ClockThứ Sáu, 25/10/2019 05:45
Góp ý mở rộng và phát triển TP. Huế:

Tập trung thực thi một quy hoạch có định hướng trọng tâm

TTH - Theo đề án “Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km²) và một phần các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348,54km² (rộng gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu).Báo Thừa Thiên Huế tiếp tục nhận được những góp ý tâm huyết về đề án.

Mở rộng thành phố Huế là nhu cầu tất yếu

Báo Thừa Thiên Huế tiếp tục nhận được những góp ý tâm huyết về đề án.

TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng​

TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng (Quyền Trưởng khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế): Nên có bước chuẩn bị thật kỹ trong quy hoạch 

Mở rộng TP. Huế là chủ trương đúng và cần thiết. Lâu nay, từ tỉnh đến các chuyên gia đều mong muốn TP. Huế được mở rộng về mặt quy hoạch. Bởi vì nếu giữ nguyên thì khó phát triển, dân số tập trung đông dễ trở thành đô thị nén. Nghĩa là hạ tầng đô thị, các công trình kiến trúc, xây dựng sẽ phát triển theo chiều cao. Nhà cao tầng quá nhiều dẫn đến không gian chật chội, bức bí, xuất hiện các vấn đề về ô nhiễm, môi trường… Trong khi đặc thù Huế là dàn trải, hòa lẫn thiên nhiên và hiện tại vẫn còn quỹ đất để quy hoạch mở rộng.

Nên dựa vào 3 yếu tố là môi trường, tài nguyên thiên nhiên và nhân lực để định hướng phát triển theo trục nào. Về mặt không gian, hiện tại có 2 trục là Đông – Tây và Nam – Bắc. Về mặt ngắn hạn, nên phát triển trước tiên theo hướng Đông – Tây (mở rộng về hướng biển và núi) bởi trục này gắn với sông Hương và một loạt các di sản, di tích. Về lâu dài, cần mở rộng phát triển theo hướng Nam – Bắc.

Để thực hiện chủ trương mở rộng TP. Huế, rất cần sự kết hợp của nhiều chuyên gia, nguồn lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt cần có thời gian chuẩn bị đủ dài và kỹ, dựa vào các tiềm lực, tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị như mật độ dân số, tỷ lệ phần trăm phi nông nghiệp…

Bước đầu tiên cần chú ý đến hạ tầng kỹ thuật và nhân lực. Liên quan đến dân số, sẽ có luồng di dân từ nông thôn đến đô thị. Cần tính toán đảm bảo sự cân bằng giữa nông thôn và đô thị, chú ý đến các yếu tố cảnh quan môi trường, đô thị…

Cần tổ chức một hội thảo chuyên sâu, thu hút mời chuyên gia giàu kinh nghiệm để cùng thảo luận, có thể đánh giá lại các dự án quy hoạch của tỉnh 20 – 30 năm qua, từ đó có nhiều chuyên gia sẽ có những bài viết, đánh giá, đưa ra góp ý về quy hoạch, phát triển thành phố một cách hợp lý.

ThS. KTS. Nguyễn Văn Thái

ThS. KTS. Nguyễn Văn Thái (Trưởng Bộ môn quy hoạch, bảo tồn và cảnh quan – Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế): Cần tập trung quy hoạch trọng tâm về hướng Đông và hướng Nam

Việc mở rộng đô thị Huế là cần thiết. Tuy nhiên, chủ trương quy hoạch mở rộng như thế nào, chất lượng đồ án quy hoạch ra sao, xác định mở rộng quy mô lên bao nhiêu lần... là những vấn đề đặt ra.

Quy hoạch đô thị là vấn đề khó cả trên đồ án lẫn thực tiễn thực thi quy hoạch. Vì vậy, để quy hoạch mở rộng TP. Huế thì trước tiên, cần thực hiện đánh giá, tổng kết công tác quy hoạch phát triển đô thị và năng lực quản lý, nguồn lực thực hiện quy hoạch trong công tác phát triển đô thị ở Thừa Thiên Huế nói chung, quy hoạch phát triển đô thị TP. Huế nói riêng 20 năm qua và năng lực thực thi quy hoạch trong 10 năm tới (đến 2030 theo năm thực hiện quy hoạch phê duyệt) để có cơ sở xác định chính xác, khả thi nhất về giới hạn mục tiêu đặt ra để chủ trương phát triển đô thị Huế đúng tầm sức.

Để quy hoạch đi vào đời sống thiết thực, nên xác định quy hoạch dựa trên năng lực thực thi quy hoạch phát triển đô thị; thực tế nguồn lực thực hiện quy hoạch trong giai đoạn đồ án quy hoạch đã xác định; tránh đồ án quy hoạch sa vào lý thuyết, quy hoạch bằng ý chí mong muốn mà thiếu cơ sở khoa học, dẫn đến “quy hoạch treo”, gây lãng phí nhiều mặt.

Các dự án phát triển đô thị đang được mở rộng ở khu vực phía Nam. Ảnh: TH

Hiện nay, đô thị Huế quy hoạch theo mô hình đô thị vệ tinh ra cả bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc theo kiểu quy hoạch “Trăm hoa đua nở”, cho thấy một quy hoạch dàn đều, mất phương hướng. Như đưa cả Bình Điền để quy hoạch thành đô thị Huế trong 10 năm tới (đến năm 2030). Điều này có thể thấy ngay đồ án quy hoạch phê duyệt đã tạo ra một quy hoạch “treo" từ đầu, khó khả thi trên thực địa khi nền tảng động lực phát triển đô thị mọi mặt (kinh tế đô thị, cơ sở hạ tầng...) chưa hình thành đủ cả lượng và chất.

Quy hoạch mở rộng thành phố cần một tư duy mới, thực tế hơn, đi theo hướng quy hoạch trọng tâm, tập trung, hiệu quả, tạo ra một “quy hoạch động lực” phát triển, giảm bớt quy hoạch chờ vào nguồn lực kinh tế của một tỉnh còn eo hẹp.

Trong giai đoạn từ nay đến 2045, chỉ nên tập trung thực thi một quy hoạch có định hướng trọng tâm 3 cực động lực tạo thành tam giác phát triển bao gồm: đô thị trung tâm TP. Huế - đô thị Thuận An hướng ra biển (kiến tạo đô thị cảnh quan đặc thù biển - đầm phá - du lịch - nuôi trồng thuỷ hải sản) - đô thị công nghiệp - dịch vụ logistics (hoạt động thương mại) Phú Bài (TX. Hương Thủy). Định hướng không gian quy hoạch trọng tâm như vậy tạo thế dễ kết nối hạ tầng, tiết kiệm đầu tư, kết nối dịch vụ, quản lý... liên hoàn phát triển nhanh, mạnh, rõ nét, thiết thực; biến đô thị Huế thành một đô thị của động lực từ nội lực phát triển - đô thị di sản - biển - công nghiệp logistics đặc thù cho khu vực và cả nước.

Từ những phân tích cơ sở thực tiễn trên, trước tiên cần tập trung quy hoạch trọng tâm mở rộng TP. Huế về hướng Đông và hướng Nam là có cơ sở, tạo thế tam giác động lực phát triển và ranh giới mở rộng TP. Huế từ nay đến tầm nhìn 2045 chỉ nên mở rộng ra khoảng gấp dưới 3 lần thì có cơ sở khoa học và có điều kiện hiện thực tốt hơn.

Hữu Phúc (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững

Đó là nội dung được trao đổi thảo luận tại hội thảo “Giải pháp dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững Trung Trường Sơn” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp với WWF-Việt Nam tổ chức tại TP. Huế vào ngày 5/6. Tham dự có lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) các sở ban, ngành đơn vị liên quan của 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam.

Dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững
Phát triển kinh tế đêm tại huyện Phú Lộc: Nhìn từ phố đi bộ

Phú Lộc là một trong những địa phương thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch nhưng việc giữ chân khách ở lại lưu trú vẫn là bài toán gây nhiều trăn trở. Sự ra đời của tuyến phố đi bộ ở Lăng Cô sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, song, phải rút kinh nghiệm từ những phố đi bộ đã có từ trước.

Phát triển kinh tế đêm tại huyện Phú Lộc Nhìn từ phố đi bộ
Động lực phát triển kinh tế từ các khu công nghiệp, khu kinh tế

Từng quan ngại sợ mất hình ảnh “xanh” của vùng đất di sản Cố đô khi Huế triển khai xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) từ nhiều thập niên trước đây, nhưng bằng việc mời gọi, chọn lọc tinh tế, nhiều KKT, KCN hình thành khẳng định hướng đi đúng, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển.

Động lực phát triển kinh tế từ các khu công nghiệp, khu kinh tế
Return to top