ClockThứ Ba, 31/10/2023 07:17

Thành phố xe đạp

TTH - Việc hình thành các tuyến đường xe đạp sẽ giúp quảng bá các giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất Cố đô; mang lại các giá trị xanh, thích ứng với tự nhiên và cải thiện khí hậu.

Giao thông xanh ở HuếQuy hoạch bài bản để xây dựng “Thành phố xe đạp”Trao giải cuộc thi “Huế - Thành phố xe đạp”Thiết kế không gian tiện ích dành cho xe đạp

 Xe đạp là phương tiện lý tưởng cho xu hướng giao thông “xanh”. Ảnh: Đăng Tuyên

Bản dự thảo Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở hạ tầng và kế hoạch triển khai các tuyến xe đạp khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận (Đề án) được xây dựng với việc khảo sát ở quy mô lớn, đánh giá tình trạng sử dụng xe đạp ở Huế, những thuận lợi và khó khăn trong phát triển giao thông xe đạp, mức độ phát triển xe đạp.

Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh cho rằng, Đề án sẽ giúp hình thành đồng bộ đường xe đạp của toàn tỉnh trong tương lai; góp phần hỗ trợ kết nối hiệu quả với phương tiện vận tải công cộng truyền thống tạo ra một mạng lưới giao thông công cộng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dành cho xe đạp sẻ chia và xe đạp tự có, hình thành ý thức sử dụng xe đạp cho mọi hoạt động.

Thông tin từ Đề án, trước mắt sẽ hình thành hệ thống đường đi xe đạp tại vùng lõi trung tâm đô thị Huế và tuyến đường xe đạp kết nối với các khu vực liên quan cần thiết. Ngoài ra, đầu tư hệ thống xe đạp sẻ chia có quy mô khoảng 1.200 xe.

Cụ thể hơn ý tưởng các tuyến đường đề xuất đó là, khu vực Bến Tòa Khâm – Đập Đá; khu vực chợ Đông Ba – Trịnh Công Sơn; khu vực Học viện Âm Nhạc – Dã Viên; công viên Bùi Thị Xuân – cồn Dã Viên; khu vực nội thành...

 Tại TP. Huế trong tương lai sẽ hình thành các tuyến đường xe đạp

Bàn phương án triển khai các tuyến xe đạp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Xây dựng, UBND TP. Huế… đều cho rằng, việc nghiên cứu, định hướng xây dựng tuyến đường đi xe đạp là phù hợp với xu thế phát triển. Bên cạnh đó, TP. Huế có điểm mạnh về cảnh quan phù hợp để xây dựng những tuyến đường đi xe đạp; tiềm năng du lịch của thành phố.

Thực tế cho thấy, Huế có nhiều lợi thế khi là một trong những địa phương có bước đầu tương đối thành công trong việc hình thành một thành phố xe đạp có nét tương đồng với các thành phố xe đạp trên thế giới. Những năm qua, với sự nỗ lực từ quan điểm đến hành động xuyên suốt, TP. Huế đã hình thành cơ sở hạ tầng giao thông dành cho xe đạp bài bản. Người dân có các cung đường đạp xe an toàn, đẹp, chan hòa với thiên nhiên; các cuộc thi đạp xe chuyên nghiệp và phong trào thu hút đông đảo thành phần tham gia; người dân đã sở hữu xe đạp nhiều hơn, văn hóa đạp xe cũng đang dần hình thành trong cộng đồng dân cư Huế.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trương Đình Hạnh cho biết, với việc sở hữu các di sản văn hóa thế giới, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, Huế có nhiều danh thắng đẹp, nhiều di tích lịch sử, chùa, làng nghề, các sản phẩm đặc sản, nhà hàng, phố ẩm thực xen kẽ trong các khu dân cư, nhất là nhà vườn, một nét độc đáo tiêu biểu của TP. Huế, thì việc sử dụng xe đạp làm phương tiện để đi du lịch trải nghiệm là giải pháp lý tưởng cho du khách khi đến Huế.

Đối với phương án thiết kế, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Toàn Thắng nhận định, các tuyến xe đạp cần hướng đến các tuyến khả thi; bám sát hiện trạng giao thông. Đặc biệt, hướng đến các tuyến đường dọc theo các dòng sông, các khu vực danh lam thắng cảnh – di tích lịch sử; liên kết các trục cảnh quan tiêu biểu; kết nối với các cơ sở dịch vụ du lịch và các công trình công cộng… thì mới mang lại hiệu quả tốt khi đưa vào vận hành.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, xe đạp là phương tiện lý tưởng cho xu hướng giao thông “xanh” và sự phát triển bền vững của Huế - Thành phố du lịch sạch ASEAN, Thành phố Festival của Việt Nam. Trong đó, việc đầu tư phát triển mô hình đô thị xanh gắn với xe đạp đang được tỉnh quan tâm phát triển. Địa phương luôn khuyến khích người dân và du khách sử dụng phương tiện xe đạp di chuyển trong thành phố nhằm từng bước xây dựng thành phố xe đạp thân thiện với môi trường.

Ông Phương cho rằng, mục tiêu của xây dựng tuyến xe đạp vừa có cả trước mắt và lâu dài; vì vậy một sớm một chiều không thể hình thành ngay thói quen của người dân khi tham gia giao thông bằng xe đạp, cũng như ứng xử trong văn hóa giao thông đối với xe đạp. Chính vì vậy, việc kiên định, đặt nền móng cho ý tưởng phù hợp với từng trải nghiệm; hướng đến từng đối tượng cụ thể như du khách, người lớn tuổi, người thích thiên nhiên… Từ đó định hướng phát triển lâu dài cho giai đoạn tiếp theo; phấn đấu duy trì, phát triển Huế trở thành thành phố xe đạp đặc trưng của cả nước.

Với Đề án trên, người đứng đầu chính quyền tỉnh giao UBND TP. Huế tiếp tục triển khai, hoàn thiện các chương trình, đề án, dự án liên quan đến xe đạp theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; đồng thời rà soát, kết nối với Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh trong quá trình nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục các tuyến để triển khai xây dựng trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ hạ tầng, dịch vụ trong cùng mạng lưới.

Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh hoàn thiện đề án, tổ chức đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường quản lý; phương án tích hợp, lồng ghép các điểm đỗ xe đạp với các bến xe, bến thuyền, điểm dừng, nhà chờ xe buýt (tích hợp các tính năng hỗ trợ xe đạp vào các trạm, nhà chờ xe buýt).

“Việc đưa xe đạp vào trong hoạt động giao thông và là phương tiện đi lại sẽ là một trong những phương thức để thúc đẩy Huế trở thành thành phố du lịch văn minh, hạnh phúc với các tiêu chí xanh, sạch, an toàn, thân thiện môi trường và thông minh” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nói.

Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới

TIN MỚI

Return to top