ClockThứ Hai, 09/05/2022 05:52

Ký ức gióng mây

Tiến sĩ Thái Kim Lan dựng lại nguyên một “dàn” những gánh hàng ăn Huế trong khu vườn cổ tích của mình nhân khai trương Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương. Giữa vườn cây xanh mát, nam nữ khách quý với áo dài, khăn đóng là lượt bỗng trở về tuổi thơ hồn nhiên khi vây quanh những gánh hàng ăn “của Huế xưa”, “nũng nịu” bên những mệ, o ngồi bán mặc áo dài. Chỉ vậy thôi mà mọi người gần nhau chi lạ.

Nhìn những đôi gióng mây, nhớ cách đây cũng sáu năm, tôi chở người bạn “xa quê Huế hai mươi năm” đi ăn bún mệ Kéo ở đầu đường Bạch Đằng. Mệ Kéo bán bún trong ngôi nhà rường cổ, khách ăn là những người mê và ghiền hai vị đặc trưng của bún Huế là vị ruốc và đặc biệt là vị cay, cho nên khách của mệ đa phần là “người Huế gốc ớt” hoặc là khách “ăn được cay”.

Vừa dựng xe xong, chưa kịp băng qua đường để vào quán, bạn đã reo lên:“ Ôi, bây chừ vẫn còn những mệ Huế gánh bún bằng gióng mây hả?”. Tôi mỉm cười “Còn chơ. Thấy vui không?”, bạn cười thích thú “Trời ơi, chưa ăn mà nhìn thấy đôi gióng là đã thấy ngon rồi”. Hôm ấy, bạn bảo “đã ăn được tô bún Huế đúng ý “đêm nhớ, ngày thèm” khi ở đất khách và bạn cũng chụp nhiều ảnh về đôi gióng mây, cái nồi bụng tròn nấu bún của mệ Kéo và cả hình mệ tóc bạc lòa xòa trên trán, miệng cười để lộ những chiếc răng đen. Khi về nhà, bạn xem đi xem lại những bức ảnh rồi thẫn thờ “Mình sợ rồi sau này sẽ không còn ai gánh hàng ăn bằng gióng mây như thế này nữa cho nên những bức ảnh này sẽ trở thành hàng hiếm, bạn tin mình đi, ngay bây giờ cũng đã vắng dần những người nhuộm răng đen”.

 

Và câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa” của chúng tôi, những người thuộc thế hệ gen X (nói theo cách thời thượng bây giờ, là những người sinh từ năm 1965 đến 1979) chuyển đề tài sang “nỗi nhớ” những gánh hàng ăn trên đôi triêng gióng ở Huế. Hồi ấy, đi đâu cũng đi bộ nên mấy mệ bán hàng ăn cũng phải gánh chạy bộ. Gióng mây mềm và dẻo dai nên ai cũng dùng gióng mây, không dùng gióng thép. Buổi sáng nào là bánh canh từ Thủy Phương, Thủy Dương, bún từ An Lăng, An Cựu, cơm hến từ Cồn Hến, xôi bắp theo chân các mệ, các chị “chạy” khắp thành phố kịp cho học sinh ăn đi học, người lớn ăn đi làm. Nhà bạn ở phố nên buổi sáng bạn thường chờ gánh bún của o Hoa ở An Cựu lên. Tôi thì thường chờ gánh xôi bắp của mệ Như, nhà mệ ở La Ỷ nên mệ đi bán rất sớm, 5 giờ sáng là đi ngang nhà tôi nên có những ngày tôi chờ mệ khi trời còn chưa tỏ, phải nghe tiếng dép rồi mới nhận ra mệ khi ở thật gần.

Hồi ấy, người bán hàng ăn rất ít. Các mệ, các o thường bán theo một trục đường hoặc “chốt” xóm, khu vực nào đó nên cứ nhắc tên một người là rất nhiều người nhớ và thi nhau kể. Người bán thuộc cả sở thích và “nết” ăn của từng vị khách, từng gia đình. Bán riết thành thân quen, các cụ coi như con cháu trong nhà nên mấy o bán hàng hay bị các cụ mắng yêu vì đến chậm làm mấy cụ chờ lâu.

Bây giờ du lịch phát triển, nhu cầu ẩm thực tăng cao, việc bán hàng ăn cũng phát triển theo hình thức mới, phù hợp. Nhiều người mở quán bán ngay tại nhà, khỏi mất công gánh hàng đi. Người có vốn thì thuê mặt bằng mở quán, như vậy cũng khỏi phải gánh hàng “chạy rã chân, mòn cả hai vai áo” như lời tâm sự của mệ Kéo về những ngày đầu bán bún “chạy”. Chỉ một số ít còn giữ việc bán hàng gánh và đôi gióng mây vẫn gắn bó với họ, nhưng bây giờ cũng hiếm thấy ai gánh hàng bằng gióng trên đường, các mệ các o chở hàng bằng xe xích lô, xe ba gác và cả xe máy đến điểm bán. Tôi đã từng ấn tượng với hình ảnh mệ Kéo ngồi cao như “nữ hoàng” trên xe xích lô, phía trước là đôi gióng mây và nồi bún với thanh củi cháy đỏ đang tỏa khói trắng, thêm một đốm lửa nhỏ và làn khói điếu cẩm lệ của mệ cùng đi qua cầu Trường Tiền trong một buổi sớm mai sương giăng, đẹp “đậm màu Huế xưa” luôn.

Bây giờ, đôi chân tôi thỉnh thoảng cũng bắt đầu lên tiếng “tui nhức mỏi rồi à nghe”. Tôi nghe trong từng ký ức về những gánh hàng ăn, những đôi gióng mây có thêm vị mặn của cuộc đời mà đến lúc “mỏi gối” mới thấm. Cũng còn may, “có hiểu mới thương” như lời mạ tôi thường nói. Và tôi nhận ra những người thuộc thế hệ gen X ở Huế có thêm một ký ức chung, là gióng mây. Không ai muốn mất gióng mây trong đời sống hiện đại và chắc cũng không ai muốn thấy gióng mây “chạy” xuôi ngược, kĩu kịt trên đường dài.

XUÂN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top