ClockThứ Bảy, 06/03/2021 06:45

“Lộc biển” đầu năm

TTH - Từ những ngày sau tết đến nay, các thuyền bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh liên tục trúng đậm cá trích, khuyết, cá khoai. Nhiều thuyền thu nhập vài triệu đồng/ngày.

Trống giục vươn khơi

Ngư dân Phú Diên (Phú Vang) cùng những mẻ cá đầu năm 

Thu nhập tiền triệu mỗi ngày

Sáng sớm 4/3, trên bãi biển Tân Thành, xã Quảng Công (Quảng Điền), từng dòng người tấp nập kéo ra bãi biển gỡ cá trích. Nhiều thuyền chở đầy ắp cá, không thể cập bờ buộc phải nhờ người dân hỗ trợ “tăng bo” mới đưa được thuyền vào bờ.

“Thường những ngày sau tết hằng năm, các thuyền đánh bắt gần bờ đều có lộc đầu năm. Nhưng nhiều chuyến biển liên tục trúng đậm như những ngày đầu năm nay là chuyện hiếm. Từ ngày mùng 5 tết, nhiều thuyền bãi ngang trúng cá khoai, ghẹ, cá nục, bạc má.

Chừng 10 ngày nay, các thuyền liên tục trúng đậm cá trích. Riêng thuyền của tui ngày nào cũng đánh bắt 3-4 tạ, với giá tại bờ biển mỗi kg 20 ngàn đồng, ước thu 6-8 triệu đồng/ngày”, ngư dân Nguyễn Thành hồ hởi.

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, toàn xã có khoảng 72 thuyền tham gia đánh bắt gần bờ. Từ những ngày sau tết đến nay, hầu như thuyền nào cũng có thu nhập vài triệu đồng trở lên/ngày từ đánh bắt cá trích, khoai, nục… Riêng cá trích, hầu hết các thuyền đánh bắt mỗi ngày 2-4 tạ, thu nhập 4-8 triệu đồng/chuyến.

Ngư dân hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn không chỉ được mùa đầu năm mà hải sản còn được giá. So với mọi năm, giá cá trích, cá khoai năm nay cao hơn nhiều. Giá cá trích bán sỉ tại bãi biển dao động trên dưới 20 ngàn đồng/kg, còn ngư dân bán lẻ tại các chợ, hoặc cá trích nướng có giá 30-35 ngàn đồng/kg. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền, qua thống kê sơ bộ, tổng sản lượng cá trích trong những ngày qua tại hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn ước 200 tấn.

Ngư dân Quảng Công gỡ cá trích

Ngư dân vùng bãi ngang ven biển Ngũ Điền (Phong Điền) cũng liên tục trúng đậm cá trích, cá khoai… từ những ngày sau tết đến nay. Ngư dân Trần Hòa ở xã Phong Hải phấn khởi, những ngày tết thường nhiều khoản chi tiêu, sau tết nhiều ngư dân “kẹt tiền” lo cho con cái ăn học, nhu cầu đời sống. Mọi chi phí đều nhờ vào nghề biển. May mắn “lộc biển” ngay từ những ngày đầu năm, mỗi ngày thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng, giúp ngư dân ổn định cuộc sống.

Theo ông Hòa, thuận lợi lớn đối với đánh bắt hải sản gần bờ là chi phí thấp, mỗi chuyến chỉ cần 15-20 lít dầu, chi phí chừng trên 300 ngàn đồng. Mỗi chiếc thuyền khai thác vùng lộng cũng chỉ cần 3-4 lao động, công việc giăng lưới cũng không quá nặng nhọc. Thời điểm đánh bắt các loại cá thường vào lúc 2 giờ sáng đến 6-7 giờ sáng cùng ngày. Riêng đánh bắt cá trích còn thêm thời điểm 3-4 giờ chiều đến 8-9 giờ tối cùng ngày.

Đa dạng, mở rộng quy mô ngư cụ

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thông tin, nghề đánh bắt gần bờ đang hồi sinh. Nghề lừ đánh bắt mực, câu mực, nghề “lói” (làm tổ cho hải sản trú ngụ, sinh sôi)… một thời gần như biến mất hoàn toàn nay đã dần hồi sinh. Các loại cá có giá trị như hanh, ngừ, chủa, thu, mực nang, mực lá… tưởng chừng như mất hút khỏi vùng biển lộng, nay đã “trở về” với sản lượng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, số lượng thuyền phục hồi đến nay vẫn chưa bằng ngày trước, các nghề cũng chưa đa dạng, quy mô nhỏ, “nghề lói” chưa nhiều.

Ông Sửu cho rằng, ở Ngũ Điền, ngoài một bộ phận người dân tham gia nuôi tôm chân trắng trên cát, còn lại chủ yếu dựa vào nghề biển. Nhiều hộ chế biến mắm, nước mắm có nguồn thu nhập ổn định. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các ban ngành tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, định hướng cho ngư dân mua sắm các nghề phù hợp đánh bắt hải sản hiệu quả. Xã đang vận động người dân khôi phục “nghề lói”, sắm thêm các nghề khai thác hải sản có giá trị như câu cá ngừ, cá chủa, thu, mực… Phương tiện, ngư cụ cần phải đầu tư quy mô hơn, đảm bảo vươn xa các ngư trường tiềm năng, đánh bắt nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế.

Tại vùng biển Phú Vang trong những ngày qua còn liên tục trúng đậm khuyết. Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy thông tin, chừng một tuần qua, nhiều thuyền trúng đậm khuyết, mỗi chuyến đánh bắt vài tạ trở lên, thu nhập 2-3 triệu đồng/thuyền. Khuyết chủ yếu phơi khô, ủ mắm bán vào mùa đông, riêng nước mắm bán quanh năm, được giá.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Trương Văn Giang thông tin, qua nắm bắt, từ những ngày đầu năm đến nay, hầu hết ngư dân vùng bãi ngang ven biển đều trúng đậm hải sản, chủ yếu cá trích, nục, khoai, khuyết… Điều này cho thấy, hải sản vùng biển lộng đang dần phục hồi, tuy nhiên nghề đánh bắt đa dạng, hiệu quả cao chủ yếu phần lớn tàu thuyền vùng biển Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc.

Tại vùng biển Ngũ Điền, phương tiện, ngư cụ đánh bắt còn thô sơ, chưa đa dạng, một số nghề chính một thời đánh bắt hiệu quả phục hồi còn chậm. Sắp đến, ngành nông nghiệp sẽ có biện pháp hỗ trợ ngư dân nâng cấp quy mô phương tiện, đa dạng hóa ngư lưới cụ… nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt gần bờ.

Trong khi nghề đánh bắt gần bờ “trúng lộc” đầu năm thì phần lớn tàu đánh bắt xa bờ đến nay vẫn chưa thể vươn khơi. Từ những ngày sau tết đến nay, trên vùng biển khơi liên tục xuất hiện không khí lạnh, biển động, bão nên các tàu chưa thể “xông biển”. Dự kiến vài ngày đến, ngư dân bắt đầu có những chuyến biển đầu năm.

Bài, ảnh: TRIỀU CƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Return to top