ClockThứ Ba, 21/03/2023 15:40

Phát huy mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp

TTH.VN - Là quan điểm nhất quán của các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức ngày 21/3.

VietinBank trao xe đạp phục vụ khách tham quan di tíchTăng nguồn tiền dự phòng để hạn chế rủi roGỡ khó trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng

Tham dự hội nghị có các ông: Nguyễn Quang Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phan Quý Phương, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị

Nhiều chương trình tín dụng được triển khai

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ. Việc khôi phục lại sản xuất là bài toán nan giải khi doanh thu của doanh nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng, nguồn vốn để khôi phục và phát triển sản xuất gần như cạn kiệt. Trước thực tiễn đó, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện khá tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy vai trò “bà đỡ” tín dụng góp phần giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh phần nào chứng minh được điều này, khi đến cuối tháng 1/2023 dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp là 28.062 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn. Trong đó, dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.275 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,3% tổng dư nợ và 50,9% tổng dư nợ đối với doanh nghiệp.

Nếu phân theo ngành nghề, lĩnh vực kinh tế thì dư nợ doanh nghiệp thuộc ngành nông, lâm, thủy sản đạt gần 1.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,2% tổng dư nợ doanh nghiệp; dư nợ doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp, xây dựng đạt gần 12.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,8% tổng dư nợ doanh nghiệp; dư nợ doanh nghiệp thuộc ngành thương mại dịch vụ đạt gần 14.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51% tổng dư nợ doanh nghiệp.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng đang triển khai trên 40 chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi cho nhiều phân khúc doanh nghiệp khách hàng khác nhau. Cùng với triển khai các chương trình tín dụng, chương trình tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng còn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.990 khách hàng với tổng giá trị nợ của khách hàng có phát sinh số dư nợ được cơ cấu là 8.083 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất đối với 52.752 khách hàng với tổng dư nợ là 24.850 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm, hạ lãi suất là 75,22 tỷ đồng. Các chi nhánh tổ chức tín dụng đã chủ động cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với doanh số cho vay là 42.547 tỷ đồng (từ 23/1/2020 đến 30/6/2022) 

Ngoài ra, các ngân hàng đã tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, giảm phí giao dịch và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN tỉnh đã thiết lập, duy trì đường dây nóng, tiếp nhận, chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng khẩn trương giải quyết dứt điểm 34 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan…

Xây dựng uy tín doanh nghiệp

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đều có chung quan điểm, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp cần vốn, trong đó chủ đạo hiện nay là vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Và thông qua hoạt động cho vay, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng có được nguồn thu nhập đáng kể. Vì thế, các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng phải cùng nhìn về một hướng để đồng hành, hỗ trợ cùng phát triển.

Theo đó, các khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cũng được các doanh nghiệp chia sẻ cởi mở.

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Huế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, trong 3 năm qua, doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận với các gói tín dụng nguyên nhân bắt nguồn từ ảnh hưởng của dịch khiến doanh thu suy giảm, không đủ điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo… Vì thế, ngoài những nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, doanh nghiệp rất cần các ngân hàng có chính sách tháo gỡ các khó khăn về tín dụng như: khoanh nợ cho doanh nghiệp, giải ngân 1 phần vốn để trả nợ quá hạn, giảm bớt các điều kiện tín dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay…

Việc định giá cho vay quá thấp so với giá trị tài sản, mặt bằng lãi suất cho vay quá cao, điều kiện và quy trình thủ tục cấp tín dụng quá chặt chẽ… cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

leftcenterrightdel
 Ngân hàng ký kết tài trợ vốn cho doanh nghiệp

Tuy nhiên theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, với doanh nghiệp, ngân hàng không chỉ đánh giá thẩm định vốn dựa trên giá trị tài sản đảm bảo mà dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp đó. Bằng chứng có khá nhiều doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thông qua việc vay tín chấp. Vì thế, doanh nghiệp khi tiếp xúc với ngân hàng cần minh bạch thông tin, ngoài quan tâm đến việc cấp tín dụng doanh nghiệp cũng cần quan tâm sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, hay tìm hiểu đầy đủ các quy định pháp luật về tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối để cùng chia sẻ với hoạt động của ngân hàng từ đó hỗ trợ nhau phát triển tốt nhất.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình tiếp cận giải quyết vướng mắt của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cần nắm được khó khăn ấy xuất phát từ nguyên nhân nào. Nếu bắt nguồn từ phía ngân hàng thì ngân hàng sẽ tìm cách tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tỉnh cam kết sẽ đồng hành với từng khách hàng, từng vụ việc theo từng địa chỉ cụ thể để tháo gỡ kịp thời. Nếu nguyên nhân từ phía các các sở, ngành khác thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị các sở, ban, ngành cùng nhau tháo gỡ, tham mưu theo thẩm quyền. Còn nếu nguyên nhân từ doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thẳng thắn xác định đề tìm cách giải quyết.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Quý Phương nhấn mạnh, doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Vì thế, Thừa Thiên Huế đã và sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tỉnh cũng cam kết chỉ đạo các sở ban ngành và địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực sản xuất kinh doanh của mình, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa 6 ngân hàng và 7 doanh nghiệp với tổng số tiền năm 2023 là 841 tỷ đồng.

Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Return to top