ClockThứ Sáu, 01/09/2023 07:39

Xứng tầm đô thị trung tâm

TTH - Là đô thị trung tâm, đô thị động lực của tỉnh nên thời gian qua, đô thị Huế được tỉnh và thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối hạ tầng từ thành thị đến các vùng quê, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cùng với cả tỉnh sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hành trình hiện thực hóa giấc mơ - Kỳ 3: Khơi mạch nguồn, kiến tạo tương laiTập trung tháo gỡ khó khăn cho 3 chương trình mục tiêu quốc giaTrải nghiệm cung đường chạy bên phá Tam Giang

 Đường đi bộ dọc sông Hương thu hút nhiều người dân và du khách trải nghiệm

Chuyển mình từ những dự án

Chỉ hơn 5 năm, không gian hai bờ sông Hương - điểm nhấn của đô thị Huế đã “thay da đổi thịt” với hàng loạt những công trình, dự án (DA) chỉnh trang, tạo nên một không gian mới lạ và hấp dẫn du khách. Điểm nhấn đầu tiên trong số các DA, đồng thời phát huy tác dụng không gian hai bờ sông là 2 tuyến đường đi bộ dọc hai bờ sông được kết nối từ cầu Trường Tiền đến công viên Kim Long. Ở đó, người dân và du khách có thể vui chơi, luyện tập thể thao, dạo bộ…, góp phần tạo thêm cho Huế một địa điểm du lịch mới.

Để hoàn thiện hạ tầng không gian hai bờ sông, mới đây, TP. Huế tiếp tục đầu tư chỉnh trang cồn Dã Viên nhằm hình thành không gian công cộng, đồng bộ cảnh quan khu vực, góp phần tạo nơi vui chơi giải trí, luyện tập thể thao cho người dân, du khách và hướng đến tổ chức các hoạt động cộng đồng.

Không chỉ đầu tư hạ tầng, TP. Huế còn xây dựng các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn dọc bờ sông Hương nhằm xác định mục tiêu dài hạn, đồng bộ, hướng đến xây dựng du lịch Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”. Khi đưa vào sử dụng, ngoài việc phục vụ nhu cầu của du khách, các nhà vệ sinh được mở rộng thêm một không gian riêng để bán cafe, các quầy hàng lưu niệm cho du khách, người dân tham quan, mua sắm.

Cùng với các DA được triển khai hai bên bờ sông Hương, TP. Huế tiếp tục đầu tư xây dựng thêm tuyến đường đi bộ dài 1,6km dọc theo sông Như Ý, kéo dài từ Đập Đá đến cầu Vân Dương, với trị giá đầu tư 267 tỷ đồng. Toàn tuyến đi bộ ven sông còn xây dựng thêm bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m2 giáp với Đập Đá, cầu vòm dài 36m bắc qua hói Thát Lát (thuộc phường Xuân Phú); 11 bến nước, phía trên bến lát đá granite. Khoảng không gian giáp ranh giữa đường đi bộ với nhà và vườn của dân sẽ được bố trí các tiểu cảnh, cây xanh. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024 thuộc DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế (giai đoạn 2).

Ngoài các DA hạ tầng giao thông, những năm gần đây các DA thoát nước, vỉa hè, bó vỉa, điện chiếu sáng các tuyến đường trung tâm, các công viên, điểm xanh được đầu tư đồng bộ, không chỉ hoàn thiện hạ tầng đô thị mà còn tạo không gian vui chơi giải trí cho người dân và du khách. Điển hình là các DA chỉnh trang vỉa hè đường Lê Duẩn, Nhật Lệ, Lê Huân; DA cồn Dã Viên khu vực phía tây... Hiện, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA trọng điểm, như DA Di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; đền bù giải phóng mặt bằng các DA Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; DA Cải thiện môi trường nước (phần vốn dư); DA Thành phố Văn hóa và Du lịch thông minh; nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu…

Đầu tư cho “lõi trung tâm”

Huế là một trong những thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời nhất của Việt Nam, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, y tế… của tỉnh. Thực hiện các nội dung tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2025 với “lõi trung tâm” là đô thị Huế mở rộng, TP. Huế tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng từ khu vực trung tâm đến các xã, phường mới sáp nhập. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cũng được triển khai quyết liệt, góp phần đưa diện mạo đô thị Huế ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, với mục tiêu xây dựng TP. Huế trở thành hạt nhân của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, đô thị thông minh của tỉnh, thời gian tới thành phố huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị thông minh, bền vững, đô thị xanh, là động lực cùng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị đặc thù. Trong đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, chú trọng nâng cao chất lượng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ quan trọng nữa đó là thúc đẩy hơn nữa việc phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di sản, văn hóa, khai thác hiệu quả các dư địa tiềm năng; ưu tiên phát triển các ngành kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là thương mại - dịch vụ. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị thông minh, bền vững, đô thị xanh góp phần tạo động lực cùng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện, TP. Huế đang tập trung nguồn lực triển khai 6 chương trình trọng điểm, gồm chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế tư nhân; di dời các hộ dân trong khu vực I Kinh thành Huế; nâng cấp các xã lên phường... Đồng thời, triển khai 9 DA trọng điểm, gồm DA di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; đền bù giải phóng mặt bằng các DA: Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; cải thiện môi trường nước; DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp An Hòa giai đoạn 9 và 10; nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu...

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
CC
Chiến - 01/09/2023 13:42
Sao cầu Long Thọ, đường Bùi Thị Xuân (đoạn phường Thủy Biều) lãnh đạo thành phố không quan tâm giám sát, tiến độ quá rùa bò, làm bao nhiêu năm không xong !

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạt nhân” của miền Trung

Nghị quyết 26, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị định hướng cho Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Thừa Thiên Huế - thành phố văn hóa di sản nằm giữa khu vực miền Trung với những tiềm năng, lợi thế riêng có đang đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế toàn vùng.

“Hạt nhân” của miền Trung
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới

TIN MỚI

Return to top