ClockThứ Hai, 01/03/2021 07:30

Sản phẩm vùng cao mong ước chạm thương hiệu

TTH - Dù đang có mặt khắp thị trường nội tỉnh, song để sản phẩm vùng sơn cước chạm đến thương hiệu đặc thù, đẳng cấp thì còn nhiều việc phải làm.

Đưa phiên chợ vùng cao thành sản phẩm du lịch độc đáoPhiên chợ vùng cao A Lưới: Nơi hướng đến sản phẩm nông nghiệp hàng hóaNuôi trồng thủy sản an toàn: Hướng đi bền vững

Chuối già lùn A Lưới, một trong những sản phẩm hiếm hoi vào siêu thị

Từ nền tảng sẵn có

Dân tộc Tà Ôi tại huyện A Lưới tự hào khi dệt zèng trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Trước đó, sản phẩm này đã từng trở thành chất liệu trên sàn diễn thời trang quốc tế. Nhưng kể từ sau những chuyến “du lịch” ấy, zèng lại về trong bàn tay của những con người Tà Ôi chân chất. Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, các nghệ nhân dệt zèng cũng trăn trở nhưng để sản phẩm biểu thị cho nét văn hóa này trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa trên thị trường thì sẽ còn dài.

Ngoài zèng, A Lưới còn rất nhiều sản phẩm khác đã gắn bó với vùng đất này. Trong giỏ quà mà anh bạn vùng cao tặng bạn bè đồng bằng ngày tết hầu hết là sản vật vùng cao: Mật ong rừng, bánh tét nếp than và cả chai rượu sim nhỏ. Bây giờ, những sản phẩm ấy không lạ với người miền xuôi, có nghĩa là bằng cách nào đó nó đã “xâm lấn” được thị trường vùng đồng bằng. Song, với số lượng hạn chế nên khi nhu cầu số lượng nhiều thì thật khó để đáp ứng. “Nông sản hay sản phẩm gì tại A Lưới cũng đều mang nặng tính vùng miền. Vùng nguyên liệu hầu như rất nhỏ nên sản xuất theo hướng hàng hóa còn nhiều khó khăn”, ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới thừa nhận.

Thị trường có chấp nhận sản phẩm vùng cao hay không? – câu trả lời là chắc chắn có, bởi chất lượng sản phẩm dường như đã được định hình từ rất lâu. Nhiều sản phẩm được chính quyền địa phương xây dựng thành sản phẩm OCOP. Chuối già lùn tại A Lưới là một minh chứng, để “đứng chân” ở siêu thị ngoài đáp ứng về những chất lượng tiêu chuẩn nghiêm ngặt thì quy trình sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đã và đang được tiêu chuẩn hóa. Hiện, rất ít nông sản vùng đồng bằng làm được như chuối già lùn.

Tại huyện miền núi Nam Đông, cam, mật ong là hai sản phẩm có nền tảng và được nhiều người biết đến. Nếu như cam là sản phẩm mùa vụ thì mật ong Nam Đông đang đi tìm thương hiệu.

Thương hiệu “Mật ong Trường Sơn-Nam Đông” đã được đăng ký từ năm 2016 và có đơn vị đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn các quy trình nuôi ong theo chuỗi giá trị. Đến năm 2018, thương hiệu mật ong ruồi Nam Đông được công bố, tạo bước ngoặt lớn trong hành trình đi tìm giá trị của một sản phẩm vùng cao.

“Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn. Bây giờ, đầu ra của mật ong rất khó, để sản phẩm đứng vững trên thị trường, chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt bên cạnh khâu quảng bá là việc liên kết với doanh nghiệp, đơn vị để tiêu thụ sản phẩm”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông Nguyễn Thái Hà khẳng định.

Mở rộng dư địa

Đánh giá về sản phẩm đặc sản vùng cao, ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho rằng, nếu so sánh trên mặt bằng chung thì chất lượng sản phẩm vùng núi khá trội.

Chính tập quán canh tác của đồng bào tạo ra sản phẩm có giá trị về chất. Song, tư duy lẫn trình độ canh tác là rào cản không nhỏ trong quá trình hội nhập.

“Vùng núi nhiều sản phẩm đặc trưng. Không dễ để xây dựng chuỗi giá trị gà A Lưới hay đưa chuối già lùn vào siêu thị, điều đó chứng tỏ chính quyền các địa phương đã có nỗ lực lớn. Họ cũng đang hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ. Song, nhìn chung việc mở rộng thị trường lẫn vùng nguyên liệu các sản phẩm nông sản đang gặp khó”, ông Khoa nói.

Dù không quá lớn, nhưng sự chuyển biến trong quá trình quảng bá sản phẩm vùng cao những năm gần đây khá tốt. Nhiều cửa hàng bày bán sản phẩm vùng cao mọc lên như là sự kết nối giữa thành thị và vùng cao. Hay chỉ cần “click” chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng được giao tận nhà đặc sản miền núi. Nhận diện, kết nối thị trường tiêu thụ là điều mà chính quyền địa phương đang đẩy mạnh, Phiên chợ vùng cao ở A Lưới là một minh chứng. Hoạt động này không đơn thuần góp phần xúc tiến, đẩy mạnh tiêu thụ các đặc sản địa phương mà còn là nơi bản sắc vùng cao hội tụ, quảng bá về văn hóa lẫn du lịch.

Song, theo Nhà nông học, TS. Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế, trước khi mở rộng dư địa hàng hóa nông sản vùng cao cần nghĩ đến việc bảo tồn. Người tiêu dùng sẽ không chấp nhận những sản phẩm có tính lai tạo hay biến thể.

“Mật ong là một ví dụ điển hình, nếu chạy theo số lượng mà bán những loại kém chất lượng sẽ không ổn. Điều quan trọng bây giờ là phải giữ vững được niềm tin của khách hàng với các sản phẩm chất lượng. Sau đó, thông qua nhiều kênh quy trình hóa khâu sản xuất để hướng đến việc mở rộng thị trường”, TS. Lê Tiến Dũng góp ý.

Giai đoạn 2012-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến nghiên cứu, khai thác, lưu giữ nguồn gen động, thực vật; nguồn gen nấm dược liệu quý hiếm…trong đó nhiều loài đang tồn tại ở vùng cao. Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của tỉnh giai đoạn 2021-2025 cũng xác định bên cạnh cây dược liệu, nguồn gen cam Nam Đông, giống lúa bản địa Ra dư, giống lúa đặc sản Nếp than cần được bảo tồn bởi có giá trị về kinh tế - xã hội. Đây chính là cơ hội để các đặc sản đặc trưng miền sơn cước tồn tại với thời gian trước khi vươn tầm.

Bài, ảnh: L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Mẹ Lành" của học trò vùng cao

Hai từ “mẹ Lành” thân thương được nhiều trẻ gọi cô Mai Thị Mộng Lành (Trường mầm non Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) không phải tự nhiên mà có. Ngoài giờ trên lớp, cô giáo Lành còn dành thời gian đến nhà thăm hỏi gia đình của các cháu. Đến buổi chiều vào giờ tan trường, có những trẻ mà ba mẹ đi làm rẫy chưa kịp về, cô Lành lại chở các cháu về nhà. Dù đường bản đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng không làm khó được cô giáo dáng người nhỏ nhắn.

Mẹ Lành của học trò vùng cao
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới

Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai các hoạt động của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái được quan tâm hơn. Điều đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bất bình đẳng giới.

Trẻ em vùng cao vượt qua định kiến giới
Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC

Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong, một sản phẩm mới chất lượng của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) vừa mới sản xuất thành công từ dự án khoa học công nghệ được UBND tỉnh giao cho đơn vị. Loại tinh dầu này được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, mà còn tôn vinh giá trị văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Cố đô.

Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top