ClockThứ Bảy, 02/09/2023 22:21

Đa dạng kênh tiếp cận tín dụng

TTH.VN - Ngay khi Thông tư 06/2023/TT - NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT - NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực, nhiều ngân hàng triển khai ngay các quy định của thông tư này nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng.

Cần bồ sung nguồn vốn ủy thác cho các đối tượng vay vốnLãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài giảm mạnhGiảm mặt bằng lãi suất: Nhiệm vụ trọng tâm

Khách hàng có thể vay vốn để trả nợ tại các tổ chức tín dụng khác 

Có thể vay để trả nợ ngân hàng

Một trong những điểm mới được khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá là “cởi trói” cho hoạt động cho vay chính là, từ ngày 1/9/2023, các TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) như trước đây.

Cụ thể trước đó, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng chỉ được áp dụng đối với khoản vay phục vụ SXKD, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Tuy nhiên, với Thông tư 06, quy định này được mở rộng hơn. Các ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như: mua nhà, mua ô tô. Quy định mới này được đánh giá là thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho khách hàng khi vay vốn và tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Ngay sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, Vietcombank đã triển khai chính sách này cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm. Theo đó, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Sau đó, Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. Khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để bảo đảm cho khoản vay, như: bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá… của khách hàng, hoặc người có quan hệ huyết thống (bố/mẹ/con đẻ), hoặc người có quan hệ vợ/chồng với khách hàng, hoặc tài sản của chính khách hàng tại TCTD đang vay.

 Khách hàng sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận tín dụng

Khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay.

Thúc đẩy vay bằng phương tiện điện tử

Ngoài cho phép khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, từ 1/9, các ngân hàng còn có thêm cơ sở pháp lý thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử. Cụ thể, khách hàng được vay online với hạn mức không quá 100 triệu đồng đối với nhu cầu phục đời sống tại một ngân hàng.

Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, Thông tư 06 bổ sung 1 khoản mục riêng quy đinh cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử nhằm tạo thuận lợi cho TCTD có đầy đủ khuôn khổ pháp lý để triển khai một, một số khâu hoặc toàn bộ quy trình cho vay bằng phương tiện điện tử. Cụ thể quy định, những nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD; nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử áp dụng đối với khách hàng là cá nhân, vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, lần đầu thiết lập mối quan hệ tại TCTD…

Thời gian qua, các ngân hàng dù đã triển khai cho vay online nhưng trong trạng thái khá thận trọng, bởi pháp lý chưa rõ ràng, dữ liệu chưa sạch. Tuy nhiên, với cơ sở pháp lý quy định cụ thể tại Thông tư 06 sẽ tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng cho vay trực tuyến.

Theo đại diện NHNN chi nhánh tỉnh, Thông tư 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay từ đó rút ngắn quy trình thủ tục, khách hàng vay không cần đến ngân hàng. Đây là quy định sẽ tạo ra tín hiệu tích cực cho hoạt động cho vay trên địa bàn thời gian tới.

Để các nội dung của Thông tư 06 sớm đi vào đời sống, NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư 06 ngay khi Thông tư có hiệu lực thi hành và cung cấp đầy đủ các văn bản hướng dẫn của hội sở chính về triển khai Thông tư 06 về NHNN tỉnh để theo dõi. NHNN tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin các nội dung Thông tư 06 đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn kịp thời nắm bắt.

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

TIN MỚI

Return to top