ClockThứ Hai, 02/06/2014 04:38

Dâu Truồi ăn “ngậm mà nghe”

TTH.VN - Hàng năm, cứ đến tầm tháng 5 âm lịch là xứ Truồi thoang thoảng hương dâu…

Không đẹp mã như dâu Nguyệt Biều, chẳng nhiều sự tích như lòn bon đất Quảng nhưng không phải tự nhiên, dâu Truồi lại được khách trong Nam ngoài Bắc “nhắc” mỗi khi có dịp ghé ngang.

Đến cử thu hoạch, dâu Truồi chỉ to xấp xỉ ngón chân cái trẻ con. Ấy vậy mà cái vị ngọt, thanh từ múi dâu trắng đục, mọng nước khiến nhiều người ăn “ngậm mà nghe”, ăn đến… “quên” nhả hột. Dâu Truồi không cứ trái to là ngon. Ra chợ, thấy ai chọn dâu Truồi cứ lật lên lật xuống, lựa cho ra trái dâu có chấm son thì biết ngay là dân “sành điệu”. Trong chùm dâu xanh pha sắc hồng, trái nào có chấm son ăn ngọt thôi rồi.


Khi dâu chín, trái nào có chấm đỏ (điểm son) ăn ngọt thôi rồi

Ngay cả người xứ Truồi cũng không rõ loài dâu này xuất nguồn từ đâu, khi nào. Mà cũng chẳng nhớ vì sao loại trái cây dân dã còn gọi là dâu tiên. Chỉ biết khi sinh ra, trong lời ru của mẹ, của bà đã thoang thoảng hương dâu thanh ngọt.

Mà kể cũng lạ, cũng là dâu Truồi nhưng bất kể là cùi hay bứng gốc, nếu đem trồng nơi khác thì cứ gọi là chua lè chua loét. Càng lạ hơn, dâu Truồi rất kỵ hái lẻ tẻ. Khi mới đến, định thò tay ngắt thử trái có chấm son ăn cho biết, chẳng ngờ bị ngăn lại. Mới đầu tưởng chủ vườn… tiếc của nhưng sau mới biết, đã hái phải hái hết cả cây, hái lẻ tẻ y như rằng một hai ngày sau, cả cây dâu sẽ bị lũ sâu kéo tới đục từng trái một.

Hôm ghé thôn Đồng Xuân, theo lời ông Trung - chủ một vườn dâu nơi đây, hiện cả thôn có khoảng vài ba chục gốc dâu, từ 30, 40 năm đến tận trăm tuổi. Tầm này mọi năm các vườn dâu chín rộ, trái cứ gọi là trĩu cành kín thân. Trước đó vài ba tháng, con buôn đã đến đặt tiền mua nguyên cây. Năm ngoái, cân ký tại vườn 20-25 ngàn, nhưng năm nay 30-35 ngàn một ký dâu nhưng các vườn vẫn méo mặt.

Cái đận Giêng hai, chẳng hiểu trời đất như răng mà sương muối ập xuống. Báo hại dâu cả làng Đồng Xuân cứ gọi là điếc đặc. Trái mới bé teo đã khô quắt, rụng xót lòng. Mấy ngày ni mụ vợ tui tiếc của, cứ lụi hụi ra ngóng mấy cây dâu coi có bòn được trái mô không. Trước được mùa, một gốc cho chừng 2 tạ, chừ bòn cả ngày mấy gốc dâu được non chục ký, đủ để cúng ông bà với cho mấy đứa cháu ở trên Huế mà hè mô cũng điện thoại về réo nội nội nhớ để con mấy ký dâu son nghe nội – ông Phan Tư chỉ mấy gốc dâu cả trăm tuổi thở dài.


Dâu đã hái phải phái hết cả cây

Dạo một vòng quang thôn Đồng Xuân… rồi lại quành về nhà ông Trung chỉ bởi hiện cả thôn, mỗi nhà ông còn vài ba gốc dâu tàm tạm trái. Ông chỉ quanh quất: Dâu mất mùa, mít, tiêu, thanh trà cũng mất theo. Thời tiết khắc nghiệt quá. Chắc lại là ba cái vụ hiệu ứng nhà kính hay biến đổi khí hậu chi chi đó phải không chú…

Rồi có lẽ thấy “tội”, ông sai mấy đứa con ra hái dâu đãi khách. Thú thật vừa háo hức vừa ngại. Chắc hiểu ý, ông trấn an: không răng mô, vườn còn 2 cây, cây ni cũng gần thu hoạch rồi. Cứ ăn cho biết dâu son xứ Truồi.


Sau đận sương muối, cả thôn Đồng Xuân giờ chỉ có nhà ông Trung còn một hai gốc dâu cho trái tàm tạm


Tàm tạm là theo lời ông Trung chứ dâu vẫn bám đầy thân cây







Dâu trĩu cành...

... kín gốc



... kín thân, trông như bầy heo con tranh nhau ti mẹ...


Sai con hái dâu đãi khách, ông trấn an, cây gần thu hoạch rồi...



... dâu ni không cần nhả hột, cứ ăn cho biết dâu son xứ Truồi.

Võ Nhân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Return to top