ClockChủ Nhật, 23/06/2024 08:17

Pháp quy hóa loại hình kinh doanh, phân phối thuốc mới

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã đưa ra các biện pháp quản lý mới cho một loại hình kinh doanh, phân phối thuốc.

Ứng dụng công nghệ số vào đời sống, sản xuất nơi vùng caoCần giải pháp căn cơ, lâu dài trong quản lý thị trường vàngNgười dân cần thận trọng khi mua bán vàng

Mô hình chuỗi nhà thuốc Long Châu đang phát triển tại nhiều địa phương. (Ảnh THÀNH ĐẠT) 

Nếu tại các thị trường dược phẩm thế giới, việc phân phối thuốc thường là các đơn vị độc lập, thì tại Việt Nam, hệ thống phân phối thuốc lại có cấu trúc phức tạp và sự tham gia của nhiều bên liên quan. Các thành phần chính tham gia kinh doanh, phân phối ở Việt Nam gồm:

Các doanh nghiệp phân phối thuốc chuyên nghiệp; các công ty dược vừa sản xuất vừa phân phối; hệ thống các cơ sở bán lẻ (nhà thuốc). Thời gian gần đây, do quá trình phát triển, chuyên môn hóa của xã hội dẫn đến hình thành một số mô hình kinh doanh dược mới, như hệ thống chuỗi nhà thuốc bắt đầu định hình rõ nét và xác định được vị trí của mình trong việc phân phối thuốc từ nhà phân phối đến người tiêu dùng (người bệnh) ở kênh ngoài bệnh viện.

Cả nước có hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc và hệ thống nhà thuốc đang từng bước trở thành một mô hình đặc thù trong chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam, một số chuỗi nhà thuốc được hình thành với số lượng lớn các nhà thuốc, như hệ thống nhà thuốc Long Châu, hệ thống nhà thuốc Pharmacity, hệ thống nhà thuốc An Khang…

Tuy nhiên, quy định hiện hành về kinh doanh dược tại Luật Dược năm 2016 chưa có quy định chi tiết về hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi; chưa quy định cụ thể về điều kiện, cũng như quyền lợi của các cơ sở kinh doanh chuỗi nhà thuốc; quy định còn cứng nhắc về dược sĩ phụ trách chuyên môn tại các nhà thuốc khi thay đổi,… chưa thật sự khuyến khích việc phát triển chuỗi nhà thuốc... Do đó, việc bổ sung quy định cụ thể về chuỗi nhà thuốc nhằm thống nhất cách thức quản lý; nâng cao tính chuyên môn hóa và hiện đại hóa hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc là việc làm cần thiết.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ Y tế đã đưa ra một số quy định đặc thù cơ bản của chuỗi nhà thuốc mà các cơ sở bán lẻ độc lập không có. Chuỗi nhà thuốc hoạt động theo cơ chế quản lý thống nhất liên quan đến việc cung ứng, lưu thông, tồn trữ, bảo quản thuốc và dữ liệu báo cáo của các nhà thuốc trong chuỗi. Tất cả hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi do doanh nghiệp tổ chức chuỗi chịu trách nhiệm, quy định cụ thể điều kiện của cơ sở tổ chức chuỗi và điều kiện của các nhà thuốc trong chuỗi...

Tương ứng với trách nhiệm nêu trên, dự thảo Luật đã đưa ra quy định về quyền lợi của cơ sở tổ chức chuỗi như: Được luân chuyển thuốc giữa kho trung tâm với các nhà thuốc và giữa các nhà thuốc có phạm vi kinh doanh tương đồng trong chuỗi; được luân chuyển người phụ trách chuyên môn của các nhà thuốc trong chuỗi và chỉ cần thông báo tới cơ quan quản lý chứ không cần làm thủ tục đề nghị cấp lại/điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Các quyền lợi này giúp cơ sở tổ chức chuỗi hoạt động linh hoạt, tiết kiệm chi phí mà vẫn bảo đảm chất lượng thuốc và chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc có thể có các quyền lợi phái sinh như đàm phán mua thuốc để cung cấp cho toàn bộ các nhà thuốc trong chuỗi với giá cả hợp lý; tạo dựng uy tín thương hiệu...

Mục tiêu lớn nhất của việc công nhận và pháp quy hóa loại hình chuỗi nhà thuốc là nhằm chuyên môn hóa, hiện đại hóa hệ thống bán lẻ thuốc. Qua đó giúp nâng cao chất lượng; dễ dàng truy xuất thông tin về nguồn gốc của thuốc, quản lý thông tin khách hàng, giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh (vì các cơ sở bắt buộc phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý).

Các chuỗi có cơ hội đàm phán giá với nhà cung cấp, vì vậy giá bán cho người tiêu dùng cũng sẽ hợp lý. Khi các chuỗi nhà thuốc được hình thành sẽ tạo ra động lực cạnh tranh, đòi hỏi các nhà thuốc truyền thống phải cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, nhưng không gây khó khăn cho các nhà thuốc truyền thống để bảo đảm cung ứng, tăng khả năng tiếp cận thuốc cho người dân.

Xuất hiện trong và sau dịch Covid-19, việc mua thuốc theo hình thức thương mại điện tử (mua-bán thuốc online) trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Do đó việc bổ sung, xây dựng hành lang pháp lý đối với phương thức kinh doanh thuốc online là rất cần thiết để tránh khoảng trống pháp lý đối với loại hình này.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh thuốc muốn thực hiện mua-bán thuốc online phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Như vậy, trước tiên phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một hoạt động được thực hiện song song với bán hàng truyền thống. Dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ các quy định chung.

Cơ sở khi thực hiện mua-bán online có trách nhiệm: Đăng tải, cung cấp thông tin về Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy đăng ký lưu hành của thuốc, Giấy phép nhập khẩu của thuốc; bao bì thương phẩm của thuốc, toàn bộ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và nhãn thuốc đã được phê duyệt...; phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện hoạt động vận chuyển thuốc đến người mua theo quy định.

Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược (Bộ Y tế) Phan Công Chiến cho biết, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được ban hành, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan, nhất là có các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động của cơ sở kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử cho phù hợp với đặc thù của hình thức kinh doanh này.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo lừa đảo giả danh cán bộ phòng đăng ký kinh doanh

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa phát đi cảnh báo đến các cá nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh về việc lừa đảo qua tin nhắn liên quan đến nội dung đề nghị cá nhân, DN làm việc với cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT.

Cảnh báo lừa đảo giả danh cán bộ phòng đăng ký kinh doanh
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
An Phát - Đơn vị phân phối phụ tùng xe nâng chất lượng đáng tin cậy

Hiện nay, do nhu cầu của ngành công nghiệp tăng nhanh, các thiết bị công nghiệp kể cả xe nâng hàng đều có một vai trò không hề nhỏ. Tuy nhiên, xe nâng sẽ không thể tránh khỏi những hư hỏng trong quá trình vận hành thường xuyên mặc dù được vệ sinh và kiểm tra hàng ngày. Các vấn đề về hư hỏng xe nâng hiện nay quá phổ biến, để có thể khắc phục hiệu quả những hư hỏng của xe, khách hàng nên liên hệ đến các địa chỉ sửa chữa uy tín. Chẳng hạn, Công ty An Phát - để kiểm tra và sửa chữa xe nâng gấp, thay thế phụ tùng chất lượng để xe có thể phục hồi các hư hỏng hiệu quả vận hành ổn định như trước đây.

An Phát - Đơn vị phân phối phụ tùng xe nâng chất lượng đáng tin cậy

TIN MỚI

Return to top