Nhiều sản phẩm lưu niệm và quà tặng được sản xuất từ sợi cỏ bàng. Ảnh: Thanh Hương
hông rõ hai bài ca dao trên có từ bao giờ, nhưng mỗi lần đọc lại và nhìn ngắm những tấm đệm, những cái bị, những cánh buồm... rất đẹp được làm bằng cây cói (cây bàng), cây năn, cây lác do bàn tay những người nông dân quanh năm dầm mưa, dãi nắng tạo nên, người xứ Huế lại nhớ đến, nhắc đến làng Phò Trạch, một trong những làng quê nổi tiếng về nghề thủ công của vùng đất Cố đô. Gần đây, cùng với đoàn công tác của Đài TRT, tôi có niềm vui lớn là được về thăm làng quê này, được giao lưu, tiếp xúc với những người từ bao đời nay đã gắn bó, duy trì và giữ gìn một ngành nghề cổ truyền của quê hương.
Làng Phò Trạch (xã Phong Bình) cũng như nhiều làng xã khác của huyện Phong Điền có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay. Đất đai của làng phần nhiều là đất ruộng, rất thích hợp với việc trồng các cây lương thực, thực phẩm và các loại cây ăn quả. Đường làng rợp mát bóng tre, bóng trúc và các loại cây gỗ cứng, gỗ mềm. Một số ô ruộng trũng, đồng sâu và ao đầm ven làng cây bàng (cói), cây năn, các lác, cây lục bình... mọc ken dày. Khai thác tiềm năng của đất đai, của ao đầm, cây cối, từ thuở lập làng đến nay cư dân làng Phò Trạch đã lấy nghề nông và nghề làm đệm bàng là nghề sống chính.
Về thăm làng Phò Trạch, đi đến đầu thôn Đồng Mỹ, đã thấy một nhóm các bà, các chị đang giã bàng. Chày giã bàng làm bằng một cây gỗ dài hơn hai mét và được gắn với một cái trục có giá đỡ giống như chày giã gạo bằng chân. Nhờ có chày giã bàng mà những cây bàng khô hình ống được giát mỏng để đan thành các vật dụng. Một thôn có đến ba, bốn cối giã bàng. Mỗi lần giã bàng cũng có đến bốn, năm người cùng làm việc. Từ nơi giã bàng và đi dọc đường làng, ngõ xóm, nhìn vào các sân nhà, có rất nhiều bó bàng được rải ra phơi khô dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Nét riêng này, chắc chắn chỉ có ở các làng nghề thủ công gắn bó suốt đời với một loại cỏ cây có gốc gác từ nơi hoang dã.
Trò chuyện và được xem một số cụ bà, cụ ông đan đệm, đan chẹ, hoặc làm các đồ mỹ nghệ từ cây bàng, như cụ Trần Thị Chỉu (94 tuổi), cụ Trần Thị Huyền (86 tuổi), cụ Nguyễn Thị Hồng (74 tuổi), bà Phạm Thị Hiền (58 tuổi) ở thôn Đồng Mỹ, nghệ nhân dân gian Nguyễn Viết Nam ở thôn Tả Hữu Tự. Qua lời kể của các cụ, ở Phò Trạch không mấy hộ gia đình là không làm nghề đan đệm bàng. Nghề này phải trải qua nhiều công đoạn khá vất vả. Trước hết, người ta chọn những ruộng sâu, quanh năm ngập nước để trồng bàng. Tháng giêng, tháng hai là tháng để trồng bàng thích hợp nhất. Bàng trồng năm trước thì năm sau mới thu hoạch được. Cây bàng cao tới 1,2 - 1,3m... được cắt về và đem phơi ba, bốn nắng. Cây bàng khô ngả sang màu vàng, màu trắng là đẹp nhất. Sau đó bàng được đem ra cối giã. Người ta bó các cây bàng đã giã thành từng bó để ở nơi cao ráo, hoặc gác lên trần nhà để tránh ẩm mốc, bụi bặm.
Dưới bàn tay tài hoa, cây bàng đã trở thành nhiều sản phẩm như đệm nằm, đắp (có cái dài đến 1,8m, rộng đến 1,4m), chẹ để lót nôi ru trẻ em ngủ, bị để đựng các đồ vật, bao để lồng nhãn... Các nghệ nhân còn dùng bàng để bện thành mũ, làm khung ảnh, kết nên 12 con giáp cùng các đồ chơi như xe cộ, bàn ghế...
Người làng Phò Trạch yêu nghề, gắn bó với nghề đệm bàng từ bao đời nay. Trẻ em lên 9, lên 10 đã được cha mẹ, anh chị dạy cho nghề đan đệm bàng. Về già, dù tuổi đã bảy mươi, tám mươi, nhiều người vẫn ngồi đan đệm cùng con cháu. Những năm chiến tranh, không ít gia đình đã phải sơ tán sang các xã khác, huyện khác để tránh mưa bom, bão đạn của quân giặc. Nhưng họ vẫn không bỏ nghề. Họ mang nguyên liệu đi theo hoặc khai thác cói (bàng) mọc ở nơi hoang dã trong vùng sơ tán để làm nguyên liệu cho việc đan đệm bàng. Đệm chẹ, bao bì... do dân làng Phò Trạch làm ra đã được đem đi bán không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc. Nghề đệm bàng Phò Trạch đã được học giả Lê Quý Đôn ghi vào sách “Phủ biên tạp lục”. Năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định công nhận làng nghề đệm bàng Phò Trạch là Làng nghề truyền thống của tỉnh.
Về thăm làng Phò Trạch, được trò chuyện với bà con nông dân, thật vui và xúc động trước những lời tâm tình của họ về một nghề thủ công truyền thống, về một sản phẩm văn hóa của quê nhà. Mong sao nghề này mãi mãi được gìn giữ, bảo tồn và phục vụ tốt hơn nữa cho đời sống, cho sự phát triển kinh tế của vùng đất phía bắc tỉnh nhà.
Trần Hoàng