ClockThứ Ba, 07/06/2016 19:55
CÔNG TY CỔ PHẦN XE KHÁCH THỪA THIÊN HUẾ:

Hơn chục xe ngừng chạy đòi giảm khoán

TTH - 5h sáng ngày 7/6, 12 chiếc xe khách Phi Long của Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên Huế chạy tuyến Huế - Đà Nẵng ngừng chạy, yêu cầu công ty giảm khoán.

Tài xế xe Phi Long bức xúc cho xe ngừng hoạt động

Có mặt ở Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên Huế, chứng kiến cả 12 chiếc xe ngừng chạy, đỗ tập trung ở phía sau tòa nhà của công ty. Ông Vương Minh Ấn, lái xe kiêm bảo quản phương tiện 75H 6049 bức xúc: “Hôm nay, xe ngừng chạy vì 2 nguyên nhân, một là khi trang bị xe, phía công ty hứa với chúng tôi tiền khoán sẽ được điều chỉnh giảm hàng năm. Thế nhưng, không giảm mà còn tăng, bình quân mỗi năm tăng từ 2-3 lần. Năm 2004, tiền khoán 10,5 triệu đồng/ tháng/ tuyến Huế - Đà Nẵng, nay tăng lên 16.200 ngàn đồng. Hai là, tiền bảo hiểm nhân sự công ty bắt buộc tài xế phải bỏ tiền ra mua, mỗi năm gần 4,5 triệu đồng. Trong khi đó, tài sản là của công ty mà bắt tài xế chúng tôi phải bỏ tiền ra để mua bảo hiểm”.

Ông Ngô Hiền, lái xe kiêm bảo quản phương tiện 75H 2229 cho biết: “Trước thực trạng chạy xe ngày càng khó, thu không đủ bù chi, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đến lãnh đạo công ty và mong muốn công ty xem xét giảm khoán, để chúng tôi có điều kiện tiếp tục theo nghề vận tải. Mặc dù, đơn gửi khá lâu, song không có phản hồi từ phía công ty. Xe càng chạy càng lỗ, mỗi tháng xe chạy 20 phiên. Thời gian gần đây, xe liên tỉnh hoạt động nhiều, trong khi đó, khách ngày một ít, xe có 28 ghế nhưng mỗi chuyến khách tối đa cũng chỉ 15 người. Trong khi đó, mỗi ngày phải dành dụm để nộp khoán; chi phí cầu đường, xăng dầu. Ngoài ra, các chi phí hao mòn xe lái xe cũng phải tự bỏ tiền ra để sửa chữa”. Tương tự, lái xe Hồ Ngọc Vỹ, bức xúc: “Anh em chúng tôi chạy xe đều lỗ 5-7 triệu đồng/ tháng. Trước tình hình khó khăn đó, ngày 23/5/2015, 12 tài xế đến công ty trình bày lý do và xin công ty tính toán giảm khoán cho hợp lý, nhưng không được phía công ty đồng ý.

Sau khi lấy ý kiến phản ánh từ phía các lái xe, chúng tôi vào Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên Huế tìm gặp lãnh đạo công ty để xác minh làm rõ thêm thông tin, ông Nguyễn Tuất, Trưởng phòng tổ chức, cùng 5 anh em trong công ty, đứng ngay cửa, ngăn cản không cho anh em phóng viên vào đăng ký làm việc. Đặt câu hỏi vì sao không cho vào (PV), ông Tuất trả lời, không có việc gì mà phải vào, đây là công ty không có vốn của Nhà nước, nên chúng tôi làm thế nào thì làm, không liên quan đến các anh chị. Chưa dừng lại ở đó, vị trưởng phòng này còn chỉ thẳng vào mặt phóng viên xưng hô mày, tao. Hơn thế nữa, vị này còn xúc phạm đến một nữ phóng viên.

Lát sau, ông Nguyễn Bá Viện, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên Huế xuống sân gặp phóng viên và giải thích: “Mấy hôm nay, 12 lái xe Phi Long tuyến Huế - Đà Nẵng có gửi đơn đến công ty với mong muốn giảm khoán. Đầu năm họp công ty đã đưa ra giá khoán trên mỗi xe và đã thông qua hội đồng quản trị, cổ đông. Muốn điều chỉnh thì không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai mà lãnh đạo công ty phải thông qua Hội đồng quản trị, cổ đông, phải có lộ trình để giải quyết”.

Phóng viên hỏi, ông là một lãnh đạo của công ty, thái độ, hành xử của ông Tuất với phóng viên như vậy theo ông đúng hay sai. Ông Viện cho hay “Tôi không bình luận về việc này và xin lỗi các phóng viên”.

Ông Phạm Trung Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Huế cho biết: “Chiều ngày 6/6/2016, bến xe nhận được điện thoại của Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế thông báo, ngày 7/6/2016 xe Phi Long nghỉ chạy. Nhận được tin này, bến xe yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường thêm giờ chạy xe phục vụ những nốt trống của xe Phi Long để phục vụ khách đi lại hàng ngày.

Dù thế nào chăng nữa, lãnh đạo Công ty cổ phần Xe khách Thừa Thiên Huế cũng cần lắng nghe ý kiến phản ánh, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các tài xế; giải quyết những vấn đề hợp lý hợp tình hơn, tránh tình trạng 12 chiếc xe “đình công” gây thất thu cho doanh nghiệp, còn xe thì để không.  

Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á: Các dự án đập thủy điện bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Các dự án đập thủy điện chưa hoàn thành và sắp tới sẽ thực hiện ở Đông Nam Á, đặc biệt là dọc theo sông Mekong và dọc các nhánh sông có nguy cơ bị trì hoãn và ngừng hoạt động do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chính, cũng như tác động lên thị trường năng lượng và an toàn lao động.

Đông Nam Á Các dự án đập thủy điện bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Return to top