Thế giới

Lo ngại về biến thể Omicron, nhiều quốc gia siết chặt hạn chế đi lại

ClockChủ Nhật, 28/11/2021 07:29
TTH.VN - Ngày 27/11, Australia và một số quốc gia khác đã áp đặt biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại từ các quốc gia miền nam châu Phi, sau khi phát hiện biến thể Omicron mới, biến thể đang làm dấy lên lo ngại toàn cầu.

Khẩn trương đánh giá hiệu quả thuốc, vắc xin với biến thể OmicronWTO hoãn họp trước lo ngại về biến thể mới

Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Brussels ở thành phố Zaventem, gần thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron, đồng thời cũng được tổ chức này xác định là "biến thể đáng quan ngại". Đáng chú ý, đây là "biến thể đáng quan ngại" thứ 5 được WHO xác định.

Theo đó, biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hơn so với các biến thể trước đây của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa biết liệu biến thể mới có gây ra tình trạng bệnh COVID-19 nặng hơn hay nhẹ hơn so với các chủng khác.

Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, và sau đó được tìm thấy ở Bỉ, Botswana, Israel, và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc).

Trong một động thái mới nhất, các nhà chức trách Hà Lan cho hay, 61 trong số khoảng 600 người đến thủ đô Amsterdam trên 2 chuyến bay từ Nam Phi vào ngày 26/11 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Các cơ quan y tế nước này đang tiến hành thêm xét nghiệm để xem liệu những ca nhiễm đó có liên quan đến biến thể mới hay không.

Bên cạnh đó, các nhà chức trách ở Đức và Cộng hòa Séc cũng cho biết, họ đã ghi nhận những trường hợp nghi nhiễm.

Cũng trong ngày 27/11, tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Y tế nước này Sajid Javid tuyên bố, 2 ca nhiễm biến thể Omicron mới đã được phát hiện. Cụ thể, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm biến thể này; trong đó có 1 ca nhiễm ở thành phố Chelmsford, và 1 ca nhiễm ở thành phố Nottingham.

Các biện pháp hạn chế đi lại

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Brazil, Canada và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại đối với các quốc gia miền nam châu Phi.

Ngày 27/11, Australia cho biết, họ sẽ cấm nhập cảnh đối với những người không mang quốc tịch đã từng đến 9 quốc gia miền nam châu Phi, và sẽ yêu cầu cách ly có giám sát 14 ngày đối với công dân Australia và những người phụ thuộc của họ về nước từ các quốc gia đó.

Trong một động thái liên quan, Nhật Bản tuyên bố sẽ mở rộng các biện pháp kiểm soát biên giới với thêm 3 quốc gia châu Phi nữa, sau khi đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Zimbabwe, Namibia, và Lesotho trước đó vào ngày 26/11.

Vương quốc Anh cũng sẽ đưa thêm Malawi, Mozambique, Zambia và Angola vào “danh sách đỏ” về hạn chế đi lại từ 4 giờ sáng ngày Chủ nhật (28/11). Điều này đồng nghĩa rằng, công dân Anh và Ireland trở về từ những quốc gia nói trên phải cách ly trong một khách sạn được Chính phủ phê duyệt trong vòng 10 ngày.

Danh sách này hiện đã bao gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.

Trong khi đó, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Oman và Hungary cũng thông báo các biện pháp hạn chế đi lại đối với các quốc gia miền nam châu Phi.

Đáng chú ý, biến thể Omicron xuất hiện trong bối cảnh nhiều quốc gia ở khu vực châu Âu đang phải đối phó với sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19. Trong đó, một số quốc gia đã tái áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xã hội, nhằm cố gắng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Áo và Slovakia đã áp đặt lệnh phong toả.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & The Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Những quốc gia mang lại cơ hội tốt nhất để xây dựng sự giàu có

Theo Tạp chí Bloomberg ngày 14/2, quốc gia tốt nhất để xây dựng sự giàu có cho nhiều thế hệ là Thụy Sĩ, khi quốc gia có dãy núi Alps này mang đến những cơ hội tốt nhất trên thế giới dành cho các gia đình mong muốn tìm kiếm nơi ở mới và tiếp cận nguồn thu nhập cao nhất, cũng như triển vọng nghề nghiệp tốt nhất cho bản thân và con cái.

Những quốc gia mang lại cơ hội tốt nhất để xây dựng sự giàu có
Return to top