Sau 1 năm cải tạo tận thu đất, mô hình trang trại đang hoang hóa, chỉ có những hồ sâu
Nhiều hệ lụy
Tháng 10/2018, UBND huyện Phong Điền có Quyết định số 5249 phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp “vườn - ao - chuồng - rừng” thực hiện tại thôn Hòa Xuân, xã Phong Xuân. Dự án do bà Mai Thị Trinh (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành xây dựng các hạng mục là 1 năm.
Theo đó, diện tích đất xin đầu tư thực hiện phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế trang trại là gần 3ha, gồm các hạng mục đào ao nuôi cá, chuồng trại nuôi lợn, gà, trồng cây lâu năm, ao chứa nước cấp, thải và nhà điều hành…
Dự án với mục đích chuyển đổi vùng đất đồi hiệu quả thấp sang chăn nuôi gia cầm, kết hợp nuôi cá, trồng cây ăn quả, lâm nghiệp cho thu nhập cao hơn và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 29 ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh cấp quyền khai thác, vận chuyển đất ra khỏi khu vực thực hiện dự án xây dựng trang trại tổng hợp cho phép bà Trinh cải tạo đất đào trên 2 hồ với diện tích 1,73ha, độ sâu trung bình 2,2m tính từ bề mặt địa hình với phương pháp khai thác lộ thiên.
Tổng khối lượng đào đất, khai thác là 34.402m3; trong đó đất làm gạch ngói 15.480m3, đất làm vật liệu san lấp 18.922m3. Thời gian khai thác vận chuyển đến tháng 10/2019. Khoáng sản được khai thác vận chuyển cung cấp làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gạch ngói và san lấp các công trình trên địa bàn huyện Phong Điền, Phú Lộc và các địa phương lân cận.
Tuy nhiên, quá trình khai thác, vận chuyển đất từ tháng 4/2019 đến 10/2019 của chủ đầu tư trang trại tại khu vực thôn Hòa Xuân không chỉ gây bụi, ô nhiễm môi trường, hư hỏng nặng tuyến đường liên thôn mà còn nhiều điểm trong khu vực cho phép thực hiện dự án chủ đầu tư đã khai thác quá độ sâu và bị cơ quan chức năng lập biên bản hiện trường, yêu cầu khắc phục vào tháng 5/2019.
Bà Trinh thừa nhận, việc khai thác khoáng sản tại dự án đã xảy ra tình trạng quá độ sâu cho phép (2,2m) và thực tế cho thấy, lượng đất được bà thuê đơn vị khai thác lấy đi qua các đợt chỉ khoảng gần 13.000m3 đất san lấp và 9.000m3 đất sét làm vật liệu gạch ngói- chưa vượt quá khối lượng cho phép tại giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh. Nguyên nhân do khi khoan thăm dò “không lường trước” tình trạng nhiều rìa đá chân núi tại khu vực khai thác nên khối lượng đất lấy đi không đảm bảo.
“Khối lượng khoáng sản được xuất bán này đều có hóa đơn chứng từ và nộp các loại thuế, phí, nghĩa vụ tài chính đầy đủ”, bà M.T.T, cho biết thêm.
Hiệu quả không như mong đợi
Theo quyết định phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp “vườn - ao - chuồng - rừng” của UBND huyện Phong Điền, khu vực đầu tư trang trại có quy mô chăn nuôi gà thịt 2.000 con, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt 150 con, nuôi trồng thủy sản, hồ chứa nước, hồ xử lý nước thải, kênh thoát nước 17.370m2; kết hợp trồng cây ăn quả, rau màu, cây lâm nghiệp, tạo môi trường sinh thái 3.500m2 với tổng mức đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV, hiện trạng tại khu vực thực hiện dự án hiện nay bên khu vực rừng kinh tế của các hộ dân chỉ là những hố, hầm nham nhở. Sau khi một khối lượng đất lớn đã được lấy đi, trên diện tích gần 2 ha đất tại khu vực thôn Hòa Xuân chỉ là những hố nước xanh ngắt, sâu hoắm. Trên hiện trạng đất chỉ có một vài hồ có sen mọc và các hộ dân tận dụng diện tích mặt nước bỏ hoang để chăn thả gia cầm. Chủ đầu tư cũng chưa thực hiện đầu tư các cơ sở hạ tầng nhà cửa, hệ thống xử lý nước thải, chuồng trại… như đã cam kết.
Lý giải về hiện trạng hoang hóa tại đây, Bà Trinh cho rằng, so với mục đích xây dựng trang trại ban đầu đến nay dự án không thể triển khai tiếp do việc đào ao thả cá tại đây không đủ độ sâu (gặp nhiều đá). Khu vực thực hiện trang trại chỉ nằm cách điểm quy hoạch xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua xã Phong Xuân chừng 1km. Nếu tiếp tục đầu tư vào đây một nguồn vốn lớn khi trang trại đi vào hoạt động sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc thi công tuyến cao tốc này nên khả năng rủi ro rất cao. “Hiện chúng tôi đang nghiên cứu phương án chuyển đổi mô hình qua trồng sen kết hợp chăn nuôi và tiếp tục xin gia hạn giấy phép để cải tạo những hạng mục còn lại”, bà Trinh nói.
Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, trong quá trình khai thác đất cải tạo trang trại đã ảnh hưởng môi trường cảnh quan tại địa phương, gây hư hỏng đường liên thôn. Xã đã nhiều lần mời chủ đầu tư lên làm việc và yêu cầu ký quỹ 500 triệu đồng để khi dự án kết thúc ban điều hành thôn có kinh phí để sửa chữa đường.
“Việc thực hiện cải tạo trang trại địa phương chỉ phối hợp giám sát tận thu đất dôi dư và công tác bảo vệ môi trường mà thôi. Còn tiến độ, hiệu quả của dự án là của cơ quan cấp trên”, ông Toàn khẳng định.
Bài, ảnh: Hà Nguyên