|
Doanh nghiệp đề xuất giảm mặt bằng lãi suất |
Áp lực tăng trưởng
Trong bài toán tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển được xem là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, để thúc đẩy doanh nghiệp hay nói đúng hơn là để đạt được mục tiêu tăng trưởng là điều không dễ. Số liệu công bố của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,01% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá và có xu hướng tăng cao qua các quý, nhưng mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ và so với kế hoạch đề ra.
Nếu xét trong mối tương quan với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tốc độ tăng trưởng của tỉnh nhà chưa cao. Có thể lấy số liệu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 của các tỉnh trong khu vực làm cơ sở đối sánh như: Thanh Hóa tăng 11,49%; Nghệ An tăng 6,76%; Hà Tĩnh tăng 7,06%; Quảng Bình tăng 6,50%; Bình Định tăng 7,60%; Phú Yên tăng 6,25%; Khánh Hòa tăng 12,73%.
Thường tổng sản phẩm trên địa bàn sẽ được tính dựa trên tổng các giá trị gia tăng do các doanh nghiệp tạo ra. Như vậy, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng đều ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Nói vậy để thấy trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn, quy mô, số lượng doanh nghiệp đang thu hẹp sẽ là áp lực lớn cho tăng trưởng.
Nhìn vào số liệu đăng ký hoạt động doanh nghiệp cho thấy quy mô, số lượng doanh nghiệp đang dần thu hẹp. Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trên địa bàn là 582 doanh nghiệp, nhưng có đến 745 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nguyên nhân của việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và giảm số doanh nghiệp thành lập mới theo đánh giá từ Sở Kế hoạch và Đầu tư là do các doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn liên quan đến tình hình thế giới, lạm phát dẫn đến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Ngoài ra, việc giá xăng dầu biến động dẫn đến các chi phí vận tải tăng, lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Cần đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng, theo tính toán từ Cục Thống kê tỉnh, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 đạt 8,5%-9,5% thì tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 10,8-12,7% mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng sẽ khó đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, việc thu ngân sách cũng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trong bối cảnh nguồn thu từ tiền sử dụng đất và các nguồn thu khác đang gặp khó khăn, nguồn thu từ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong thu ngân sách nhà nước. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế thu được 5.408 tỷ đồng thì thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt được 2.100 tỷ đồng; thu từ khu vực ngoài quốc doanh được gần 953 tỷ đồng; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương được 109 tỷ đồng…
Điều này cho thấy, việc đặt lợi ích cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trở thành mục tiêu sống còn trong thúc đẩy tăng trưởng. Có lẽ vì vậy mà trong những tháng qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Quốc hội, Chính phủ thông qua từ các chính sách gia hạn thuế, giữ nguyên nhóm nợ, giảm một số khoản thuế đến cắt giảm mặt bằng lãi suất… Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do Cục Thống kê tỉnh khảo sát thì đến có 61,7% doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu của thị trường trong nước thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các nhân tố có mức ảnh hưởng tiếp theo đến doanh nghiệp là: Tính cạnh tranh của hàng trong nước cao chiếm 58,3%; nhu cầu thị trường quốc tế thấp 46,7%; thiết bị công nghệ lạc hậu 38,3%; khó khăn về tài chính 30%; thiếu nguyên, nhiên, vật liệu 26,7%; lãi suất vay vốn cao 25%...
Ngoài đề xuất tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, lãnh đạo Cục Thống kê cũng đã đề xuất thêm nhóm giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng những ngành, sản phẩm tạo ra giá trị tăng lớn nhằm khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Khuyến khích doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, phát triển thị trường nội địa; xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất, cần duy trì các chính sách giảm lãi suất, không chỉ dừng ở các gói hỗ trợ lãi suất mà phải hạ mặt bằng lãi suất để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận lãi suất ưu đãi. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đi đúng trọng tâm hơn, nhất là khâu thực hiện các thủ tục hành chính, càng đơn giản, nhanh gọn càng có lợi cho doanh nghiệp.