ClockThứ Ba, 01/07/2014 11:58

Nông dân đã chấp thuận

TTH - Hơn tháng nay, nhiều hộ nông dân ở Phong Điền thấp thỏm âu lo vì ớt chín đầy đồng mà không bán được. Công ty Tân Phú Quang, đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã có phương án hỗ trợ 10 triệu đồng/ha và được người dân chấp thuận.

Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha

Một ruộng ớt chưa thu hoạch

Được Công ty Tân Phú Quang (tỉnh Quảng Nam) hỗ trợ giống, vật tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ nông dân ở các xã: Phong Hiền, Điền Hương, Phong Chương, Điền Lộc (Phong Điền) hăng hái trồng ớt cao sản. Theo tính toán, trồng ớt cao sản hiệu quả kinh tế cao, có thể gấp ba lần so với trồng lúa, đậu, rau màu. Giá 6.200 đồng/kg, bình quân mỗi sào thu 1,5 tấn bán được 9-10 triệu đồng, như vậy bình quân mỗi ha thu nhập trên 180 triệu đồng. Nghịch cảnh là, sau khi ớt chín mọng đầy cây nhưng không được đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm khiến người dân lo lắng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay, mới đây đại diện Công ty Tân Phú Quang có buổi làm việc với UBND huyện Phong Điền về việc giải quyết hỗ trợ cho người dân. Đại diện công ty nêu lý do thị trường biến động nên thương lái Trung Quốc không thu mua ớt cao sản nữa. Lý do khác là, quá nhiều địa phương trồng ớt nên mặt hàng nông sản này bị ứ đọng số lượng lớn. Vả lại, thời tiết ở Huế khắc nghiệt làm ớt bị hong khô không đảm bảo chất lượng. Tuy gặp khó khăn, nhưng công ty cũng đưa ra hai phương án bao tiêu sản phẩm cho người dân, là hỗ trợ 500 nghìn đồng/sào (10 triệu/ha) và không thu tiền tạm ứng mua vật tư nông nghiệp, giống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Cho chia sẻ, trong điều kiện khó khăn, biến động thất thường của thị trường, việc đưa ra các phương án thu mua sản phẩm như trên đã thể hiện sự thiện chí của doanh nghiệp. Đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, bà con nông dân cũng chấp thuận phương án hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Tuần tới, Công ty Tân Phú Quang trở lại địa phương để giải quyết hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục vận động bà con trồng ớt cao sản, song vẫn giữ nguyên diện tích 20 ha; đồng thời, tiếp tục hợp đồng với Công ty Tân Phú Quang để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Cần đầu ra ổn định
Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Dũng thông tin, chương trình trồng ớt cao sản xuất khẩu được triển khai từ tháng 1-2014, do Công ty Tân Phú Quang giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Lam Dương (tỉnh Quảng Nam) trực tiếp vận động người dân trồng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 6.200 đồng/kg. Công ty cho bà con ứng trước tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiệu quả kinh tế tính toán cao hơn hẳn các loại cây trồng khác nên các địa phương vận động bà con chuyển đổi một số cây trồng, như lúa, lạc, rau màu sang trồng ớt. Vụ Đông xuân vừa qua, toàn huyện trồng 60 ha ớt; trong đó, hơn 20 ha ớt cao sản, tập trung ở các xã: Phong Hiền, Điền Lộc, Phong Chương, Điền Hương do Công ty Tân Phú Quang cung ứng giống và hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng ớt là một hướng đi phù hợp. Cây ớt không chỉ mang lại thu nhập cao gần 150-180 triệu đồng/ha, mà còn thích hợp và chống chịu rất tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những vùng đất khô hạn. Phần lớn các địa phương trên địa bàn tỉnh đều trồng ớt, tập trung nhiều nhất là ở vùng Ngũ Điền (Phong Điền), các xã: Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Lợi, Quảng Thái (Quảng Điền), các xã: Vinh Xuân, Phú Xuân, Vinh Thái, Phú Diên (Phú Vang), hai xã: Hương Phú, Hương Lộc (Nam Đông)... Sở NNPTNT chỉ đạo phòng NNPTNT các huyện, thị xã, phối hợp với các địa phương tập trung thống kê diện tích ớt trên địa bàn toàn tỉnh để có biện pháp quản lý.
Ông Hồ Vang chia sẻ, lâu nay, việc sản xuất và tiêu thụ ớt chủ yếu do người dân “tự bơi”, chưa có doanh nghiệp, cơ quan nào đứng ra tổ chức hỗ trợ nâng cao hiệu quả và bao tiêu sản phẩm. Quan điểm của ngành nông nghiệp, trước mắt là để bà con nông dân tự tổ chức sản xuất, cân đối diện tích và có phương án tiêu thụ hợp lý. Lâu nay, chất lượng ớt của nông dân trên địa bàn tỉnh được thị trường đánh giá cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thu nhập bình quân mỗi ha ớt trên 100 triệu đồng. Nhưng theo ông Hồ Vang, ngoài tiêu thụ ớt tươi, các hộ phơi khô giã làm ớt bột, chủ yếu bán ở thị trường nội tỉnh, giá cả không ổn định. Lâu dài, việc có một doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định là điều cần thiết. Ngành nông nghiệp cũng rất quan tâm việc tìm kiếm các doanh nghiệp có uy tín để hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra thuận lợi với giá ổn định.  
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1.300 ha lúa ngã, đổ

Các địa phương đã kiểm tra hiện trường, tổ chức nắm tình hình, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục hậu quả do giông lốc và hướng dẫn người dân có diện tích lúa bị đổ ngã thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiệt hại.

Khắc phục hậu quả giông, lốc làm gần 1 300 ha lúa ngã, đổ
Lúa đông xuân được mùa, được giá

Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Lúa đông xuân được mùa, được giá
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Return to top