|
|
Không nhường nhịn, cứ nhấn còi để cố vượt mỗi khi tắc đường thì tình trạng tắc đường sẽ càng trầm trọng |
Đang bật xi nhan chuẩn bị rẽ trái thì tôi giật mình giữ nguyên tay lái do những hồi còi inh ỏi nổi lên từ phía sau. Cứ ngỡ xe sau đang ngon trớn, báo còi không cho vượt, nhưng chờ mãi vẫn không thấy xe vượt lên. Nhìn qua kính chiếu hậu, chiếc ô tô phía sau đang giảm tốc độ chờ tôi rẽ. Vậy thì yên tâm rẽ thôi, nhưng rẽ xong vẫn thấy nó kỳ kỳ thế nào, sao đã giảm tốc cho xe trước rẽ, lại còn bóp còi inh ỏi làm gì?!!
Đáng nói là tình huống như vậy không phải cá biệt, mà cứ gặp hoài. Cũng không chỉ có mình tôi, mà tin chắc nhiều người khác cũng từng đôi lần vấp phải.
Tôi có quen một ông bác sĩ lớn tuổi, nhà có ô tô, nhưng vì lý do tuổi tác, sức khỏe, nên đi đâu hơi xa xa chút là ông thuê tài xế riêng. Có dạo tôi cùng một bạn đồng nghiệp đi công chuyện với ông, ngồi trên xe, ông cứ nhắc bác tài bóp còi, bóp… cật lực vào. Ông “huấn thị” bác tài: “Nhà sản xuất người ta sản xuất cái còi ra để làm gì? Để mà bóp chứ làm gì nữa! Nghe tiếng còi, người già, trẻ nít, người chạy xe láng cháng phía trước… họ nghe họ tránh. Còn nếu bóp hoài mà không thấy tránh thì lo dừng xe xuống kiểm tra, thấy ra đó là cái… cột điện thì mình lo mà tránh nó. Lợi hại thế sao lại không bóp là thế nào?”. Lý luận của ông khiến chúng tôi phì cười, tự hỏi không biết có phải thiên hạ nhiều người cũng nghĩ như vậy không mà ra đường còi bóp búi xua, phố xá inh ỏi ?!!
|
|
Huế sẽ thêm điểm nếu thực hiện được slogan "thành phố không tiếng còi" |
Thật ra nói hoàn toàn không được bóp còi là hơi cực đoan, bởi gì thì gì, còi vẫn có tính năng tích cực của nó. Bóp để cảnh báo khi xe qua những góc khuất, bóp khi phía trước có người lưu thông nhưng tâm trí đang lơ đễnh ở đâu đâu… thì là điều cần thiết, có thể giúp hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, lạm dụng quá, hoặc bóp còi thành thói quen, thành quán tính, bóp khi không thực sự cần thiết, không đúng nơi đúng chỗ thì là điều không nên. Càng không nên đối với kiểu bóp còi vô lối, như trường hợp mà chúng tôi vừa kể ở trên. Bóp như thế, không những chẳng ích lợi gì mà còn gây ô nhiễm âm thanh, thậm chí còn gây rối loạn, mất an toàn giao thông. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra, mà nguyên nhân là do nạn nhân giật mình bởi tiếng còi xe, dẫn đến ngã xuống đường và bị xe từ phía sau đang đà chạy tới cán phải.
Đã từng có ý tưởng và mong muốn xây dựng thành phố Huế thành thành phố không có tiếng còi xe. Câu slogan “Huế- thành phố không tiếng còi!” đã được chọn để triển khai cho cuộc vận động. Tuy nhiên, rất nhiều tranh cãi, và cũng rất nhiều lý do, dẫn đến kết quả của cuộc vận động này vẫn… chưa kết quả. Dẫu vậy, “thành phố không tiếng còi” vẫn là ước mong, là hy vọng của nhiều người, nhất là với Huế- thành phố thân thiện, thành phố du lịch, thành phố văn hóa- di sản thì điều ấy lại càng hết sức có ý nghĩa.
Chưa có cơ hội để được đi nhiều, nhưng ai từng đi Lào, đi Thái Lan, được trải nghiệm cảm giác yên tĩnh, dù giao thông của họ- đặc biệt là ở Thái Lan- cũng cực kỳ đông đúc, bận rộn, kẹt xe kéo dài, vậy mà người ta không hề bấm còi inh ỏi, cứ bình tĩnh, nhường nhịn nhau để di chuyển, cuối cùng cùng nhau thoát khỏi điểm mắc kẹt. Nó đỡ tiêu tốn thời gian, và cũng đỡ bực dọc hơn rất nhiều.
|
|
Vận động “thành phố không tiếng còi” phải song hành với tuyên truyền, giáo dục ý thức giao thông |
Vận động “thành phố không tiếng còi”, song hành với không ngừng tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong toàn cộng đồng; Tiếp nữa, tiến đến triển khai cấm bóp còi ở một số khu vực, tuyến đường- đương nhiên cấm phải đi liền với phạt- thế mới có thể dần tạo thói quen và lan rộng lối hành xử văn minh này.
Sẽ tiếp tục có nhiều tranh cãi, nhiều lý do lý trấu như đã từng. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà ngần ngại. Vạn sự khởi đầu nan, bỏ một thói quen vốn đã thành quán tính càng không bao giờ là điều dễ dàng. Hãy cứ khởi đi, tất sẽ đến đích, nhất là cái đích đến ấy là rất văn minh, rất lợi ích và rất thú vị.
Viết đến đây, chợt nhớ về cái thời triển khai chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Cũng đã có rất nhiều bàn cãi, thậm chí cả phản đối, nhưng rồi cũng đi đến kết quả. Đến mức bây giờ, với rất rất nhiều người, mỗi khi leo lên xe máy, không có cái mũ bảo hiểm là cảm thấy thiếu, cảm thấy bất an. “Huế- thành phố không tiếng còi”, nếu quyết làm thì cũng sẽ như vậy.