ClockThứ Ba, 15/06/2021 09:34

Đề xuất lùi thời hạn lắp camera trên xe kinh doanh vận tải

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã có Báo cáo số 22/Ban IV tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tháng 4-5/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Ô tô kinh doanh bị phạt đến 8 triệu đồng nếu không đổi biển số vàngChủ doanh nghiệp vận tải cam kết không cơi nới thùng xe ô tô để chở hàng hóaBàn giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách

Điểm đáng lưu ý trong báo cáo này là phản ánh về sự cứng nhắc của cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) khi nhất quyết áp quy định triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên các xe ô tô kinh doanh vận tải trước thời hạn ngày 1/7/2021, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp về chi phí trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước kiến nghị của một số Sở Giao thông vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải một số địa phương đối với quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã ký Công văn số 5521/BGTVT-VT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải.

Lắp đặt camera trên xe du lịch. Ảnh tư liệu: Nguyễn Sơn/TTXVN

Không đảm bảo tiến độ lắp camera do ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19

Thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12.

Một trong các nội dung quy định tại Nghị định 10, đó là “xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông” và thời hạn thực hiện phải hoàn thành xong trước ngày 1/7/2021. Triển khai thực hiện từ ngày 1/4/2020 đến nay, các đơn vị vận tải đã và đang lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các Sở Giao thông Vận tải, việc thực hiện quy định này hiện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến không đảm bảo tiến độ xong trước ngày 1/7/2021 như quy định của Nghị định 10. Đã có một số Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Đánh giá các nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nguyên nhân khách quan và cũng là nguyên nhân chính là do ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, dẫn đến đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch. Số lượng khách đi xe giảm dẫn đến doanh thu và sản lượng vận tải giảm sút nghiêm trọng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), trong tháng 5/2021, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021. Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có các tuyến vận tải khách cố định đi, đến các địa phương này.

Một số địa phương, khu vực có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội, phương tiện vận tải hành khách phải dừng hoạt động, điều này ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt camera của chính các đơn vị vận tải và đơn vị lắp đặt camera khi thực hiện quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, có nguyên nhân chủ quan là do một số đơn vị kinh doanh vận tải còn e ngại và chưa muốn lắp camera, tâm lý lo sợ sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các hình ảnh vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo báo cáo của Ban IV, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vận tải phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nguồn tiền để duy trì hoạt động kinh doanh đã cạn kiệt thì việc phải triển khai lắp đặt đồng bộ camera từ ngày 1/7/2021 với chi phí đầu tư rất lớn sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn.

Chưa xử lý vi phạm vào ngày 1/7/2021

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2021, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép “trong thời gian tới, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ” theo đề nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, do các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc triển khai lắp đặt camera trên phương tiện của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được tiến độ phải hoàn thành xong trước 1/7/2021.

Thực hiện Thông báo số 154/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021-2025; để tiếp tục thực hiện quy định của Nghị định 10 đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo. Từ ngày 1/1/2022, sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.

Bộ cũng đề xuất từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên. Từ ngày 1/7/2022 sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.

Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo theo quy định của Nghị định số 10 để góp phần tăng cường theo dõi, giám sát người lái xe bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề xuất bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Theo thông tin từ Bộ Tài chính chiều 8/11, Bộ đã có Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT), trong đó đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng.

Đề xuất bỏ quy định miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ
Tán thành đề xuất tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí

Tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, song để bảo vệ quyền lợi của độc giả, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.

Tán thành đề xuất tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí

TIN MỚI

Return to top