ClockThứ Tư, 12/09/2012 21:21

Chinh phục đất, thuần hóa rau

TTH - Đi mô ở Điền Lộc (Phong Điền) cũng thấy cát. Vậy mà, những năm trở lại đây, những độn cát trắng xóa đã nhường chỗ cho màu xanh của các loại cây hoa màu, tràn đầy nhựa sống...

Đất cát thành đất vàng...

Ông Lê Hợi, thôn Nhất Đông là “ông tổ” khai sinh ra nghề trồng rau trên cát ở Điền Lộc. Ông Lê Hợi nhớ lại: “Trước đây gia đình tui thuộc diện nghèo nhất xã. Đất quê mình không thiếu, nhưng thiếu định hướng trong cung cách làm ăn. Đất cát bạc màu, biết trồng cây gì đây? Trong những lần quanh quẩn chuyện tiền nong, tui bỗng nảy ra ý nghĩ: Tại sao răng mình không trồng rau trên những độn cát này?”
 

Người dân Điền Lộc tích cực cải tạo đất cát, trồng rau xanh

 
Nghĩ sao, làm vậy, ông Hợi huy động con cái đắp đê chống cát bay, đào mương dẫn nước để cải tạo đất cát thành đất nông nghiệp. Thấy việc ông làm, dân quanh vùng ái ngại. Có người khẳng định: “Rau trồng trên đất thịt chưa chắc đã ăn thua, đem trồng trên đất cát, có mà “to gan”. Dần dà, những cố gắng của ông và gia đình được bù đắp. Ban đầu, diện tích nào cải tạo được, ông dùng phân chuồng và phân lân tổng hợp để bón lót nhằm tạo độ phì nhiêu cho đất. Một thời gian ngắn, gia đình ông Hợi cải tạo được hơn 0,5 ha đất cát thành đất sản xuất. Có đất sản xuất, ông bắt tay trồng thử nghiệm các loại rau như cải, su hào, xà lách...
 
Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, 0,5 ha rau của gia đình ông Hợi cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ông Hợi tiếp tục cải tạo cát để mở rộng diện tích trồng rau lên hơn 1ha, với đa dạng hoá các loại rau, tăng một vụ lên hai vụ/năm. Nhờ vậy, thu nhập từ rau trên cát của gia đình ông Hợi tăng lên 300 triệu đồng/ năm.
 
Thấy ông Hợi “đổi đời”, nhiều người tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm. Ông Lê Duy Dũng, thôn Nhì Đông kể: “Học tập ông Hợi, gia đình tui ngoài làm nông còn cải tạo đất để trồng thêm 2 sào cải, tần ô, ngò..., rau chính vụ trồng ngoài đồng, mưa lũ thì trồng ở chân độn cát ven biển. Hiện tại, một sào rau xanh bình quân cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Gia đình tui xây được nhà cửa kiên cố, có điều kiện nuôi hai đứa con đang học đại học”. Ông Lê Ngọc Khuyến, thôn Nhất Đông cho biết thêm: “Trên 500m2 đất cát đã qua cải tạo, tui đưa vào trồng các loại cây rau: cải, rau cần, tần ô, rau thơm, ớt... Bình quân một tháng, cho thu nhập từ 4-5 triệu đồng, đủ để trang trải mọi sinh hoạt trong gia đình và nuôi 5 người con ăn học”.
 
Người dân Điền Lộc còn “thuần hoá” hầu hết các loại rau màu có giá trị kinh tế cao xuất xứ từ Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh. Nhiều hộ thu nhập đều đặn từ rau xanh từ 50-100 nghìn đồng/ngày, có hộ thu nhập lên đến 500 nghìn đồng/ngày. Đây là số tiền khá lớn đối với những nông dân. Rau xanh ở Điền Lộc không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường ra đến các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình...
 
 
Hướng đến vùng rau xanh an toàn...
 
Trong định hướng của xã Điền Lộc, vùng trồng rau sẽ được mở rộng lên 60 ha. Trước mắt, xã tiến hành quy hoạch vùng Bàu Ró, nơi đã trồng 10 ha rau màu và sẽ trồng thêm 30 ha trong thời gian tới. Ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc cho biết: “Ở thôn Nhất Đông vào mùa mưa, một “vồn” đất trồng rau trái vụ đem lại thu nhập 1 triệu đồng/lứa, một tháng có thể trồng 2-3 lứa tùy theo thời gian sinh trưởng của cây. Nếu đầu tư cở sở hạ tầng tốt thì có thể trồng rau quanh năm chứ không chỉ 4 tháng/năm như bây giờ”.
 
Ước tính, tổng thu nhập từ nguồn rau xanh ở hai thôn Nhất Đông và Nhì Đông của xã Điền Lộc bình quân mỗi năm hơn 5 tỷ đồng. Hội Nông dân xã Điền Lộc còn thành lập CLB trồng rau xanh, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như phát triển mạnh hơn thương hiệu và thị trường cho vùng trồng rau nơi đây.
Cũng theo ông Thắng, ý tưởng của xã cũng là nguyện vọng của người dân là sẽ giãn dân ra vùng độn cát. Vừa rồi, xã tranh thủ nguồn vốn của huyện để đầu tư con đường dài 150m. Nếu được đầu tư thêm 600m nữa sẽ thuận lợi hơn cho người dân trồng rau, ông Thắng nói.
 
Xã Điền Lộc cũng như huyện Phong Điền đang quyết tâm hỗ trợ về hạ tầng cơ sở để nâng cao hiệu quả trồng rau trên cát. Trong đó, tập trung đầu tư nguồn điện lưới kéo đến vùng rau màu trên cát; đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu liên hoàn... nhằm xây dựng một vùng rau an toàn, phục vụ nhu cầu rau xanh hiện nay. Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: “Điền Lộc đã trở thành vựa rau của huyện. Mô hình trồng rau xanh trên cát mang lại giá trị kinh tế cho không ít bà con nông dân địa phương. Người dân vừa có tiền triệu, môi trường được cải tạo; đồng thời, nghề trồng rau xanh ở vùng cát có thể tận dụng mọi đối tượng cũng như đã giải quyết lao động nhàn rỗi quanh năm. Những khó khăn, trăn trở của chính quyền địa phương cũng như người trồng rau sẽ được huyện phối hợp với các ban, ngành liên quan tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tăng gia phát triển sản xuất, ổn định đời sống”.

 Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1.300 ha lúa ngã, đổ

Các địa phương đã kiểm tra hiện trường, tổ chức nắm tình hình, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục hậu quả do giông lốc và hướng dẫn người dân có diện tích lúa bị đổ ngã thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiệt hại.

Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1 300 ha lúa ngã, đổ
Lúa đông xuân được mùa, được giá

Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Lúa đông xuân được mùa, được giá
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn

TIN MỚI

Return to top