Tàu đánh bắt xa bờ ra quân
Một lòng bám biển
Thuận An (Phú Vang) là một trong những địa phương có đội tàu ĐBXB, hậu cần hùng hậu nhất của tỉnh. Hằng năm, quyết tâm bám biển, nhiều ngư dân mạnh dạn cải hoán, đóng tàu mới. Theo đó, số lượng tàu công suất lớn tăng lên từng năm.
Ông Trần Văn Hải (tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An) vừa đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ có công suất 1.000 CV, số tiền đóng tàu được ông tích cóp sau nhiều năm theo đuôi con cá, số còn lại ông vay ngân hàng và mượn người thân.
Đầu năm nay, tàu của ông hạ thủy, bắt đầu hành trình bám biển. “Muốn bám biển phải đóng tàu lớn để vươn đến những ngư trường xa. Trước đây, tui đi bạn (bạn tàu) với người bà con. Sau nhiều năm tích cóp, tui quyết tâm đóng một chiếc tàu mới cho riêng mình", ông Trần Văn Hải nói.
Tại Thuận An, nhiều ngư dân khác cũng mạnh dạn đóng tàu lớn, trong số đó có cả những ngư dân trẻ như Trần Văn Cường (26 tuổi, tổ dân phố Tân Bình), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngư dân trẻ. Anh vừa cho hạ thủy con tàu vỏ gỗ có công suất trên 1.000 CV. Trước đây, như nhiều ngư dân khác, Cường theo cha đạp sóng vươn khơi. Với ý thức là thế hệ kế cận tổ tiên nghiệp ngư, Cường mạnh dạn đóng tàu riêng.
“Ý định đóng tàu riêng là mơ ước của em từ lâu. Đến nay mới thực hiện được. Với những người trẻ như em, con tàu không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn giữ biển cho quê hương. Em cũng đã chuẩn bị 1.000 cây đá, 1.000 lít dầu và các nhu yếu phẩm khác cho chuyến vươn khơi đầu năm...”, Cường chia sẻ.
Ngoài thị trấn Thuận An, tàu cá ở các địa phương khác như Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh (Phú Vang), Lộc Trì, Vinh Hiền (Phú Lộc) cũng chuẩn bị vươn khơi, bắt đầu một cuộc mưu sinh mới. Trong hành trình đi về phía biển, ngoài quyết tâm giữ biển, ngư dân dành không ít thời gian để tìm hiểu ngư trường cũng như những phương pháp đánh bắt mang lại hiệu quả cao nhất.
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: Ngoài những con tàu được ngư dân đóng mới, hàng năm nhiều tàu cá cũng được cải hoán. Toàn địa phương năm vừa qua có 15 chiếc tàu đóng mới, cải hoán. Ở những cuộc đánh bắt trên biển, các ngư dân học tập kinh nghiệm lẫn nhau, ngoài ra còn học hỏi cách đánh bắt của ngư dân các tỉnh, thành khác.
Ngư dân Phú Lộc sửa sang ngư lưới cụ trước chuyến vươn khơi
Những tín hiệu vui
Sau Tết Nguyên đán, không chỉ tàu ĐBXB, các con thuyền có công suất từ 12-20 CV ở các địa phương Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Phú Diên, Phú Thuận (huyện Phú Vang) ra quân đánh bắt. “Đợt ra quân lấy ngày vào dịp tết rất may trúng đậm cá khoai, cá trích. Đây là tín hiệu vui cho cuộc mưu sinh trong cả năm”, ngư dân Hồ Công Luận, xã Quảng Ngạn phấn khởi.
Bắt đầu hành trình mùa biển mới, nhiều tàu hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh đầu tư trang thiết bị và ngư lưới cụ để bổ sung thêm năng lực đánh bắt. Xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) là địa phương có đội tàu hậu cần nghề cá công suất lớn.
Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết: Theo khảo sát, trong đầu năm nay, nhiều ngư dân đang chuẩn bị gỗ để đóng tàu mới. Tại địa phương, những tàu xa bờ chủ yếu là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài công việc thu mua, những tàu này cũng chong đèn để đánh bắt, do vậy ngoài những thiết bị hiện đại như, máy dò cá, bộ đàm, khoang đông lạnh…, ngư dân còn đầu tư thêm dàn đèn hiện đại và ngư lưới cụ để đánh bắt.
“Năm nay, vào ngày 16/2 âm lịch, đội tàu ở Lộc Trì đồng loạt vươn khơi. Thời điểm này, ngư dân đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết. Năm vừa qua, theo yêu cầu của Nhà nước, tàu chúng tôi cũng đã lắp đặt thiết bị xác định vị trí qua chip thu GPS”, ông Trần Vẹm, Chi Hội trưởng Chi hội Nghề cá xã Lộc Trì thông tin.
Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, vụ cá Nam sắp tới chính là đợt đánh bắt chính thức cho hành trình bám biển của ngư dân trong năm nay. Ngay từ đầu năm 2019, đã có những tín hiệu lạc quan khi toàn tỉnh chính thức có 2 chiếc tàu công suất lớn được hạ thủy, nâng số lượng tàu ĐBXB có công suất lớn trên toàn tỉnh lên hơn 460 chiếc, tập trung chủ yếu ở Phú Vang và Phú Lộc.
Bài, ảnh: Lê Thọ