|
Nông dân làng hoa Phú Mậu (TP. Huế) chăm hoa tết |
Giữ ấm cho cây lúa
Vụ đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh dự kiến đưa vào gieo cấy khoảng 28.000ha lúa, đến nay đã gieo mạ khoảng 28ha, sạ 500ha. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, rét đậm, rét hại còn có thể tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, nền nhiệt tiếp tục xuống thấp cùng với mưa phùn, độ ẩm cao sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Tại HTX NN Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) những ngày này, nông dân, cán bộ HTX đang tất bật chuẩn bị máy móc, phương tiện và vật tư phục vụ công tác làm đất. Giống lúa J02 được HTX lựa chọn đưa vào sản xuất với cơ cấu giống trên 95%.
Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh cho biết, vụ đông xuân năm nay, HTX đưa vào sản xuất gần 300ha lúa với “cơ cấu cứng” là giống J02. Giống lúa này được HTX đưa vào sản xuất từ năm 2015, đến nay đã trở thành “thương hiệu” của đơn vị bởi có nhiều đặc tính nổi trội như cho năng suất cao (hơn 70 tạ/ha), giá thóc khô cao gấp 1,5 lần và đặc biệt chống đổ ngã, không nảy mầm trên thân như một số giống lúa khác.
“Đối với cây lúa, HTX tiến hành gieo sạ từ ngày 10/1 và kết thúc ngày 18/1, đáp ứng khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp. Hiện HTX đang đôn đốc, vận động bà con nông dân tiến hành cày lật đất, làm đất sớm để tiêu hủy lúa chét, cỏ dại và tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, để gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, triển khai các phương án chống rét, úng và khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận nhằm tránh sâu bệnh”, ông Thạnh cho biết thêm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV, Sở NN&PTNT) yêu cầu các địa phương tiến hành gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, đảm bảo đủ nước để giữ ấm cho lúa (giữ mực nước bằng 2/3 chiều cao cây lúa), tuyệt đối không bón đạm hoặc phân NPK cho lúa khi nhiệt độ thấp.
Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, trời ấm, tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối NPK đối với diện tích lúa theo đúng quy trình giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe ngay từ đầu vụ, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ để phun cho cây lúa sau khi sạ trong điều kiện thời tiết mưa rét, nhiệt độ xuống thấp dưới 18 độ C sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và có thể gây chết lúa.
Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế của địa phương, cơ cấu hợp lý, chuyển đổi các giống có thời gian sinh trưởng dài, trung ngày như NN4B, X21, Xi23… sang các giống có thời gian sinh trưởng ngắn như HG12, ĐT100, DT39,… trên các diện tích thấp trũng, gieo cấy muộn để đảm bảo lịch thời vụ gieo trồng, giảm chi phí đấu úng.
|
Nông dân làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân |
Phòng chuột bọ cho hoa tết
Làng hoa Phú Mậu (xã Phú Mậu, TP. Huế) là vựa hoa lớn nhất, cung cấp hoa cho tỉnh và các địa phương lân cận. Theo người dân, so với những năm trước thì năm nay thời tiết không mấy thuận lợi, mưa lạnh kéo dài khiến cho nông dân làng hoa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá phân bón tăng cao và nạn chuột bọ phá hoại ảnh hưởng sinh trưởng của cây trồng trong vụ tết.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu) do thời tiết mưa ẩm nên chuột bọ hoành hành, nhiều luống hoa bị chuột cắn phá ngang thân. Bà con đã sử dụng một số biện pháp phòng trừ như đặt bẫy, giăng lưới nhưng không mấy hiệu quả. Nếu không có biện pháp kịp thời, nhiều diện tích hoa tết sẽ mất trắng.
Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết, diện tích trồng hoa luống theo truyền thống hiện nay toàn tỉnh khoảng 26ha (chủ yếu hoa cúc các loại), tập trung ở các địa phương như TP. Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền… và trên 152.000 chậu hoa cúc và hoa các loại để phục vụ Tết Nguyên đán 2024.
Do đợt mưa ngập lụt và rét kéo dài vừa qua đã làm ảnh hưởng đối với bà con trồng hoa ở những vùng đất thấp trũng, tranh thủ thời tiết thuận lợi tạnh ráo, thời gian vừa qua người dân làm đất trồng hoa để phục vụ tết.
Trong thời gian ngập lụt và rét kéo dài, chuột ẩn nấp ở các vườn nhà dân và những vùng cao bụi rậm, thiếu thức ăn, bị đói nên đã cắn phá một số vườn hoa gần nhà dân, điển hình như vùng Phú Mậu.
Chi cục TT&BVTV đã yêu cầu các HTX, địa phương khuyến cáo, hướng dẫn bà con sử dụng các biện pháp trừ như rào chắn vườn bằng nilong hoặc bằng lưới để hạn chế chuột vào vườn hoa. Đặt các loại bẫy chuột bằng bẫy bán nguyệt hoặc bẫy lồng.
Chuột có khứu giác tốt, do đó để sử dụng bẫy chuột bằng bẫy kẹp bán nguyệt có hiệu quả thì sau khi chuột dính bẫy, nông dân phải vệ sinh bằng xà phòng sạch sẽ để chuột không ngửi thấy mùi đồng loại. Ngoài ra, hướng dẫn nông dân sử dụng một số biện pháp diệt chuột bằng thuốc sinh học như đặt bẫy bã bằng thuốc trừ chuột sinh học Racumin 0,75TP (khi thấy chuột chết thì đem chôn lấp nhằm tránh ô nhiễm môi trường).
|
Sở NN&PTNT yêu cầu Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH NNMTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi, các địa phương có phương án vận hành hợp lý các công trình thủy lợi, bảo vệ diện tích lúa đã gieo cấy và xây dựng các phương án tiêu úng kịp thời đầu vụ. Chi cục TT&BVTV phân công cán bộ phối hợp các địa phương kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, sinh vật gây hại cây trồng, có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời. |