ClockThứ Tư, 03/07/2013 05:35

“Chọn mặt gửi vàng” vào quỹ tín dụng nhân dân

TTH - Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thị phần tín dụng giữa các ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, với đặc thù và thế mạnh gần dân và sát dân, các QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động ổn định và được củng cố.

Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), QTDND là loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức theo mô hinh hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhằm mục đích chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động SXKD dịch vụ và cải thiện đời sống. Nhiều QTDND trở thành địa chỉ đáng tin cậy và uy tín để thành viên và cộng đồng dân cư “chọn mặt gửi vàng”.

Giải quyết việc làm ở thành thị và nông thôn cũng là hiệu quả vay vốn từ quỹ tín dụng nhân dân

Áp lực cạnh tranh và mở rộng, thị phần tín dụng của các NHTM đã tác động đến việc huy động và cho vay vốn của hệ thống QTDND; nhất là các QTDND ở địa bàn TP Huế. Tuy nhiên, nhiều QTDND đã có những giải pháp thích hợp, như áp dụng phương thức cho vay trả góp, dành một phần vốn để cho vay trung hạn hoặc có phương án mở rộng địa bàn sang các phường, xã lân cận, ký hợp đồng làm đại lý chi trả kiều hối cho một số NHTM.

Đến nay, các QTDND trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.500 thành viên, tổng nguồn vốn hơn 55 tỷ đồng (bình quân mỗi quỹ gần 8 tỷ đồng); trong đó, vốn huy động đạt gần 39 tỷ đồng, vốn điều lệ khoảng 1,85 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay hơn 40 tỷ đồng. Thông qua đó, hệ thống QTDND cơ sở đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gửi và vay tiền của các thành viên trên địa bàn các xã, phường; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi. Cơ cấu nguồn vốn cho vay theo ngành nghề của hệ thống QTDND, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng 85%); trong đó cho vay thương nghiệp (bao gồm cả ngành nghề, dịch vụ) chiếm khoảng 55%, dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp, thủy sản hơn 20%, dư nợ cho vay tiêu dùng gia đình gần 15%.
 
Các QTDND cơ sở có đặc thù là quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, năng lực quản lý còn bất cập, hoạt động cơ bản chỉ huy động và cho vay nên có những khó khăn nhất định; nhất là trong khi mạng lưới các ngân hàng ngày càng mở rộng trên địa bàn. Dù hoạt động khó khăn, nhưng năm nào các QTDND trên địa bàn cũng có lãi; tuy có năm cao, năm thấp song bình quân hơn 10 năm qua (2001-2012), lãi từ kết quả kinh doanh hơn 700 triệu đồng/năm.
 
Trước thời điểm lập phương án củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND theo Chỉ thị 57-CT/T.Ư của Bộ Chính trị và Quyết định 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các QTDND trên địa bàn tỉnh được đánh giá phân loại hoạt động bình thường, không có diện yếu kém hoặc không ổn định. Tuy nhiên, mới chỉ có 3/7 QTDND đủ vốn điều lệ, nợ quá hạn chiếm tỷ trọng khá cao; trong đó một số QTDND, như Thuỷ Xuân, Điền Hoà, tỷ lệ nợ quá hạn từ 10-20%, công tác quản lý còn nhiều bất cập.
 
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thừa Thiên Huế trực tiếp chỉ đạo tập trung tăng cường công tác thanh tra, đôn đốc xử lý sửa chữa những sai sót, góp phần đưa các QTDND trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Theo đó, từng QTDND đã xây dựng phương án củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh, những yếu kém về công tác thẩm định, kiểm tra sử dụng vốn vay từng bước được chấn chỉnh; vi phạm chế độ, cho vay tuỳ tiện, dồn vốn cho nhiều thành viên trong một hộ đã được khắc phục, thu hồi nợ quá hạn được quan tâm thường xuyên.
Hiện toàn tỉnh có 7 QTDND cơ sở đang hoạt động trên địa bàn TP Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện Phú Vang, Quảng Điền và Phong Điền; đó là các QTDND: Thủy Dương, Thuận An, Thủy Xuân, Quảng Thành, Điền Hòa, Tây Lộc, Thuận Hòa. Năm 2012, kết quả kinh doanh lãi gần 720 tỷ đồng; tất cả 7 QTDND nói trên đều có lãi.

Hiện, máy quản trị, điều hành tại các QTDND trên địa bàn tương đối ổn định. 4/7 QTDND có bộ máy vừa quản lý, vừa điều hành; 3 QTDND có bộ máy quản lý riêng, điều hành riêng. Việc quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ QTDND đang từng bước được củng cố và phát huy hiệu quả. Công tác kiểm soát được chú trọng hơn. Hầu hết các kiểm soát viên thường trực và các thành viên chủ chốt của QTDND đều đạt chuẩn các chức danh theo Trung ương quy định. Nhờ vậy, đến nay nợ xấu các QTDND chiếm tỷ trọng khoảng 0,4% trong tổng dư nợ. So với các QTDND trên toàn quốc, quy mô các QTDND trên địa bàn tỉnh khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá nhỏ. Song kết quả đó là một sự tiến bộ đáng kể trong công tác tuyên truyền, sử dụng các biện pháp huy động hợp lý và nâng cao của hệ thống QTDND trong cộng đồng dân cư, nhất là trong môi trường cạnh tranh gay gắt với NHTM mở chi nhánh trên địa bàn, cũng như bối cảnh đình trệ SXKD và khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây.

Bài và ảnh: Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Return to top