Tiếng nện của chày vồ và dùi nêm phát ra âm thanh đặc trưng của làng Vĩnh An mỗi khi tết về
Vang xa những tiếng nện chày
Từ đầu những ngày tháng Chạp, người dân làng Vĩnh An, xã Phong Bình, huyện Phong Điền rộn rã vào mùa sản xuất bánh khô, món bánh truyền thống không thể thiếu của người dân Phong Bình và vùng lân cận.
Càng về những ngày giáp tết này, đi ngang qua làng Vĩnh An dễ dàng nghe tiếng âm thanh nện chày “bùng, bùng” từng nhịp 5 - 7 tiếng đều đặn phát ra từ một vài gia đình trong làng. Đó là tiếng âm thanh của chày vồ đang đóng vào dùi nêm của chiếc khuôn làm bánh khô.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm bánh khô truyền thống, bà Phan Thị Đẻo, làng Vĩnh An cho biết, bánh khô là một loại bánh cổ truyền được làm ra từ nguyên liệu chủ yếu là cốm, nếp rang, lạc, gừng, cà rốt trộn với đường. Đây là loại bánh được người dân ở Phong Điền nói chung và người dân làm ăn sinh sống xa nhà của xã Phong Bình dùng nhiều và làm quà trong dịp tết.
Khuôn bánh được làm từ 4 mảnh gỗ tốt dài khoảng 50cm, ghép lại thành ô vuông khoảng 4cm, xung quanh có ngàm và nêm khóa bằng gỗ, được dựng đứng trên một bệ gỗ to và dày. Dụng cụ đóng bánh là một chày vồ lớn và dùi nêm bằng gỗ dài, vuông cạnh khớp với khuôn gỗ. Lúa nếp ngon được trồng trên các cánh đồng Phong Bình được rang phồng thành “bỏng nếp” hay còn gọi là “cốm nếp rang”, trộn với lạc rang chín, gừng giã nhỏ, đường, cà rốt… Tất cả trộn đều, xong đổ vào khuôn từng lớp một, lấy dùi nêm xuống rồi dùng chày vồ đóng nén thật chặt, xong đổ tiếp lớp khác rồi tiếp tục đóng nén cho đến khi thỏi bánh cao khoảng 40cm thì dừng lại. Người ta dùng loại dao bén để cắt bánh ra từng lát mỏng. Bánh được tiếp tục sấy khô, đóng gói đem đi tiêu thụ.
Ông Hoàng Phước Vĩnh Tường, chủ cơ sở sản xuất bánh khô Hoa Nam chia sẻ: “Nghề này có từ đời ông nội, đến đời cha, rồi truyền lại cho tôi đến hôm nay. Bản thân tôi cũng muốn lưu giữ nghề truyền thống. Làm được một đòn bánh khô rất kỳ công, từ việc lựa chọn nguyên liệu, chế biến cho đến công đoạn sấy khô. Hiện nay, cơ sở sản xuất hai dòng sản phẩm chính với hương vị nếp thường và nếp than. Khách hàng chuộng những loại bánh làm từ nguyên liệu nông nghiệp sạch, nghề làm bánh nhờ thế cũng được duy trì”.
Giữ hương vị tết bên dòng Ô Lâu
Với người dân Vĩnh An, còn làm bánh là còn giữ nét truyền thống của ông bà, tổ tiên; tạo được nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất phía bắc Thừa Thiên Huế nằm bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng.
Những năm gần đây, chính quyền xã Phong Bình đã có kế hoạch khuyến khích người dân làng Vĩnh An cũng như các làng thuần nông như Phò Trạch, Vân Trình… mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì để bán bánh trong dịp tết cũng như quanh năm, đưa hương vị của bánh khô Phong Bình đến nhiều vùng miền trong cả nước.
Đóng gói, đưa bánh ra thị trường
Dù thế, hiện ở làng Vĩnh An xã Phong Bình hiện chỉ có khoảng 10 hộ tham gia sản xuất. Người dân trong làng và khách hàng các vùng lân cận muốn mua bánh, phải đặt trước. Vấn đề được nhiều cơ sở sản xuất bánh khô trăn trở hiện nay đó là việc đăng ký thương hiệu sản phẩm cho làng nghề, để làng nghề ngày càng vươn xa.
Ông Lê Tấn Phanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, huyện Phong Điền cho biết, trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở làm bánh trên địa bàn; đồng thời, đăng ký các nhãn hiệu để có cơ hội vươn ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, UBND xã xây dựng kế hoạch và kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư các dây chuyền sản xuất, cũng như hỗ trợ nguồn kinh phí để tiếp tục phát triển để có thương hiệu vững chắc để người dân yên tâm sản xuất, lưu giữ nghề truyền thống của địa phương.
Ông Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh nhìn nhận, bánh khô của làng Vĩnh An, xã Phong Bình là loại bánh có từ lâu đời. Loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của dân làng Vĩnh An nói riêng và những người dân ven dòng Ô Lâu nói chung. Tiếng nện chày còn, là truyền thống ngày tết vẫn còn. Những lát bánh khô vẫn được đặt trên bàn thờ tổ tiên, là cội nguồn quê hương còn được gìn giữ.
Bài, ảnh: Quang Minh