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các DN trên địa bàn có số thuế nợ đọng lớn, chây ì không nộp thuế; thực hiện các biện pháp đôn đốc, tiến tới áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy trình, quy định.
Đối với các trường hợp đã cưỡng chế hóa đơn nhưng không hiệu quả, Cục Thuế tỉnh sẽ tiến hành các bước xác minh thông tin để áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo (kê biên tài sản, thu tiền từ bên thứ 3 và cuối cùng là kiến nghị với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh của DN).
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế và tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, chống thất thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế tỉnh thực hiện công khai thông tin người nộp thuế đã cưỡng chế và người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng còn nợ thuế trên website ngành thuế và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bài, ảnh: HƯƠNG THẢO