ClockThứ Năm, 16/10/2014 14:28

Lặng lẽ tranh Huế

TTH - Dù là cái nôi của mỹ thuật với đội ngũ hoạ sĩ đông đảo, trong đó có không ít hoạ sĩ tên tuổi nhưng thị trường tranh ở Huế vẫn lặng lẽ.

Ế ẩm

Đó là tình trạng kinh doanh của hầu hết các gallery ở TP Huế hiện nay. Hiền – nhân viên bán hàng ở gallery Ta (đường Phạm Ngũ Lão) cho hay, cả ngày, thậm chí cả tuần cũng không có bóng dáng người khách nào vào xem tranh. Năm thì mười hoạ mới có nhưng thường là sau 10 giờ đêm. Năm ngoái, đến thời điểm này đã bắt đầu có khách vào ra nhưng năm nay vẫn ế ẩm.

Du khách xem hoạ sĩ Hoàng Thanh Phong (trái) vẽ tại gallery Gakka

Gallery Ta chuyên bán tranh sơn dầu và sơn mài, chủ đề tranh dân tộc, như: thiếu nữ, hoa sen, con trâu, phong cảnh, tĩnh vật… được khách Tây yêu thích. Ở đây bán đủ loại tranh với nhiều kích cỡ, từ bình dân chỉ 50 nghìn đồng (tranh giấy dó) đến cả 1.000 USD cho những bức tranh nghệ thuật có giá trị. Nhưng, những bức tranh có giá trị này hiếm lắm mới gặp khách (thường là khách Tây). Còn không cũng chỉ để treo cho… sang phòng tranh. Thế nên, chủ nhân phòng tranh cũng chỉ dám mua vài bức hoặc do các hoạ sĩ ký gửi. Để duy trì, chủ phòng tranh phải bán thêm các mặt hàng lưu niệm và quần áo.

Vắng vẻ cũng là tình trạng của Gallery Ngọc Diệp ở đường Hùng Vương. Chị Ngọc Diệp, chủ gallery kể: “Khoảng 3-4 năm trở lại đây, việc bán tranh khó khăn hơn, nhiều gallery mở ra cũng bị đóng cửa. Vì yêu nghề nên chị cố gắng xoay xở để đeo đuổi. Tiền mặt bằng 8 triệu đồng/tháng, chị phải bán thêm cà phê hay các thứ khác nữa để nuôi phòng tranh”. Hai năm trở lại đây, gallery Ngọc Diệp chuyển sang khai thác thị trường Việt, bán tranh làm quà tặng hay trang trí công sở, nhà cửa nên tranh của gallery Ngọc Diệp có nhiều loại để thu hút nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Bên cạnh một số dòng tranh đẳng cấp được một số nhà sưu tập nước ngoài tìm đến mua thì cũng có những bức tranh trị giá vài trăm ngàn, thậm chí vài ba chục ngàn để giới trẻ mua làm quà.

T.S Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế:
 
Làm từng bước
 
Đã đến lúc, Huế phải tổ chức đấu giá để tạo thói quen cảm nhận tranh và cạnh tranh lành mạnh trong việc sở hữu những bức tranh chất lượng, đồng thời để nâng vị thế của mỹ thuật.
 
Muốn tạo thị trường tranh cho Huế thì phải làm từng bước một. Phải có một bảo tàng mỹ thuật, có nhà triển lãm, có gallery được đầu tư, tạo được không khí sáng tác, có CLB sáng tác dành cho giới chuyên và không chuyên, liên kết tổ chức triển lãm trong và ngoài nước, trao đổi tranh sôi nổi, thỉnh thoảng tạo ra những cú đột biến về đấu giá… Lúc đó mới tạo ra được hình ảnh về mỹ thuật, thu hút sự quan tâm của công chúng, du khách, từ đó mới tạo ra điều kiện trao đổi và buôn bán tranh. Khi tất cả các điều kiện trên không có, mình cứ triển lãm rồi kêu gọi mọi người mua thì khó lắm.
 
Trang Hiền (ghi)
Gần đây, chị Diệp mở thêm Art Gallery Sonata tại nhà ở đường Lương Thế Vinh. Trong không gian rộng rãi này, chị muốn treo những bức tranh giá trị hơn nhưng cũng phải lẫn lộn tranh thị trường, bởi những tác phẩm giá 900-1.000 USD rất khó bán. Đôi khi có những bức tranh giá 500 USD, khách trả xuống 300 USD, chị bàn bạc với họa sĩ rồi đành gật đầu vì khó bán quá.

Gallery Gakka của đôi vợ chồng hoạ sĩ Hoàng Thanh Phong – Nguyễn Thị Huệ không đến nỗi vắng hoe khi toạ lạc ở Tả Vu, Đại Nội – nơi tập trung đông đảo khách du lịch vào tham quan. Tuy nhiên, anh cũng chỉ bán được những bức tranh giá vừa phải… Hoạ sĩ Hoàng Thanh Phong cho biết, khách mua tranh của anh chủ yếu là khách nước ngoài, chiếm đến 98%. Thế nên, gallery Gakka chỉ bán được vào mùa khách quốc tế. Vào mùa khách nội địa, anh chủ yếu vẽ chân dung kiếm tiền nuôi mặt bằng.

Tranh nghệ thuật khó bán

Số lượng gallery ở Huế chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung ở các tuyến đường đông khách du lịch. Tuy nhiên, các gallery này cũng khó khăn lắm mới trụ nổi. Ngoài gallery Bội Trân, New Space, các chủ gallery cầm cự bằng cách bán dòng tranh souvenir, tranh trang trí, đôi khi phải kết hợp với bán hàng lưu niệm.

Hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế cho rằng: “Huế không có thị trường tranh, đúng hơn là chưa có thị trường tranh nghệ thuật. Các gallery mở ra rồi cũng đóng cửa, chỉ một số gallery ở khu phố Tây còn tồn tại nhưng tranh ở đây không thể đại diện cho phong cách mỹ thuật của Huế, chất lượng không cao. Các gallery ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội rất chuyên nghiệp, tổ chức triển lãm, giới thiệu, quảng bá trong nước và nước ngoài. Trong khi phần lớn các gallery ở Huế chỉ mới dừng lại ở việc buôn bán như cửa hàng lưu niệm, không có hoạt động gì”.

Hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu cho biết thêm, tranh của họa sĩ Huế vẫn bán được nhưng không bán ở Huế. Họa sĩ thường bán tranh nghệ thuật qua mạng, qua mối quan hệ cá nhân hoặc đưa vào triển lãm, bán ở các gallery lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cũng có những nhà sưu tập trong và ngoài nước tìm đến những hoạ sĩ tên tuổi, như: Lê Thừa Tiến, Nguyễn Duy Linh, Ngô Tâm, Nguyễn Thiện Đức… để mua.

Cũng theo hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu, giá tranh bị khách hàng chi phối. Hoạ sĩ đưa ra giá nhưng khách trả xuống, vì khó khăn nên nhiều người chấp nhận bán. Vô hình chung, họ đã làm mất giá trị tranh của họ, trừ những họa sĩ đã định danh vẫn giữ được giá trị cho tác phẩm của mình.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top