Cán bộ kiểm tra rầy nâu trên đồng ruộng
Nguy cơ lây lan
Những ngày này, ông Nguyễn Thắng ở Tín Lợi, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) vô cùng lo lắng trước 3 sào lúa đang bị rầy nâu tấn công cục bộ. Ông Thắng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, bắt rầy bằng thủ công, kết hợp phun thuốc nhưng đến nay vẫn chưa giảm. Thời tiết nắng nóng, thất thường như hiện nay, nguy cơ rầy nâu phát sinh trên diện rộng.
Theo ông Thắng, rầy nâu là một trong những loại sâu bệnh nguy hiểm nhất đối với cây lúa. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, rầy nây xuất hiện trở lại.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo thông tin, rầy nâu xuất hiện trên trên địa bàn khoảng một tuần nay với diện tích bị nhiễm gần 50 ha. Mật độ rầy gây hại phổ biến 750-1.500 con/m2, nơi cao 3.000-5.000 con/m2, một số diện tích lúa bị cháy cục bộ. Các hợp tác xã đang hướng dẫn thành viên, nông dân tích cực triển khai các biện pháp xử lý rầy, hạn chế nguy cơ lây lan diện rộng.
Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh (TX. Hương Trà) cho rằng, rầy nâu là một trong những loại dịch hại nguy hiểm. Tại các tỉnh phía Nam đã từng mất mùa lớn do rầy nâu. Thực tế ở Hương Vinh đã từng xảy ra dịch rầy nâu gây thiệt hại lớn, hàng chục ha mất trắng. Thời tiết phức tạp như hiện nay, rầy nâu có nguy cơ sinh trưởng, lây lan. Đến nay, trên địa bàn xã Hương Vinh có khoảng 40ha lúa đã trổ bị rầy nâu gây hại. Cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ, hạn chế lây lan.
Cần phun đúng thuốc
Rầy nâu gây hại trên diện tích bị khô hạn ở Tín Lợi, xã Quảng Lợi
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đắc Thọ thông tin, vụ hè thu 2020, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 25.198,23 ha lúa. Đến nay có khoảng 20 ngàn ha đã trổ, diện tích còn lại đang làm đòng chuẩn bị trổ. Điều đáng lo ngại, rầy nâu đang phát sinh gây hại, ngày càng gia tăng về mật độ và diện phân bố.
Tính đến ngày 29/7, trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 ha lúa bị rầy nâu gây hại, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, nơi cao 3.000-5.000 con/m2, cục bộ có nơi bị nhiễm trên 10 ngàn con/m2, gây cháy chòm. Các địa phương đang bị rầy nâu gây hại, tập trung ở Tín Lợi, xã Quảng Lợi (Quảng Điền), Hương Vinh, Hương Phong, Hương Toàn, Tứ Hạ, Hương Vân (TX. Hương Trà), Phú Đa, Phú Gia, Vinh Hà, Vinh Mỹ (Phú Vang), Phong Hiền, Phong Bình (Phong Điền).
Ông Hồ Đắc Thọ đánh giá, rầy nâu rất nguy hiểm, song nếu triển khai các biện pháp phòng trừ hiệu quả, đúng thuốc, đúng kỹ thuật có thể ngăn chặn và xử lý triệt để loại bệnh này. Chi cục đã bố trí cán bộ kỹ thuật, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đánh giá tình hình diễn biến rầy nâu gây hại để khoanh vùng diện tích nhiễm; đồng thời hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả, nhất là những nơi có mật độ cao trên 1.500 con/m2.
Đối với diện tích đang làm đòng, trổ-ngậm sữa, rầy gây hại tuổi 1-2, mật độ ổ trứng cao, người dân sử dụng các loại thuốc có tác dụng lưu dẫn như Chess 50WG, Map Arrow 420WP, Pexena 106SC, Centrum 75WG, Penalty Gold 50EC … để phun trừ.
Các diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh, gốc lúa đã già, khả năng lưu dẫn kém, sử dụng các loại thuốc tiếp xúc như Basa 50EC, Vibasa 50EC, Victory 585EC… phun kỹ vào gốc lúa - nơi rầy tập trung gây hại. Trước khi phun cho nước vào ngập ruộng 3-5cm để rầy di chuyển lên phía trên, tăng khả năng bám dính của thuốc. Sau phun 2-3 ngày cần kiểm tra để chống tái nhiễm. Nếu trường hợp mật độ rầy cao cần tiếp tục phun kép, bằng cách kết hợp trộn thuốc có hoạt chất Fenobucarb, hoặc Isoprocarb với cát, đất bột rãi phía dưới gốc lúa, phía trên phun thuốc để tăng hiệu quả trừ rầy.
Với diện tích lúa chín có thể thu hoạch, nếu mật độ rầy cao, phát triển nhanh, khuyến cáo nông dân cần thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại.
Bài, ảnh: Hoàng Triều