Chè phải được nhặt kỹ trước khi đưa vào máy vò
Ăn ngủ cùng chè
“Khâm phục!”, đó là cụm từ lặp đi lặp lại của chị Võ Thị Hằng và anh Nguyễn Hậu, người nhà, cũng là đồng sự khi nhắc đến anh Hoàng Viết Thắng. Đã 3 năm nay, anh cặm cụi mua, vò, chẳng những 12h đêm, mà có khi đến 2 – 3h sáng cùng những lá chè quê hương. Chị Hằng kể: “Tôi lúc đó cứ nghĩ anh Thắng bị chi. Vì đi làm cả ngày vất vả, đáng lý phải nghỉ ngơi. Giờ tôi mới thấy chẳng có gì là công cốc cả, vì tâm huyết mà khát khao cháy bỏng của anh đã có lối mở”.
“Những nương chè Truồi không còn trù phú như lúc trước. Nhiều người dân không sống được với cây chè, họ trồng keo, tràm ngay trên vùng đất màu mỡ. Tôi chỉ mong chè Truồi trở thành sản phẩm hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị. Có như vậy bà con mới sống được với nương vườn, với cây chè”, anh Thắng chia sẻ. Niềm mong mỏi của anh còn đi kèm với sự tự hào, vì anh muốn gửi hương vị thơm ngon, đậm đà của chè Truồi đến muôn nơi.
Bên hệ thống máy đang vận hành, anh nói: “Nhập lá, phân loại, làm sạch, diệt men, vò, sấy, phân loại lần II, đóng gói, đó là những công đoạn căn bản để cho ra mẻ chè Truồi sấy thơm ngon”. Chiếc máy vò chà xát những lá chè xanh thay cho phần việc bao nhiêu năm nay anh Thắng mày mò. Máy sấy ù ù đảo chè, những lá chè khô dần, đổi màu, long cong tiếng rơi. Với công suất tối đa, chỉ cần 30 phút, một mẻ chè mới đã thành hình.
Ngoài vò và sấy, tất cả công đoạn để cho ra những lá chè Truồi hoàn hảo đều phải thực hiện thủ công. Trong đó, nhặt chè, phân loại lá rất quan trọng. Nâng nắm chè Truồi trên tay, bỏ đi những chiếc lá non, nhặt nhạnh từng thân chè bị trộn lẫn, chị Võ Thị Hằng phân trần: “Lá chè Truồi ngon nhất là những lá già. Lá càng nhỏ, càng dày càng ngon. Chứ lá non, to thì đẹp mã nhưng mùi vị chẳng sánh bằng”.
Vì quê hương
Nâng trên tay bát nước chè Truồi sấy mới thấy sự kỳ công và nỗ lực của anh Thắng. Nước chè màu vàng hổ phách, long lanh, thơm dịu nhẹ. Hương vị chè Truồi hầu như được giữ nguyên bản, khác chăng chỉ là mùi chè sấy thanh hơn do đã được xử lý men.
Ông Ngô Cao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Điền cho biết: Diện tích chè trên địa bàn xã trên 7 ha. Trước đây bà con chỉ bán chè theo kiểu truyền thống hoặc có cao lá chè. Thế nhưng anh Hoàng Viết Thắng đã sáng tạo nên cách sấy chè Truồi, mở ra một phương cách khác giúp chè Truồi bảo quản được lâu hơn, có thể trở thành sản phẩm hàng hóa, nâng tầm cho chè Truồi.
Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Trương Ngọc Siêng, lão nông có kinh nghiệm 30 năm trồng và sở hữu 6 sào chè Truồi. Ông Siêng cho biết, chè xanh ít sâu bệnh, dễ chăm sóc. Tuy nhiên bản thân ông và mọi người đều quen với việc bán lá chè tươi chứ chưa nghĩ đến cách chế biến. Vì vậy nguồn sinh kế của ông tùy thuộc vào nhiều loại cây chứ chẳng riêng chè xanh, bấp bênh, vất vả.
Nhưng với con đường chè sấy đã mở, có lẽ ông Siêng sẽ thay đổi quan điểm của mình. Anh Thắng nói: “Tôi tìm hướng đi này để có thêm phương cách lựa chọn và luôn sẵn sàng chuyển những kiến thức, công nghệ mà mình biết được để bà con đầu tư máy móc, thiết bị. Chỉ mong bà con sống được, giữ đất, giữ vườn, và giúp mang đặc sản chè Truồi đến với mọi người”.
Có một câu chuyện rất thật về con em xứ Truồi xa quê. Thèm chè xanh nhưng không thể mang lá đi xa. Vì thế, họ nghĩ cách nấu nước chè thật quánh đặc, nhúng giấy vào. Khi thèm, họ cảm vị chè Truồi thông qua nước sôi hãm giấy chè. Bây giờ, câu chuyện mang chè Truồi đi xa ấy không còn là ước mơ nữa.
Công tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn, thiết bị chống sét nhưng anh Hoàng Viết Thắng vẫn bỏ mồ hôi, công sức để nghiên cứu nên phương cách bảo quản chè Truồi. Cơ sở của anh hiện tạo việc làm cho 10 lao động, mỗi ngày chế biến từ 2- 3 tạ lá chè tươi. Dù sản phẩm chỉ đang trong quá trình đưa lên kệ và hình thành đại lý, tuy nhiên với tâm huyết và tình yêu chè, chúng tôi tin mong ước của người con xứ Truồi sẽ sớm thành hiện thực.
Bài, ảnh: Mai Huế