ClockThứ Năm, 20/08/2015 07:38

Làm vành nón Huế

TTH.VN - Những năm gần đây, vì thu nhập thấp, nhiều người làm nón Huế tìm kiếm một việc làm khác, nghề làm vành nón Huế vì thế ít dần. Một số hộ chuyển sang làm vành bán cho thương lái ở Quảng Bình. Trong điều kiện đó, thợ làm vành có cơ hội so sánh được chất lượng của vành nón Huế.

Thăng trầm nghề làm vành

Chúng tôi tìm đến thôn Dạ Lê, xã Thủy Vân (Hương Thủy), nơi còn nhiều người thợ làm vành nón Huế, gắn bó lâu đời với nghiệp cha ông. Người dân nơi đây không biết chính xác “tổ nghề” là ai, nhưng đoán chừng chính quê hương họ là nơi xuất xứ của vành nón Huế.

Nghề làm vành nón Huế ở thôn Truyền Nam (Phú An) không còn nhộn nhịp như trước đây

 
Những năm sau ngày đất nước giải phóng, nghề làm vành trở thành nghiệp mưu sinh của người dân Dạ Lê, ban đầu phục vụ việc chằm nón tại gia và bán lẻ. Lâu dần, mối lái tìm đến, địa phương này trở thành địa chỉ uy tín của vành nón Huế. Ông Nguyễn Văn Sen (64 tuổi), có 25 năm trong nghề kể: “Hồi trước, Dạ Lê là nơi tập trung tre lồ ô về để làm gót, từ nguồn tre này, người ta làm thêm vành, hình thành nên nghề cho đến bây giờ”.
Trước đây, thuận lợi nhờ học cách làm nhanh, dễ tranh thủ thời gian làm thêm việc nhà và đồng áng, mùa hè học sinh nghỉ học phụ thêm cha mẹ, đồng thời thu nhập từ nghề nón sống được nên số lượng người làm nón Huế khá nhiều, tập trung lớn ở các vùng nông thôn, nghề làm vành nhờ đó có điều kiện phát triển.
Thời điểm thịnh nhất của nghề làm vành nón cách đây khoảng 10 năm, lúc đó ở Dạ Lê có đến vài chục hộ theo nghề làm vành nón Huế. Những người làm vành nơi đây kể, giai đoạn vành bán đắt, họ tập trung nhiều người trong gia đình, thậm chí thuê người làm, mỗi ngày sản xuất khoảng 500 bộ vành.
Vành nón Huế thường sử dụng 16 cỡ, trong đó 4 cỡ do người chằm nón tự làm, 12 cỡ còn lại, người thợ phải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành chiếc vành: chọn mua tre – chẻ tre – vót bằng rựa – chuốt, riêng 3 vành lớn nhất phải chuốt 2 lần để tạo độ tròn và lán.
Dụng cụ nghề làm vành đơn giản, chỉ có rựa, kềm và bàn chuốt, trong đó nguyên liệu làm bàn chuốt duy nhất có thể sử dụng là mũ sắt của Mỹ rất khó kiếm, các loại khác nhanh vỡ lỗ chuốt nên không thể sử dụng được.
Ông Nguyễn Văn Diện, người làm vành nón ở Dạ Lê trầm ngâm: “Nghề cha ông một thời làm cả làng giờ đây người ta bỏ dần vì khó kiếm ăn, người chằm nón cũng chuyển sang nghề khác. Bây giờ, Dạ Lê chỉ còn khoảng chục hộ trụ lại với nghề”.
So sánh với cách làm vành ngày xưa, ông Diện phân tích tiếp, 20 năm về trước, nghề làm vành đơn giản hơn, không cần phải sử dụng bàn chuốt, chỉ dùng rựa vót rồi áng chừng thấy tròn là đủ. Giờ đây, thị trường khó khăn, người chằm chiếc nón muốn đẹp yêu cầu bắt buộc bộ vành nón phải “xuất sắc” hơn. Vì thế hình thành thêm công đoạn chuốt. Ngoài cái khó từ việc tìm nguyên liệu làm bàn chuốt, cũng phải tỉ mẫn để đục lỗ bàn chuốt, sao cho 12 cỡ trên bàn chuốt nhỏ li ti phải có kích thước to nhỏ phân biệt, tỷ lệ cân đối.
Người làm vành ít dần, số lượng sản phẩm cũng không được như lúc trước. Bà Lê Thị Hoa (60 tuổi) kể: “Có thời điểm họ đặt nhiều, bán lẻ cũng được nên huy động thêm con cái làm, mỗi ngày ít lắm cũng được 300 bộ. Giá mỗi bộ bình quân 1.300-1.500 đồng, trừ các khoảng chi phí kiếm được 150.000-200.000 đồng/ngày. Bây giờ mỗi ngày chỉ làm khoảng 100 bộ, thu nhập vài chục nghìn đồng một ngày”. Tiếp mạch câu chuyện, ông Diện than thở: “Mùa đắt hằng năm từ tháng 2-6 âm lịch và những ngày học sinh nghỉ hè chằm nón nhiều. Nhưng bây giờ mùa mô cũng ế, chỉ làm bán sĩ, ra chợ bán lẻ chẳng được bao nhiêu”.
Chất lượng vành nón Huế
Hỏi đến vùng làm vành nón hiện nay, người ta thường nhắc đến 3 vùng là Dạ Lê, khu vực phường An Cựu – Phước Vĩnh và làng Truyền Nam (Phú An). Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hai vùng còn lại làm vành Huế với số lượng ít, thì 4 cơ sở ở khu vực phường An Cựu – Phước Vĩnh đã chuyển sang làm vành bán cho thương lái Quảng Bình nhiều năm nay, có nơi sản xuất đến 2.000 bộ vành/ngày.

Cơ sở làm vành Quảng Bình của ông Lộc mỗi ngày làm ít nhất cũng được 500 bộ vành

 
Ông Đinh Văn Lộc, chủ cơ sở làm vành ở đường Duy Tân, phường An Cựu chia sẻ: “Trước đây tui làm vành Huế, do lượng khách ít, buôn bán khó khăn nên chuyển sang làm vành Quảng Bình. Ở đó khó kiếm nguồn tre lồ ô làm vành nhưng thị trường tiêu thụ vành nhanh, làm xong là đóng hàng chuyển ra”. Thương lái Quảng Bình bắt đầu vô đặt hàng từ năm 1990, nhưng khoảng 16 năm trở lại đây, thị trường Quảng Bình mới lấy nguồn vành từ Huế nhiều.
Nhìn vào hai bộ vành Huế và Quảng Bình, dễ dàng thấy rõ sự khác biệt. Theo những người thợ làm vành, sự khác biệt ấy có phần gắn liền với văn hóa người Huế. Vành nón Huế có kích thước nhỏ hơn, tỷ lệ chừng 7/10 vành Quảng Bình. Anh Đinh Văn Ấn, một người thợ làm vành Quảng Bình lý giải: “Do đặc trưng người Huế thích thanh cảnh, nhã nhặn nên chiếc nón họ đội cũng phải phù hợp với tích cách. Ngược lại, ở Quảng Bình cần sự chắc chắn, nên làm chiếc vành cho họ khá thô”.
Sự trái ngược của 2 loại vành hình thành cách làm khác nhau, ở chiếc vành Huế, đặc biệt là những chiếc vành cỡ lớn, người thợ phải chuốt 2 lần, sau đó lấy lóng (phần xơ tre được chuốt ra) để mài vuốt cho chiếc vành thêm lán và tròn. Riêng vành Quảng Bình chỉ cần chuốt 1 lần nên ít tròn, thậm chí có độ dẹt.
Ông Hồ Bỉnh, người làm vành thôn Truyền Nam nhấn mạnh: “Yêu cầu làm vành Huế phải đẹp, chuẩn, nhất là những vùng chằm nón đẹp như Mỹ Lam, An Lưu còn đòi hỏi cao hơn. Đi mua, họ nhìn vô từng chiếc vành là biết ngay đẹp xấu”. Cũng chính thị trường khó tính, người làm vành Huế phải đặc biết lưu ý đến công đoạn chọn tre, nguyên tắc bắt buộc là tre già, lóng dài và thẳng, đồng thời càng to càng tốt. “Nếu không may chọn phải tre non, mùa mưa nón sẽ yếu, vành dễ thâm mốc lan sang cả chiếc nón”, ông Bỉnh nói thêm.
Nghề làm vành cho Quảng Bình đơn giản, chỉ cần chú trọng số lượng nhưng không vì thế người thợ làm vành Huế đánh mất nghề cha ông để lại. Tâm sự với chúng tôi, không ít người cho rằng, thu nhập từ nghề làm vành hạn chế dần, nhưng đây là nghề chủ động được thời gian, có thể kết hợp với công việc khác. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn ruột tre bỏ từ nghề vành, họ chẻ que hương, lóng tre bán cho người trồng bông để gia tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Sen bày tỏ, gắn bó với nghề nón Huế cũng là cách gìn giữ nghề cha ông để lại và góp phần quảng bá hình ảnh nón Huế. Cuộc sống từ nghề làm vành Huế dẫu khó khăn hơn trước nhưng phải giữ được chất lượng nón Huế. Hiểu như thế nên người thợ làm vành nón Huế không chạy theo số lượng để giữ uy tín cho nghề và cho chiếc nón của quê hương.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5

Nhằm đảm bảo cấp điện trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 tới, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban chức năng, các đơn vị trực thuộc thực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu sinh hoạt, lễ hội của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30 4 và 1 5
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh
Return to top