ClockThứ Tư, 25/03/2020 13:45

Ký ức ngày về

TTH - Đầu năm 1947, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ba mạ tôi “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.

Phát huy truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế giàu mạnhKý ức tháng 3

Hai ông bà đều gia nhập Trung đoàn 101 Trần Cao Vân, theo kháng chiến lên rừng. Đơn vị vừa hành quân, vừa chiến đấu tại các chiến trường liên khu 4 và nước bạn Lào. Sau đó ông bà được tổ chức bố trí công tác tại Hà Tĩnh và Nghệ An. Tôi được sinh ra và lớn lên ở đây.

Ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Đáp ứng tình cảm của bà con ruột thịt hai miền sau mấy chục năm xa cách, Đảng và Nhà nước chủ trương cho tất cả cán bộ, công nhân công quê ở miền Nam được nghỉ "phép đặc biệt” để về thăm quê. 

Cuối tháng 7/1975, ba mạ và tôi từ Nghệ An vào Huế thăm quê.

Vào đến cầu Hiền Lương (Quảng Trị), không ai bảo ai, mọi người đứng dậy ngắm cây cầu và con sông Bến Hải. Nhiều người không ngăn nổi nước mắt. Con sông không rộng nhưng đã chia cắt bà con ruột thịt hai miền đằng đẵng 21 năm (1954-1975).

Lần đầu tiên tôi trông thấy cầu Hiền Lương nhưng cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động. Vì nó mà đại gia đình tôi bị chia cắt, người Bắc, kẻ Nam. Miền Bắc thì bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá vô cùng ác liệt; miền Nam thì quân đội Mỹ chiếm đóng, tàn phá. Hai miền không liên lạc được với nhau. Không ai biết bà con mình sinh hoạt như thế nào, sống chết ra sao...

Hôm đó, khoảng hơn 9 giờ tối thì xe bắt đầu vào đến địa phận TP. Huế. Trên đường từ An Hòa vào bến xe Nguyễn Hoàng, mạ tôi luôn miệng thốt lên “Huế đẹp! Huế đẹp quá! Vẫn như hồi mình ra đi”. Khoảng gần 10 giờ thì về đến bến xe Nguyễn Hoàng.

Ba mạ và tôi băng qua đường đến đầu cầu Mới (cầu Phú Xuân) thì gặp mấy anh bộ đội đội mũ cối có gắn sao đứng gác. Trông các anh đẹp quá, hùng dũng quá. Tự nhiên cả nhà thấy yên tâm và quá đỗi thân thương khi chúng tôi chào, các anh gật đầu chào lại.

Chúng tôi vừa đi bộ qua cầu, vừa nói chuyện và hít thở không khí trong lành toát lên từ dòng sông Hương thân thương. Qua khỏi cầu, theo đường Lê Lợi đi về hướng Đập Đá, đến trước khách sạn Morin, cả nhà dừng lại ngắm cầu Trường Tiền. Một cảm giác lâng lâng, xúc động dâng tràn, tự nhiên ai cũng rơm rớm nước mắt…

Vào kiệt đường Nguyễn Thị Giang (nay là đường Võ Thị Sáu) và gõ cửa gian đầu tiên của một dãy nhà chung cư 5 gian. Khi đó là gần 11h đêm nhưng bà nội tôi và cả nhà vẫn còn thức. Hình như linh tính mách bảo chúng tôi sẽ về nên chưa ai đi ngủ cả. Nghe tiếng gọi, anh Nguyễn Đức Hải, con rể ông bác tôi ra mở cửa. Cả nhà mừng rỡ, ôm nhau khóc. Khóc nhiều nhất là ba và bà nội tôi. Thấy vậy, mạ tôi và tôi cũng không nén nổi xúc động, nước mắt tuôn trào.

Ở Huế mấy hôm, chúng tôi lại lên đường vào Đà Nẵng rồi Nha Trang, Biên Hòa và TP. Hồ Chí Minh để thăm bà con. Tại các địa phương này, tôi được gặp nhiều bà con cô bác lần đầu; được người nhà chở đi tham quan Dinh Độc lập và một số danh lam thắng cảnh khác.

Thấm thoắt, một tháng “phép đặc biệt” trôi qua, chúng tôi mất hơn hai ngày để xếp hàng mua vé xe ra Vinh.

Quãng đường từ Huế ra Vinh chỉ khoảng 360 km nhưng lúc bấy giờ đường vừa xấu, vừa hẹp, lại có nhiều hố bom do máy bay Mỹ để lại, phải qua ba chuyến phà (Gianh, Ròn, Bến Thủy), rồi ở lại đêm trên đèo Ngang nên sau 2 ngày mới ra đến Vinh. Chúng tôi xuống xe, về lại đơn vị nơi tôi công tác, kết thúc chuyến đi.

Từ đó đến nay, mỗi lần có dịp ra Bắc, tôi lại cho các con, các cháu đi cùng và cứ qua cầu Hiền Lương là xuống xe, rảo bước qua cầu để ngắm Cột cờ, Đồn Công an phía Bắc, vết tích đồn cảnh sát bờ Nam, tham quan bảo tàng và nhiều địa danh lịch sử khác.

Nghe thuyết minh, giảng giải, chúng tôi, đặc biệt là các cháu rất tự hào, xúc động và cảm nhận sâu sắc hơn, rõ ràng hơn ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương đất nước của bà con Vĩnh Linh thân yêu. 

Chuyến thăm quê sau gần 30 năm xa cách cách đây tròn 45 năm nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng không thể nào quên về tình cảm quê hương, đất nước, tình ruột thịt, máu mủ giữa bà con hai miền Nam - Bắc.

Nguyễn Vĩnh Lộc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa

Nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ Văn Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ca khúc “Tiến quân ca” của ông được chọn là Quốc ca Việt Nam. Năm 2023 là tròn 100 năm ngày sinh của bậc tài danh ấy (15/11/1923 - 15/11/2023).

Văn Cao và ký ức thơ, nhạc, họa
Return to top