ClockThứ Bảy, 03/10/2015 16:48

Hạ thấp đất ruộng, phục vụ canh tác

TTH - Đất ruộng ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) sau nhiều năm bồi lắng do lũ lụt, nguyện vọng của người dân nơi đây muốn cải tạo lớp đất bề mặt, hạ độ cao để dễ dàng trong canh tác, nâng cao năng suất…

Hạ thấp đất ruộng ở xã Thủy Thanh là nhu cầu chính đáng của bà con nông dân

Năng suất tăng

Ông Trần Duy Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Thanh cho biết, do đặc điểm địa hình đất ruộng ở địa phương nằm ven sông Như Ý nên những diện tích đất ở hai thôn Vân Thê Làng, Vân Thế Đập qua nhiều năm bị bồi lắng nghiêm trọng. Đặc biệt, trận lũ năm 2014 đã bồi lấp đất pha cát có nơi cao hơn 0,5m, cần được cải tạo, hạ thấp độ cao để bà con dễ dàng trong việc canh tác, tưới tiêu. Thực tế cho thấy, những diện tích được hạ độ cao người trồng lúa không chỉ tốn ít nước, phân bón mà năng suất cây lúa tăng (từ 1-1,5 tạ/sào).

Trên xứ đồng Vân Thê Làng, Vân Thê Đập, hiện công tác cải tạo, hạ thấp đất ruộng đã tạm ngưng, UBND xã Thủy Thanh đang làm tờ trình báo cáo UBND thị xã Hương Thủy về tình trạng cải tạo đất tại đây. Theo ghi nhận của chúng tôi, một số đất ruộng đã được múc, tập kết bên đường liên thôn; để xe tải chở đi phục vụ san lấp nền, cải tạo vườn tạp.

“Về cơ bản tầng đất canh tác khi lấy đi đều không tốt trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu đây là đất cát bồi lấp cao hơn hệ thống thủy lợi, đất lâu ngày canh tác ít bón phân, lớp đất mặt bị chai thì có thể cải tạo. Khi cải tạo nguồn bệnh tích lũy bị lấy đi, thay vào đó là lớp đất mới ít mầm bệnh, nhiều dinh dưỡng hơn nên năng suất cây trồng sẽ cao hơn. Sau khi cải tạo, bà con sản xuất cũng cần chú ý tăng cường bón phân, đặc biệt là phân hữu cơ nhằm tăng độ mùn trong đất sau khi đã lấy đi tầng đất canh tác.”- PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nông học Trường ĐH Nông lâm Huế.

Ông Nguyễn Quang Lâu (thôn Vân Thê Làng) khẳng định: “Làm lúa ở Thủy Thanh nhiều năm, do đặc thù nằm ven sông Như Ý nên đất nông nghiệp thường xuyên bị bồi lắng sau các trận lũ. Việc bà con cải tạo đất, chỉ lấy đi lớp pha cát bề mặt là nguyện vọng chính đáng nhằm tăng năng suất canh tác. Không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều hộ dân có nhu cầu được hạ thấp đất ruộng.”

Hộ ông Lâu có 3,3 sào đất ruộng ở xứ đồng Ruộng Hương bị bồi lắng từ nhiều năm trước nên tưới tiêu khó khăn. Ông Lâu cũng đã làm đơn gửi Ban quản trị HTX và UBND xã Thủy Thanh xin cải tạo những diện tích đất ruộng bị bồi lấp. 

Cách làm chưa đồng bộ

Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết: “Toàn xã từ năm 2014 đến nay có gần 30 hộ dân làm đơn trình UBND xã để được hạ thấp đất ruộng. Đến nay đã cải tạo, hạ độ cao ruộng từ 0,15 - 0,5m cho 1,4 mẫu trong diện tích gần 24 mẫu (12 ha) bị bồi lấp ở hai thôn Vân Thê Làng, Vân Thê Đập. Những năm trước đó, bà con cũng có cải tạo đất nhưng diễn ra chỉ một vài hộ, những hộ dân này đến nay canh tác rất hiệu quả.”

Giải thích việc hiện nay đang dừng cải tạo đất tại địa phương, ông Việt thừa nhận: “Do người dân gửi đơn dàn trải, không cùng thời điểm, việc cải tạo ruộng cũng khá bức thiết theo nguyện vọng của người dân nên cách làm của địa phương chưa đồng bộ, chưa xây dựng được kế hoạch hàng năm, tham mưu cho UBND thị xã. Đó là thiếu sót”. Ông Việt cho biết thêm, trong quá trình hạ thấp đất ruộng người dân không thu tiền bán đất mà tự thỏa thuận với xe múc, xe tải chở đất, cho các lái xe số đất đó để bán vào việc san lấp nền nhà, cải tạo vườn tạp. Địa phương không bán đất ruộng.

Để tạo điều kiện cho các phương tiện vào cải tạo đất, nhiều bờ đê, kênh mương bị san phẳng nên HTX Vân Thê có thỏa thuận với các chủ xe tải, thu tổng cộng 1 triệu đồng của 3 xe lấy đất tại đây. Ông Đỗ Văn Phú, Chủ nhiệm HTX Vân Thê giải thích: “Thu tiền để HTX lấy kinh phí sửa sang lại những bờ đê, đường sá, san lấp lại diện tích ruộng bị cày xới trong quá trình các phương tiện vào tận ruộng để múc đất. Khi thu tiền, HTX đều có làm phiếu thu và có sự thỏa thuận đồng ý của các chủ xe. Do đó, ở đây không phải HTX đứng ra thu tiền bán đất.”

UBND thị xã Hương Thủy đã có văn bản yêu cầu địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết về cải tạo đất hàng năm, nhằm có cách làm đồng bộ, hiệu quả.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2.000 ha lúa bị ngập úng

Đợt mưa lớn chiều 23/5 đã làm gần 2.000 ha lúa hè thu mới gieo sạ trên địa bàn tỉnh bị ngập úng. Dự kiến sẽ hoàn thành việc tiêu úng trong 2 - 3 ngày tới

2 000 ha lúa bị ngập úng
“Vựa” chuối Hương Vân

8 giờ sáng, bà Sáu và ông Phú, đôi vợ chồng với hơn 20 năm kinh nghiệm buôn chuối đã có mặt tại phường Hương Vân (TX. Hương Trà). Xe chưa hết nóng máy, lục tục những người buôn chuối khác cũng đã xuất hiện. Dưới tán cây xanh mát, họ kiên nhẫn chờ đợi những buồng chuối tươi vừa cắt ở vườn từ đủ khắp các nẻo hẻm được đưa về.

“Vựa” chuối Hương Vân
Mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp cho hiệu qủa

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” chiều 14/5, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiến nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn lớn​ đến đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số.

Mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp cho hiệu qủa
Nông dân Quảng Thọ thích ứng với biến đổi khí hậu

Trước xu thế thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, Hội Nông dân (HND) xã Quảng Thọ (Quảng Điền) đã khẩn trương thành lập mô hình “Nông dân bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Nông dân Quảng Thọ thích ứng với biến đổi khí hậu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top