ClockChủ Nhật, 03/07/2016 05:06

Thương hồ buôn lồ ô

TTH - Sông Ô Lâu bắt nguồn từ đỉnh núi Truồi hùng vĩ, rồi chảy xuyên qua núi rừng Trường Sơn để về hạ nguồn. Ấy vậy mà, khi về đến vùng đất Phong Mỹ, Phong Thu (huyện Phong Điền), dân địa phương không còn gọi Ô Lâu nữa mà là dòng Lồ Ô, bởi nghề buôn lồ ô nơi thượng nguồn con sông này đã “đi vào máu thịt” của những cư dân bản địa.

Rong ruổi đấu lồ ô

Mấy chục năm trước, khi những tuyến đường dẫn lên vùng gò đồi kinh tế mới của huyện Phong Điền chưa được đầu tư thì đường sông là sự lựa chọn hơn cả của dân buôn lồ ô. Từ đây, cũng hình thành các ông chủ với nghề “đấu” lồ ô đưa về xuôi bán. Có được cái hẹn đối với “lâm dân” như ông Lê Bá Quang (60 tuổi, thôn Phong Thu, xã Phong Mỹ) - một “thợ đấu” lồ ô chuyên nghiệp - cũng không phải dễ. Bởi, gần như quanh năm suốt tháng, ông Quang rong ruổi trên những miền lồ ô nơi thượng nguồn.

Bó “hàng” chuẩn bị vượt dòng Ô Lâu

Ngồi trò chuyện, ông Quang bảo rằng, theo nghề đấu lồ ô đã hơn 30 năm. Lồ ô mấy chục năm trước chủ yếu đi đường sông, được ông đấu từ các hộ dân, khai thác rồi tập kết ở các bến sông Hưng Thái, Hòa Mỹ, Huỳnh Trúc (xã Phong Mỹ) và Huỳnh Liên (xã Phong Thu), bán cho thương lái từ miền xuôi lên, đưa theo đường sông về. Vùng Phong Mỹ được hưởng đặc ân phù sa của dòng Ô Lâu, bồi đắp cho biền bãi thứ đất thịt, chắc, phù hợp cho cây lồ ô phát triển. Chỉ tính riêng diện tích lồ ô của chính quyền địa phương và các họ tộc trên địa bàn 4 thôn của xã Phong Mỹ đã lên đến con số 150 ha.

Hàng ngày, ông Quang dẫn tốp thợ đi rong ruổi xem nhiều vườn lồ ô trong và ngoài xã. Theo chân ông Quang trong một chuyến đấu lồ ô, ông đi vào vườn cây một người dân ở thôn Hưng Thái ngó nghiêng quan sát, rồi ra giá: “Đất đây chắc, vườn đẹp, 80 triệu vườn này nhé”. Chủ vườn còn ầm ừ, ông “chốt” luôn: “Tui thêm cho 10 triệu (đồng) buôn bán sòng phẳng, ưng thì mần hợp đồng, ra xã chứng thực chừ luôn”.

Khai thác lồ ô sau khi đấu

Nói đoạn, ông Quang quay sang tôi giải thích: “Nghề này hơn nhau ở cái chỗ con mắt tinh tường. Vườn cây rộng tới 1 ha, nếu quan sát không kỹ, “cáp” xong ôm chắc thua lỗ. Cáp rồi mình phải tính toán số công (ngày) của bao nhiêu thợ khai thác để trừ chi phí. Nếu đấu 3-5 năm thì phải tính luôn thời gian sinh trưởng của cây, mới có lãi”.

Một vườn lồ ô (1 ha) ông Quang đấu từ 70-100 triệu đồng. Sau khi khai thác bán được khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí ông cũng kiếm được 30-40 triệu đồng. Lồ ô khai thác quanh năm, chỉ trừ tháng 9-10 (dương lịch) thời điểm bụi cây ra măng, thời gian mùa lụt, không thể khai thác trên rừng được. Nghề đấu, khai thác lồ ô, nói như lời ông Quang, là thứ nghề duy nhất không phân biệt chủ tớ! Chọn vườn cây xong, cả chủ và thợ đều bắt tay làm. Để chọn, đưa những cây dài, có giá ra khỏi bụi mà không làm ảnh hưởng cây măng, không bị thương khi “mở miệng” ở gốc để chặt là một kỹ năng của người thợ.

Câu chuyện vui buồn, tai nạn với nghề cứ được ông Quang kể miên man như những rừng lô ồ bạt ngàn nơi thượng nguồn…

Một kiếp thương hồ

Nguồn tre, lồ ô phong phú nơi thượng nguồn sông Ô Lâu đã cho ngư dân vùng hạ nguồn Điền Hải (huyện Phong Điền), Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), một nghề trên sông mà dân buôn gọi là “đời thương hồ”. Những bó tre, lồ ô được tập kết ven bến của dòng Ô Lâu, bán lại cho những người buôn từ miền xuôi lên. Bởi thế, hơn ai hết, cư dân vận chuyển lồ ô đường thủy cứ thuộc dòng Ô Lâu như lòng bàn tay của mình.

Những bè lồ ô vượt thác ghềnh về xuôi

Hàng ngày, tại bến Tét (xã Phong Thu), gần chục chiếc thuyền chầu chực chờ “ăn” lồ ô để chở về xuôi. Sông Ô Lâu tại bến này tấp nập như trẩy hội. Những “thương thuyền” tụ họp lại đây với cơm đùm gạo bới, bởi mỗi chuyến đi của dân buôn từ 5-7 ngày cho cả thời gian ngã giá, đưa xuống thuyền...

Ngồi trên thuyền, nhìn trời mây, nghĩ về “đời thương hồ”, anh Nguyễn Văn Bính (thôn Minh Hương, xã Điền Hải) kể: “Gia đình tui thuộc diện kinh tế mới vùng Phong Mỹ, thời mới lên sau ngày giải phóng, cuộc sống quá khó khăn nên đa số bỏ về xuôi. Vùng đầm phá nơi tui ở xã Điền Hải, cư dân vùng sông nước quá khan hiếm cây tre, lồ ô - nguyên liệu chính cho hàng trăm ha nò sáo. Bắt đầu năm 1989, tui nghĩ đến việc buôn từ miền ngược về. Giờ ngót nghét cũng gần 20 năm”.

Tại bến ven sông Ô Lâu, bè của anh Bính được kết từ 50-70 bó lồ ô kẹp thuyền công suất máy D24 ở giữa đẩy về xuôi. Quãng đường dài khoảng 60km từ thượng nguồn chạy men theo sông Ô Lâu rồi qua Mỹ Chánh (Quảng Trị), đến Vân Trình (xã Phong Bình) rồi về Điền Lộc, xuôi dòng Cửa Lác (xã Điền Hòa) mất trọn một ngày trên sông nước. Người buôn đi từ sáng tinh mơ, đến ngửa bàn tay không thấy gì mới về. Cũng có khi, thuyền đẩy “hàng” về tận xã Phú Xuân để bỏ mối sỉ cho thương lái tại đây. Trên đường đi, trước khi hòa từ con nước ngọt Ô Lâu ra vùng nước lợ Tam Giang, hễ ai có nhu cầu mua anh Bính đều ghé bán. “Lồ ô dài 3 đến 9m, giá từ 3-20 nghìn đồng/cây, tùy loại. Mỗi chuyến đi trừ chi phí tiền dầu khoảng 500 nghìn đồng, tính ra bình quân hai vợ chồng tui kiếm được 400 nghìn đồng/ngày”, anh Bính kể.

Nghề buôn lồ ô trên sông hoạt động quanh năm, chỉ trừ những tháng mưa lũ. Với dân vận chuyển đường thủy, các dãy đá ngầm trên sông luôn là niềm ám ảnh. Thông thường, mỗi chuyến đi, ngoài người cầm lái trên thuyền còn thêm một số “lái phụ” dùng sào chống để luồn lách qua từng con nước có đá ngầm trên thượng nguồn. Anh Lê Văn Hoàng (thôn 7, xã Quảng Ngạn), một lái buôn chuyên nghiệp chia sẻ: “Giờ khai thác cát nhiều, sông Ô Lâu đã sâu. Nỗi sợ duy nhất đối với nghề bọn tui là khi cho thuyền qua vùng Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa). Vùng đá nham nhở lồi lõm trên sông được dân sông nước ví như bẫy ngầm! Chỉ cần người lái sa sẩy một chút là bay tong 2 triệu đồng (gãy chân vịt), có khi lật cả thuyền, bè”.

Bắt đầu từ tháng 6 trở đi, con nước trên vùng Cửa Lác chảy năng, có những lúc đưa thuyền qua cửa, các chủ thuyền phải xả “hàng”, vận chuyển qua đập mới an toàn. Tuy phải tốn thêm chi phí nhưng nhiều chủ thuyền vẫn chấp nhận. “Mỗi tháng nếu đi “năng” cũng được 5 chuyến từ thượng nguồn về. Trước mùa mưa lũ, phải tranh thủ thời gian nên có khi phải bó tre, lồ ô đến 21-22 giờ đêm. Hồi trước tui làm, vùng Điền Hải ni có hơn 30 chiếc đò chuyên buôn lồ ô giờ chỉ còn 6 chiếc mà thôi. Nghề vất vả, hiểm nguy thật, nhưng mình đầu tư cho con cái học hành là niềm vui hơn cả”, anh Bính trải lòng.

“Nghề buôn tre, lồ ô trên sông Ô Lâu đang ngày một ít dần đi, dù vùng nguyên liệu trên địa bàn vẫn rất phong phú, khoảng 150 ha. Nguyên do đường đất liền đã mở rộng, đường sông không còn “ưa chuộng” như trước. Nhu cầu dùng nguyên liệu từ tre, lồ ô làm nò sáo ở các địa phương vùng đầm phá đã giảm...” ông Hoàng Chiến, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, nói.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tên gọi cũ, tương lai mới

Cái tên Phong Phú tưởng chừng như đi vào ký ức, nhưng nay lại xuất hiện. Tên gọi này được chọn lựa đặt cho một đơn vị hành chính ở huyện Phong Điền.

Tên gọi cũ, tương lai mới
Chiều ở Phước Tích

Chiều tà buông lơi giữa đất trời, đẹp như một nét cọ thăng hoa đầy phóng khoáng trong bức tranh phong cảnh làng quê của người họa sĩ thích sống đời lang bạt. Nắng lộng lẫy vắt ngang những cành cây đang phiêu dao trong gió, rồi như tan ra, chảy loang trên mặt nước sông Ô Lâu. Tôi đứng ở bến sông làng cổ Phước Tích, nhìn sóng nước vỗ bờ man mác, nhìn hoàng hôn chảy vào miền thinh lặng của tâm hồn.

Chiều ở Phước Tích
Thả 330 ngàn con cá giống xuống sông Ô Lâu

Sáng 31/5, tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Ô Lâu.

Thả 330 ngàn con cá giống xuống sông Ô Lâu
Return to top