Vicoland tiên phong trong việc đầu tư nhà chung cư cho người thu nhập thấp
Kỳ vọng
Bên cạnh một số dự án (DA) đã và đang khai thác hiệu quả, Huế hiện đang có một số DA triển khai khá tốt. Điển hình là DA tổ hợp Trung tâm thương mại Vincom và khách sạn 5 sao Hùng Vương do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư ở “khu đất vàng” tại ngã sáu Hùng Vương - Hà Nội - Đống Đa cách đây hơn một tuần đã đổ sàn tầng thứ 14. Chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ phần thô trong tháng 11 năm nay, với 38 tầng, kể cả tầng mái, tầng hầm. Dự kiến tháng 4 năm sau sẽ khánh thành Trung tâm thương mại Vincom và đến tháng 6/2018 sẽ đưa vào khai thác toàn bộ công trình.
Dự án The Manor Crow Huế của Tập đoàn Bitexco đang chào bán giai đoạn 1, với 43 căn nhà phố thương mại và 24 biệt thự song lập ngay tại mặt tiền trục đường Tố Hữu nối dài, đối diện Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Hiện tại, toàn bộ phần thô các khối nhà cơ bản hoàn thành, chủ đầu tư đang tiến hành hoàn thiện một số hạng mục còn lại để bàn giao cho khách hàng trong thời gian tới.
Giai đoạn 2, chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng một khối phức hợp 17 tầng, gồm các hạng mục như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, phòng tập gym, hồ bơi, căn hộ cao cấp…, với tổng mức đầu tư toàn bộ DA khoảng hơn 600 tỷ đồng.
Sau khi triển khai thành công hai block nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị mới An Vân Dương, Tập đoàn Vicoland đã phát triển chuỗi nhà ở thu nhập thấp với 5 block trên toàn bộ DA, tổng mức đầu tư hơn 227 tỷ đồng. Đến nay, đã đưa 3 block vào sử dụng, 2 block còn lại đều đã hoàn thành phần thô; dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm nay.
Tiếp nối DA này, các nhà đầu tư khác như Công ty CP Đầu tư Xuân Phú, Công ty CP Đầu tư Aranya Việt Nam cũng tiến hành đầu tư các DA nhà ở xã hội. Hiện, DA của Công ty CP Đầu tư Xuân Phú tại Khu đô thị mới An Vân Dương đã đưa vào sử dụng. DA nhà ở xã hội của Công ty CP Đầu tư Aranya Việt Nam đang hoàn thiện và tiến hành chào bán căn hộ theo tiến độ.
Các nhà đầu tư như: Công ty CP Apecland Huế, Công ty CP Aninvest cũng đang triển khai khá tốt các DA khu căn hộ thương mại cao cấp đa chức năng, khu phức hợp Thủy Vân, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Một số tập đoàn lớn như BRG, Công ty CP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim…; các DA có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào Huế trên nhiều lĩnh vực đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất Cố đô Huế phát triển.
Hành khách đến Huế qua sân bay quốc tế Phú Bài
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)- ông Phan Thiên Định nhìn nhận, dù chưa dám tự hào có môi trường đầu tư tốt nhất, song tỉnh và các ban, ngành không ngừng nỗ lực, quan tâm bằng các cơ chế, chính sách có lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Thừa Thiên Huế.
Ngoài thành lập tổ tư vấn, giúp việc với đầy đủ các sở, ban ngành, địa phương liên quan để lo thủ tục, giải quyết các vấn đề phát sinh khi doanh nghiệp đầu tư tại Huế, lãnh đạo các sở, như Sở KH&ĐT sẵn sàng “xắn tay áo” để cùng nhà đầu tư lo tất cả các thủ tục liên quan khi mời gọi các “ông lớn” như Vingroup, Bitexco, Nguyễn Kim… về Huế.
Ông Phan Thiên Định cho rằng, thời buổi này không thể có chuyện nhà đầu tư chạy theo cơ quan Nhà nước mà lãnh đạo các sở và cả lãnh đạo tỉnh phải “chạy theo” nhà đầu tư mới đưa được DA về tỉnh nhà.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao thông tin trong buổi tiếp xúc với cử tri TP. Huế mới đây rằng, từ đầu năm đến nay, ông đã có 3 chuyến ra nước ngoài để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Thừa Thiên Huế. Trong nước, ông cũng có không ít chuyến công tác ra Hà Nội, vào TP. Hồ Chí Minh để tổ chức và tham dự các hội nghị liên quan đến xúc tiến kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp lớn ở hai đầu đất nước đến Huế.
Nhờ thế, từ đầu năm đến nay, đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư hợp tác tại Huế như đoàn doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…; trong nước cũng có khá nhiều nhà đầu tư đến Huế.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện A Lưới được tổ chức giữa tháng 5/2017 thành công hơn mong đợi khi có khá nhiều doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng là minh chứng điển hình cho chủ trương không ngừng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp vào Thừa Thiên Huế.
Cũng tại hội nghị vừa nêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai DA thuận lợi. Lãnh đạo huyện A Lưới cũng như các sở, ngành liên quan cùng quan điểm sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể nếu doanh nghiệp đến Thừa Thiên Huế đầu tư.
Riêng về cơ sở hạ tầng, tỉnh đang triển khai hàng loạt các DA nhằm đem lại điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến Thừa Thiên Huế, như mở rộng, nâng cấp các bến cảng tại Cảng nước sâu Chân Mây - Lăng Cô, mở thêm một số đường bay mới từ Huế đi các thành phố lớn trong, ngoài nước và ngược lại; mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch, giao thông đối ngoại, thông hầm Phước Tượng, Phú Gia và hàng loạt các hạng mục đầu tư khác để Huế trở thành điểm đến không chỉ về du lịch mà còn là đầu tư và phát triển.
“Trên địa bàn tỉnh hiện có 56 DA đầu tư đạt và vượt tiến độ, với tổng mức đầu tư khoảng gần 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 7 DA đang chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 5.000 tỷ đồng và hàng chục DA đang đôn đốc tiến độ, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể các DA có vốn đầu tư nước ngoài như khu nghỉ dưỡng cao cấp Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree, mới đây chủ đầu tư đã xin nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỉ USD, trong đó có danh mục đầu tư casino
|
Bài, ảnh: TÂM HUỆ