Bèo tây sinh sôi, tập trung trên nhiều sông, hói, ao hồ ở Huế như Bạch Yến, Phú Mộng, Kẻ Vạn, An Hòa, Hàng Tổng, Ngự Hà, Hộ Thành Hà, An Cựu, Phát Lát, Nhất Đông, hói Cà, sông Hương…; các sông hói Như Ý, Phổ Lợi, Lợi Nông, Mộc Hàn, Đại Giang, Thiệu Hóa, sông Vực, Phú Bài… thuộc địa bàn thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang; các nhánh sông Nịu và hạ lưu đập Cửa Lác, sông Sịa, Kim Đôi, An Xuân thuộc huyện Quảng Điền; và một số sông, hói, ao, hồ thuộc địa bàn các huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà.
Để giải quyết vấn nạn bèo tây phát triển mạnh gây ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất và đời sống, từ nhiều năm nay, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai trục vớt bèo tây.
Trong các đợt lũ lớn cuối năm 2020, phần lớn bèo trong các sông, hói đã theo dòng chảy trôi ra biển, một phần theo dòng nước dâng lên bờ và đã được các địa phương thu gom trong các đợt ra quân khắc phục xử lý. Từ đầu năm 2021 đến nay, khi lưu lượng dòng chảy trên các sông bắt đầu giảm, nhất là bước vào đầu mùa nắng nóng, bèo tây đang có nguy cơ sinh sôi phát triển trở lại.
Rút kinh nghiệm các năm trước, không để đến khi bèo tây phát triển quá nhiều mới triển khai trục vớt, ngay từ đầu tháng 3/2021, Sở NN&PTNT có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh triển khai công tác vớt. Các địa phương như huyện Hương Trà, TP. Huế… đã ban hành kế hoạch cụ thể giao các đơn vị và cơ sở trực thuộc triển khai thực hiện, kết hợp “Ngày Chủ nhật xanh” tiến hành triển khai trục vớt bèo đồng bộ trên địa bàn quản lý. Đồng thời nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn bị bồi lấp cục bộ để phục vụ tưới, tiêu cho nông nghiệp và làm sạch đẹp, thông thoáng cảnh quan môi trường.
Để giải quyết nạn ô nhiễm môi trường hạn chế phát sinh bèo trên địa bàn, thiết nghĩ bên cạnh việc ra quân thường xuyên trục vớt bèo, rác… tỉnh nên hỗ trợ kinh phí cho các ngành, địa phương nạo vét các sông hói, ao hồ bị bồi lấp, ô nhiễm nhằm tạo dòng chảy để nước không bị tù đọng làm bèo phát triển. Có kế hoạch điều tiết, bổ sung lưu lượng nước từ các hồ thủy điện, thủy lợi lớn ở thượng nguồn xả về hạ lưu, phối hợp vận hành đập Thảo Long và các cống đập khác để vừa đảm bảo ngăn nước mặn từ biển xâm nhập vào nhưng vẫn tạo được dòng chảy thông thoáng trên dòng chính sông Hương và các chi lưu. Dòng chảy thông thoáng sẽ tăng khả năng tự làm sạch của sông ngòi, ngăn ngừa ô nhiễm, hạn chế quá trình phát triển của bèo.
Đồng thời, nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sử dụng bèo làm phân hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp và trồng trọt hoặc yêu cầu các đơn vị có nhu cầu đăng ký để các địa phương chủ động liên hệ cung cấp bèo.
Hy vọng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự vào cuộc chủ động và tích cực của các ngành, địa phương, công tác xử lý và ngăn chặn sự phát triển, lây lan của bèo tây trên địa bàn sẽ đạt được hiệu quả cao, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Nguyễn Đính