Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tăng hiệu quả cho cây trồng tại Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong
Làm sản phẩm khi thị trường cần
Chuyên cung ứng sản phẩm dầu tràm truyền thống Huế lâu nay được mọi người tin dùng, Công ty TNHH sản xuất MTV tinh dầu Kim Vui (Công ty Kim Vui) đã xây dựng thương hiệu riêng, đảm bảo uy tín, chất lượng từ khâu thu mua nguyên liệu đến tinh chế, tự tin cạnh tranh sòng phẳng. Có được điều này theo ông Trần Lực, Giám đốc Công ty Kim Vui, ngoài tâm huyết tìm tòi, nắm bí quyết riêng trong tinh chế sản phẩm sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm còn mạnh dạn đầu tư công nghệ để có sản phẩm chất lượng. Đến nay, sản phẩm dầu tràm Kim Vui được tiêu thụ trên phạm vi cả nước và đang tháo gỡ các thủ tục cần thiết để vươn ra nước ngoài.
Giám đốc Công ty Kim Vui chia sẻ: Thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài, công ty đã biến "khó thành dễ", chú trọng mở rộng cơ sở, đầu tư thêm thiết bị máy móc, nâng công suất, cải tiến mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị trường mới. Hiện nay, ngoài các cơ sở hiện có tại TP. Huế, công ty đã mở thêm nhà xưởng, dây chuyền tinh dầu tràm tự động tại Thủy Phương, TX. Hương Thủy hơn 200m2, vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng (chưa kể mặt bằng).
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, ông Cung Trọng Cường chia sẻ: Ở Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện hạ tầng đất đai, con người để đầu tư phát triển nhiều công xưởng, nhà máy với sản phẩm công - nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao; trong đó có sản phẩm phụ trợ sử dụng trong ngành y tế, điện tử, đồ gia dụng cao cấp theo xu thế nhu cầu của thị trường hiện nay. Tuy vậy, số lượng này còn hạn chế, nhiều DN chưa xem trọng vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, cải tiến mẫu mã nên sản phẩm ra thị trường vẫn ở cửa hẹp. "Nghiên cứu đầu tư đổi mới công nghệ là tạo "giá trị lõi" đưa sản phẩm đến được với thị trường khó tính" - vị này nói.
Nhiều hội thảo với chủ đề "Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm" do Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức gần đây, không ít chuyên gia từ Trung ương cho rằng, phát triển kinh tế, nhất là các ngành công - nông nghiệp mang tính chất "xanh và sạch" phải tăng cường cho đầu tư nghiên cứu, chuyển giao đổi mới công nghệ sản xuất. Một số nước ở khu vực Đông Nam Á có điều kiện tương đồng như Việt Nam cũng đang định hướng về sản xuất công nghệ cao hơn là muốn trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới. Do vậy, tập trung cho nghiên cứu, đầu tư vào yếu tố cốt lõi của sản phẩm là con đường để giúp cộng đồng DN thành công.
Hỗ trợ DN làm chủ công nghệ
Để thúc đẩy các DN đầu tư cho công nghệ, thời gian qua ở Thừa Thiên Huế đã có những chương trình hỗ trợ, trong đó tập trung vào việc khuyến khích DN đổi mới công nghệ sản xuất. Sở KH&CN và Sở Công thương là những đơn vị đảm nhận chính các nhiệm vụ hỗ trợ DN trong việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ và đào tạo cho chủ DN, người lao động. Riêng chương trình khuyến công của Sở Công thương đã hỗ trợ cho hàng chục DN đầu tư, đổi mới máy móc, công nghệ. Nhìn tổng thể, nguồn vốn hỗ trợ so với nhu cầu là chưa nhiều, song các chương trình đã khuyến khích, tạo động lực cho DN trong việc mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ, đưa năng suất, chất lượng sản phẩm lên cao hơn.
Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt chương trình hỗ trợ DN đổi mới, chuyển giao công nghệ ở địa phương đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát không nằm ngoài việc tạo điều kiện, hỗ trợ DN chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Thông qua chương trình hỗ trợ, dự kiến trình độ, năng lực công nghệ của DN ở địa phương sẽ trên mức trung bình của cả nước vào năm 2025, nâng chỉ số đóng góp của chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 50% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. Đến năm 2030, sẽ có hơn 30% DN tập trung đổi mới, ứng dụng công nghệ vào các ngành nghề sản xuất chủ lực. Tỉnh sẽ đào tạo, tư vấn cho hơn 1 nghìn kỹ sư, cán bộ quản lý trong DN về đổi mới, nâng cao công nghệ.
Thực tế, để làm chủ công nghệ sản xuất mới và đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến là rất khó khăn, bởi quy mô DN ở địa phương phần lớn là nhỏ và vừa. Để hỗ trợ DN, địa phương phải hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy DN đổi mới công nghệ; đồng thời nâng cao năng lực thực hiện chương trình của cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư đổi mới công nghệ, khuyến khích DN thành lập quỹ khoa học công nghệ, liên kết DN với các tổ chức trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất...
Bài, ảnh: Minh Thương