ClockChủ Nhật, 09/12/2018 08:51

Nông sản thuận đường ra nước ngoài nhờ Việt Nam gia nhập FTA

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có tác dụng rõ rệt đến xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản. Trong đó, nhiều thị trường có FTA đã được khai thác tốt, thúc đẩy tăng trưởng XK tích cực so với trước khi có FTA.

XK nông sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế lớn, nhất là về thuế sau khi các FTA có hiệu lực. Ảnh minh họa

Tháo dỡ rào cản thuế quan

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XK bình quân của các nhóm hàng nông - lâm - thủy sản trong giai đoạn 2009-2017 đạt 19,7 tỷ USD/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm. Từ năm 2014 đến nay, tổng kim ngạch của các nhóm hàng đều trên 20 tỷ USD và đạt 27,5 tỷ USD vào năm 2017, tăng 16,9% so với năm 2016. Trong giai đoạn này, hàng thủy sản là nhóm hàng có mức tăng trưởng trung bình năm cao nhất, đạt tới 30,13%, đồng thời là nhóm có giá trị XK cao nhất, 8,3 tỷ USD năm 2017. Đến hết quý III/2018, con số XK các mặt hàng nông sản đã đạt 29,54 tỷ USD, hướng tới mục tiêu năm 2018 đạt con số ấn tượng: 40 tỷ USD.

Bộ Công Thương cho biết, tính đến năm 2018, Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 hiệp định đang thực thi, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn.

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang trong quá trình phê chuẩn và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang trong quá trình ký kết. Những FTA này đang đặt Việt Nam trước một sân chơi kinh tế mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, tháo dỡ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia với nhau.

Tạo đà cho xuất khẩu

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Hoàng Oanh cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng nhiều ưu đãi lớn về thuế quan, phi thuế quan khi tham gia các FTA. Đồng thời Việt Nam cũng có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó. Với Hiệp định CPTPP, hàng loạt nông sản XK của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam sẽ được giảm thuế.

TS.Oanh tính toán, tại thị trường Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch XK gỗ được xóa bỏ thuế quan, xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo cho Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xóa bỏ thuế quan được 78% kim ngạch XK nông sản, 91& kim ngạch XK thủy sản và 97% kim ngạch XK gỗ. Chile xóa bỏ thuế đối với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh XK của Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Dự kiến sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Đáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như cafe (hiện có mức thuế cơ sở là 0-11,5%), mật ong tự nhiên (17,5%)... EU đang là thị trường đứng thứ hai về XK của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như cafe, hạt điều và tiêu.

Đối với các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác của Việt Nam, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực. Với mặt hàng gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan; mặt hàng gạo XK vào EU sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình; sản phẩm tử gạo hạt cũng sẽ được EU đưa về mức thuế 0% trong vòng 7 năm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, cho rằng, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế của EU dành cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình từ 3-7 năm.

Theo đó, thủy sản XK được hưởng thuế suất theo cam kết của EVFTA thay vì thuế GSP trước đây. Điều này mang lại nhiều lợi ích bởi thuế suất trong EVFTA dành cho đại đa số các sản phẩm XK trong khi GSP chỉ dành cho một vài loại sản phẩm nhất định. Thuế GSP là ưu đãi đơn phương EU dành cho Việt Nam và có thể rút lại bất kỳ lúc nào, còn cam kết thuế quan trong EVFTA là cam kết song phương, ổn định, bền vững mà hai bên bắt buộc phải thực hiện, không có quyền tự ý đơn phương hủy bỏ nghĩa vụ này.

Các mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam vào CPTPP là gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản (trong đó chủ yếu là tôm và cá tra) có kim ngạch XK lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch XK các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, hoạt động XK nông sản của Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính và một số ít bạn hàng lớn trong CPTPP. Tham gia CPTPP là một cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng XK sang các thị trường lớn như Mexico, Australia, Canada cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản XK.

Đối với thị trường EU, sau khi EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về XK mặt hàng nông sản sang thị trường EU. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia khác, bởi thuế các mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu sang EU sẽ chỉ ở mức 0% trong vòng 7 năm. Những ưu đãi về thuế quan trong EVFTA sẽ mang lại cơ hội không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam XK vào thị trường EU, qua đó mở rộng tiềm năng sang các thị trường nhập khẩu khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản vượt ngưỡng 36 tỷ USD

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản tháng 11 năm 2018 ước đạt 3,61 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 11 tháng năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 18,1 tỷ USD (tăng 3,1%); giá trị XK thủy sản ước đạt 8,1 tỷ USD (tăng 6,8%); giá trị XK chăn nuôi ước đạt 0,51 tỷ USD (tăng 12,9%); giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 8,6 tỷ USD (tăng 18%).

10 tháng đầu năm 2018, bốn thị trường XK các mặt hàng nông - lâm - thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 9,1% (tăng 7,1%) và 6,9% (tăng 29,4%). Ở chiều ngược lại, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, ước giá trị nhập khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 11 năm 2018 đạt 2,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng năm 2018 đạt 28,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo PLVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa nông sản Việt vươn xa

150 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 32 tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước cùng quy tụ tại công viên Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội từ ngày 28/11-1/12 tới để trưng bày, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu; đồng thời quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa nông sản Việt tới các thị trường trong nước và quốc tế.

Đưa nông sản Việt vươn xa
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL
“Lên đời” cho thương hiệu chuối già lùn A Lưới

Với diện tích gần 400ha trồng chuối, 116ha trồng chuối già lùn, nguồn thu nhập từ chuối, nhất là chuối già lùn từng bước đã làm thay đổi đời sống bà con nông dân ở A Lưới. Ngoài tiêu thụ chuối chín, từ sự mày mò tìm hiểu, sáng tạo và liên kết, Hợp tác xã Nông sản an toàn A Lưới (gọi tắt là HTX) đã từng bước “lên đời” cho thương hiệu chuối già lùn với đa dạng các sản phẩm như: Chuối sấy dẻo, bánh mì chuối xanh sấy giòn, sợi mì bột chuối xanh...

“Lên đời” cho thương hiệu chuối già lùn A Lưới
Return to top