ClockThứ Tư, 23/03/2022 05:37

Loại bỏ “sâu mọt” trong các cơ quan thực thi pháp luật

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nướcTăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan Nhà nước“Luật ban hành phải được chấp hành, thực thi nghiêm túc“

Vụ án “Đường Nhuệ”, có 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng Cảnh sát biển bị xử lý kỷ luật vì đã vi phạm nghiêm trọng trong thi hành công vụ. Ảnh: Tuoitre.vn

1. Ngày 23/2/2022, Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố 13 cán bộ công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Những cán bộ này vi phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Công an phường sau khi bắt đối tượng vi phạm ma túy thay vì xử lý theo quy định đã cho gọi gia đình lên nộp tiền rồi tha về, không xử lý.

Vụ án tha người trái pháp luật, thu tiền trái phép ở Công an quận Đồ Sơn được phát hiện từ 1 cán bộ làm nhiệm vụ tố cáo lên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Vụ án được khởi tố, bắt một loạt cán bộ, trong đó có nguyên Đại tá, Trưởng Công an quận và 8 cán bộ dưới quyền.

Cuối năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm của Tòa án tỉnh Quảng Ninh và 29 cá nhân của các cơ quan thi hành án 2 tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ đã giảm án, tha trước thời hạn cho Phan Sào Nam trong vụ đánh bạc qua mạng. Đáng chú ý là Nam chưa thi hành nộp tiền theo bản án, không đủ yếu tố giảm nhẹ đã được “lách” cho tha trước hạn.

Trong năm 2021, một Viện phó Viện Kiểm sát và Phó Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị phục hồi truy tố liên quan đến tội không khởi tố vụ án liên quan đến vụ “Đường Nhuệ”. Cũng trong năm 2021 đã có 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng Cảnh sát biển bị xử lý kỷ luật, khởi tố vì đã vi phạm nghiêm trọng trong thi hành công vụ.

Theo báo cáo tổng kết của Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2021, các cơ quan của Công an, Quân đội phát hiện 98 cán bộ, chiến sĩ sai phạm; Viện kiểm sát, Tòa án, thi hành án, thanh tra, kiểm toán xử lý 50 trường hợp; Viện Kiểm sát Nhân nhân tối cao đã khởi tố, điều tra 26 vụ án/32 bị can về tội tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

2. Vi phạm liên quan tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự ở Chương 23: “Các tội phạm về chức vụ”, Chương 24: “Các tội hoạt động tư pháp” và các tội danh khác có liên quan. Xử lý không đúng người, đúng tội, cố ý bao che làm nhẹ tội hoặc buộc tội chủ quan dẫn đến oan sai là đặc trưng của đối tượng loại này. Khách thể xâm phạm là sự hoạt động đúng đắn của cơ quan thực thi pháp luật, do những người tiến hành tố tụng, thi hành án gây ra. Phần lớn vi phạm là cố ý, biết rõ hậu quả nhưng cố tình thực hiện vì động cơ cá nhân, nhận hối lộ hoặc các hành vi trái phép khác. Phán quyết có tội hay không do tòa án nhân danh Nhà nước buộc tội nhưng vì chủ quan, tiêu cực dẫn đến xử lý trái quy định từ điều tra, khởi tố, truy tố đến tha người, xử lý tang vật, phạt tiền...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm, nhưng chủ yếu là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của cán bộ khi thi hành công vụ. Ngoại trừ một số trình độ chuyên môn yếu kém thì phần lớn là ý thức chủ quan, bị mua chuộc, biến chất, nhận hối lộ, không chấp hành nguyên tắc, chế độ làm việc. Mặt khác, các quy định, quy trình chuyên môn chưa đầy đủ, người vi phạm tìm mọi thủ đoạn tinh vi che dấu hành vi. Công tác thanh tra, kiểm tra bị buông lỏng hoặc bao che, “bảo kê” từ những ô dù lớn hơn đứng đằng sau.

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa trong vụ “đánh bạc ngàn tỷ” không thể tự ý làm trái nếu không có “che đỡ” của Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Chỉ thị 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử l‎ý các vụ án, vụ việc” đã chỉ rõ những tồn tại và đề ra quan điểm: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công l‎‎ý vì sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Những hành vi làm trái pháp luật phải được xem là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự trong sáng, nghiêm trọng nền tư pháp xã hội chủ nghĩa. Từ đó xác định nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội trên tinh thần phát huy tai mắt của quần chúng Nhân dân nhằm phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh. Trong giai đoạn thông tin nhanh, đa chiều như hiện nay, những vi phạm cần thiết phải xử lý sớm, có tính răn đe cao, gắn với khung hình phạt tăng nặng và được công khai để Nhân dân theo dõi. Vi phạm tư pháp do người nắm luật cố ý làm trái nên có thể xem đây là một loại “giặc nội xâm”, cần được phát hiện, xử lý không khoan nhượng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị tổng kết công tác nội chính năm 2021 đã xác định phương châm: “Thanh kiếm phải sắc, lá chắn phải vững và cái tâm trong sáng”. Đó là yêu cầu cao nhất nhằm bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, từng bước loại bỏ “sâu mọt” trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Ngày 5/4, Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp (Đảng ủy Khối) tổ chức hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 16 (khóa VII) nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 182 của Đảng bộ Khối về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Phải chi bình tĩnh để giải quyết

Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bàng hoàng khi mới đây, một thanh niên đã ra tay đâm chết một người chỉ vì va chạm liên quan đến giao thông. Sự việc đáng tiếc này sẽ không xảy ra, nếu như mọi người biết kiềm chế, bình tĩnh trong giải quyết mâu thuẫn; chớ liều lĩnh, manh động.

Phải chi bình tĩnh để giải quyết
Return to top