ClockThứ Tư, 14/11/2012 17:28

Tăng mức xử phạt để hạn chế tai nạn giao thông

TTH.VN - Thực hiện Nghị định 71 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngày 10-11, Công an toàn tỉnh đồng loạt ra quân huy động tổng lực lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

 

Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát vào ban đêm để phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm
 
Trọng tâm của đợt cao điểm này một phần để tuyên truyền những điểm mới cho nhân dân hiểu và chấp hành đúng Nghị định 71 của Chính phủ. Đồng thời, công an các địa phương, đơn vị sử dụng lực lượng công khai kết hợp hóa trang, mật phục, phương tiện kỹ thuật để xỷ lý nghiêm hành vi vi phạm nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông… nhằm kéo giảm tai nạn giao thông xuống 10%.   
  
Nhiều người còn bỡ ngỡ
 
Từ sáng sớm 10-11, dù là ngày cuối tuần, trên nhiều tuyến đường ở TP Huế, các huyện, thị xã xuất hiện lực lượng Cảnh sát giao thông chốt trực để hướng dẫn phân luồng giao thông cũng như xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì đa phần người vi phạm đều chưa biết nghị định mới sẽ tăng nặng hình phạt cụ thể là như thế nào.
 
Theo ghi nhận tại một điểm xử phạt ở địa bàn TP Huế, có khá nhiều trường hợp rất bỡ ngỡ về quy định mới này và khi được hỏi đều không hay biết gì. Nhiều lái xe khi CSGT ra quyết định xử phạt theo Nghị định còn có thái độ phản ứng. Tuy nhiên, sau khi được lực lượng CSGT tuyên truyền, cho xem trực tiếp điều khoản sửa đổi trong Nghị định, đã vui vẻ ký vào biên bản vi phạm. Do vậy, quá trình tuần tra xử lý ngoài đường những ngày đầu, lực lượng CSGT vẫn chủ yếu là nhắc nhở, hướng dẫn. Một CSGT chia sẻ: Nhiều trường hợp vi phạm trong sáng 10-11 cũng nói rằng chưa biết về nghị định mới. Do đó, trước khi lập biên bản xử lý vi phạm, các chiến sĩ CSGT lại phải dành thời gian giải thích rõ về quy định mới cho người dân hiểu, để lần sau họ chấp hành Luật Giao thông nghiêm túc hơn.
 
Nghị định 71 quy định xử phạt nặng những lỗi người điều khiển phương tiện uống rượu bia, cao nhất đến 15 triệu đồng
 
 
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong 5 ngày đầu ra quân thực hiện, các đơn vị trực thuộc phòng đã xử lý được gần 500 trường hợp vi phạm, tạm giữ nhiều phương tiện, giấy tờ các loại; công an các địa phương đã xử phạt khoảng 3.000 trường hợp vi phạm. Trong đó đa phần là các lỗi đi sai làn đường, người điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện không có gương, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…
 
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Thị Kim Nhàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thừa Thiên Huế cho biết, ngay sau khi Nghị định 71 được ban hành, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT đã tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết về sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. “Trong những ngày đầu, CSGT sẽ chủ yếu là nhắc nhở chủ phương tiện vi phạm lỗi nhẹ, sau đó sẽ xử phạt theo đúng quy định”- thượng tá Nhàn cho biết.
  
Thiếu tá Lê Viết Phương, Phó trưởng phòng CSGT Công an Thừa Thiên Huế cho biết: Đơn vị, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ như: hóa trang, mật phục, sử dụng phương tiện kỹ thuật máy đo tốc độ cả ngày lẫn đêm, máy đo nồng độ cồn, camera nghiệp vụ…để phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Đợt ra quân này, Công an các đơn vị tập trung xử lý lỗi thường gây ra tai nạn giao thông như: lạng lách, đánh võng, sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ...
 
Theo ghi nhận từ lực lượng CSGT toàn tỉnh, trong các ngày đầu ra quân đã tập trung tuyên truyền qui định mới trong Nghị định 71.Với nhiều quy định mới về mức xử phạt rất nặng về các lỗi liên quan đến tốc độ và nồng độ cồn trong máu hoặc hơi vượt quá qui định. Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc chống người thi hành công vụ, gây tai nạn, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe…  
  
Vẫn còn những băn khoăn
 
Nghị định 71 với mức xử phạt cao được kỳ vọng sẽ làm giảm TNGT
 
Đại tá Trần Thị Kim Nhàn cho biết thêm: Những thay đổi trong nội dung Nghị định 71 có một số mức tăng nặng xử phạt là: ô tô chuyển nhượng không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe; đối với hành vi đua xe máy, xe ô tô trái phép, cổ vũ đua xe trái phép sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 30 triệu đồng; uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt lên đến 15 triệu đồng. “Những điểm mới của Nghị định 71 là nâng mức phạt tiền của 44 nhóm hành vi là các nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Mức phạt tiền của hầu hết các lỗi đều tăng từ 1,5 đến 2,5 lần so với Nghị định 34, có một số lỗi được giảm nhẹ. Đặc biệt là xử phạt nặng những lỗi người điều khiển phương tiện uống rượu bia, cao nhất đến 15 triệu đồng…”.
 
Theo cơ quan chức năng, việc bổ sung 19 điều, trong đó tập trung vào 6 nhóm vi phạm được điều chỉnh nâng cao mức xử phạt được xem như là một liều thuốc mạnh có tác dụng răn đe, phòng ngừa ùn tắc và TNGT. Mức xử phạt trong Nghị định 71 tăng lên rất nhiều so với Nghị định 34. Trong đó, đáng chú ý là việc áp dụng mức phạt từ 6-10 triệu đồng với ôtô và một triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Theo quy định, người dân sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu.
 
Những xe khách đường dài cũng cẩn trọng hơn khi lưu thông trên đường bởi sợ phải chịu hình phạt cao do mình tự gây ra
 
 
Việc triển khai Nghị định 71 trong những ngày đầu vẫn đang nhận được những ý kiến trái chiều nhau, tuy nhiên, theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ hiện nay là cần thiết nhằm quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế cho nhà nước, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông cũng như xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông nhanh chóng.
  
Đại tá Trần Thị Kim Nhàn, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh: Chưa xử phạt người điều khiển xe mang tên người khác
 
Đại tá Trần Thị Kim Nhàn, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh
 
 
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Thị Kim Nhàn, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: thực hiện ý kiến của Bộ Công an, chúng tôi chỉ đạo lực lượng CSGT chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt người điều khiển xe mang tên người khác (xe không chính chủ) nhưng chưa xác định được xe đã làm thủ tục mua bán, cho, tặng mà chưa sang tên. Theo đó, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội đã có công điện gửi giám đốc công an các địa phương chỉ đạo lực lượng CSGT khi xác định rõ trường hợp có hành vi chuyển nhượng phương tiện mà quá 30 ngày không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt. Trường hợp đã mua bán nhưng chưa sang tên trong thời hạn 30 ngày chỉ nhắc nhở thực hiện sang tên.
  
Công điện cũng nêu rõ: Trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu thấy người điều khiển phương tiện có đăng ký xe có tên khác với tên trên giấy phép lái xe của người điều khiển (sử dụng xe không chính chủ) và người dân trình bày đây là xe gia đình, xe đi mượn, thuê thì không xử phạt với hành vi này. Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi trong việc xử lý, Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn trong đó quy định khi người bị xử phạt hành chính rơi vào trường hợp giữa đăng ký xe và giấy phép lái xe không khớp nhau thì yêu cầu xuất trình chứng cứ sử dụng xe mượn, thuê, xe gia đình, chứ không có chuyện bắt người dân mang theo hộ khẩu, lý lịch khi ra đường.
 
Để siết chặt công tác quản lý, đăng ký và cũng bảo vệ quyền lợi cho người dân, chủ sở hữu phương tiện, người dân khi mua bán phương tiện dù giá trị tài sản có lớn hay nhỏ thì đều phải thực hiện đăng ký, chuyển quyền sở hữu. Điều này không những giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng quản lý phương tiện, thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT mà người dân còn chứng minh, bảo vệ được quyền sở hữu hợp pháp của mình khi cần thiết.
Thái Sơn (ghi)
 
 
Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Return to top