Nâng cấp hồ Thọ Sơn (Hương Trà) phục vụ sản xuất
Nâng cấp nhiều công trình
Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 13 hồ thủy điện với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Từ năm 2003 đến nay, nguồn vốn của Trung ương và địa phương đã đầu tư xây dựng mới một số hồ chứa nước thượng nguồn và nâng cấp hệ thống hồ đập và thủy lợi vùng gò đồi, vùng cát.
Hiện nay, Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh đang tiến hành đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ gồm: Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Năm Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi và Ba Cửa. UBND tỉnh cũng đã đầu tư dự án nâng cấp sửa chữa hồ chứa nước Thọ Sơn, thị xã Hương Trà.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh, hiện còn một số hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, gồm hồ Cây Mang, La Ngà, Khe Râm, Khe Nước, Cơn Thộn… Số lượng đập, hồ chứa thủy lợi loại vừa và nhỏ ở tỉnh còn lớn (chiếm 85%), phần lớn được xây dựng trong phong trào huy động Nhân dân làm thuỷ lợi, chất lượng công trình rất đáng lo ngại. Nhiều hồ trong số này do các xã, huyện quản lý, người quản lý không được đào tạo về chuyên môn tối thiểu, thiếu kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng.
Ngoài các hồ, hiện các hệ thống thủy lợi đã đầu tư hoàn chỉnh, cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối, kênh chính. Theo đó, hệ thống tưới tiêu Điền Hòa - Điền Hải, hệ thống thủy lợi Tây Hưng 1, trạm bơm tưới An Gia (Tây Hưng 2) đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, đảm bảo cấp nước cho khoảng 1.000 ha diện tích đất nông nghiệp vùng cát ven phá. Nâng cấp hệ thống đê nội đồng kết hợp giao thông Phong Bình - Phong Chương - Điền Hòa - Điền Lộc (Phong Điền) với tổng mức đầu tư 17,4 tỷ đồng.
Hồ Tả Trạch với dung tích 646 triệu m3, phục vụ tưới tiêu, điều tiết nước chống lũ
Đến nay, bằng nhiều nguồn vốn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư được khoảng hơn 1.100km kênh mương nội đồng, ước kinh phí thực hiện khoảng 600 tỷ đồng. Việc đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh đã chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tiết kiệm nguồn nước, giảm chi phí trong quá trình vận hành, khai thác.
Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, vấn đề cần được quan tâm trong thời gian đến là nhiều tuyến kênh đã đầu tư trong thời gian trước đây nay đã xuống cấp, hư hỏng, nhất là các tuyến kênh xây dựng từ năm 2000. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và của các địa phương chỉ đầu tư sửa chữa nhỏ một số đoạn cấp bách. Vì vậy thời gian tới cần xem xét, bố trí kinh phí để sửa chữa các tuyến kênh đã xuống cấp, ước khoảng 100 tỷ đồng.
Cần 12.000 tỷ đồng
Theo quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, giai đoạn 2017- 2025 cần hơn 6 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2026-2035 cần gần 6 nghìn tỷ đồng cho kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình.
Các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi và đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt hệ thống thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng để giảm chi phí vận hành, khai thác. Phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện một số mô hình áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn trên địa bàn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, do các công trình thủy lợi đã đầu tư từ lâu, ảnh hưởng tác động của mưa lũ, hiện nay có nhiều công trình đã xuống cấp hư hỏng, không đáp ứng được nhiệm vụ tưới tiêu, ngăn mặn giữ ngọt. Ngân sách đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp các công trình hàng năm còn hạn chế, vượt khả năng cân đối của các địa phương.
UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét để đề xuất Chính phủ quan tâm tiếp tục bổ sung nguồn vốn để thực hiện - xây dựng mới hồ chứa nước Thủy Cam với kinh phí khoảng 485 tỷ đồng; xây dựng mới hồ chứa nước Ô Lâu Thượng với kinh phí khoảng 987 tỷ đồng. Nâng cấp sửa chữa các hồ chứa nước gồm: Khe Nước, Cây Mang, Khe Râm, La Ngà, Cơn Thộn, Hòa Mỹ với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư nâng cấp một số hồ chứa loại nhỏ gần khu dân cư và xem xét đầu tư nâng cấp một số đường cứu hộ cứu nạn của một số hồ chứa lớn để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống lũ lụt. Nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng và nâng cấp khoảng 400km đê bao và đê nội đồng, hoàn thiện hệ thống đóng mở các cống trên đê và các cống điều tiết với kinh phí ước khoảng 800 tỷ đồng.
Ngoài ra, quan tâm đầu tư trang bị hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát, quản lý tự động, hệ thống cảnh báo, kiểm định an toàn đập cho các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh với với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025 ước khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hà Nguyên