ClockThứ Bảy, 18/02/2017 05:56

Lời ru buồn trên vùng cao

TTH - Ở tuổi đẹp nhất của thời thiếu nữ, các em trở thành người mẹ suốt ngày với đàn con nheo nhóc. Chỉ vì hủ tục và sự thiếu hiểu biết về giới tính, nhiều trẻ em ở vùng cao phải trả giá quá đắt khi sớm làm vợ, làm mẹ.

Tuyên truyền chính sách dân số cho người dân Nam Đông

Nước mắt bà mẹ tuổi teen

Dễ bắt gặp hình ảnh nhiều bà mẹ trẻ địu theo sau đứa con nhỏ mặt mũi nhem nhuốc khi đi lên tuyến đường Hồ Chí Minh. Cứ hỏi chuyện cưới xin, con cái họ lại ngượng nghịu. Gặp Trần Thị L., xã Hồng Quảng (A Lưới), khi em đang địu con về nhà sau buổi chiều lên nương kiếm rau rừng. Ở tuổi sức sống, nhưng trông L. nhỏ thó, ốm yếu khi nghèo khó bủa vây. 20 tuổi, em đã là mẹ của hai con, đứa lớn gần 5 tuổi, đứa bé đang nằm nôi. Học lớp 11, L. và chồng đã nghỉ học giữa chừng để “về một nhà” trước sự hoan hỉ (?!) của người lớn.

Nhà L. vốn khó khăn, song vẫn chạy vạy ngược xuôi để nộp phạt cho làng. Gia đình hai bên gắng gượng làm cho con ngôi nhà bằng mấy tấm ván cũ nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Đôi trẻ bắt đầu cuộc sống mới, nhưng lại đi theo vết xe đổ của bố mẹ vì thuộc diện “3 không”: không nghề nghiệp, không đất đai, không vốn liếng. Mắt nhìn xa xăm như không biết tương lai về đâu, L. trải lòng: “Đôi khi em chạnh lòng, bạn bè học cùng lớp đã có nghề nghiệp ổn định, còn hai vợ chồng em lại sống khốn khổ thế này. Em suốt ngày ôm con dại, chồng đi mót sắn, mót củi trên rừng, cộng thêm tiền giữ bò thuê cho người ta cũng chỉ dám dè sẻn mua thức ăn tươi cho con”.

Trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng cao, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có giảm nhưng năm 2016 vẫn có 43 trường hợp tảo hôn mới, 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống mới. Nếu như tảo hôn trước đây do hẹn ước của cha mẹ thì nay nhiều trường hợp do tự nguyện. Theo bà Nguyễn Thị Sửu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hiện ở các huyện vùng cao vẫn còn tình trạng kết hôn theo phong tục, bởi lẽ đồng bào vùng cao có tập tục cưới nhau vào năm 12 tuổi. Ngoài ra, các yếu tố khác, như phim ảnh, mạng xã hội, kiến thức về sức khỏe sinh sản chưa có nên nhiều em mang thai ngoài ý muốn.

Những bé gái  13, 14 tuổi ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới mang thai không còn là chuyện hiếm. Có thai, các em giấu, khi gia đình phát hiện các em đã mang thai đến 5,6 tháng thì chuyện đã rồi nên đành cưới. Trần Thị Đ. (Thượng Nhật, Nam Đông), mới 22 tuổi nhưng đã lấy chồng được 6 năm kể lại: "Hồi ấy, bọn em còn nhỏ, bắt chước phim ảnh nên lỡ có thai. Bố mẹ không hề biết, đến tháng thứ 6 mới phát hiện ra nên phải cưới. Lấy nhau được 6 năm, có hai đứa con nhưng vợ chồng em thường xuyên cãi nhau do không có nương rẫy hoặc công việc mưu sinh. Chồng suốt ngày rượu chè, em thường bị bạn bè đồng lứa cô lập nên rất chán nản."

Lấy chồng sớm, phải gánh vác trách nhiệm làm vợ, thiên chức làm mẹ, nhiều em phải nuốt nỗi đau vào lòng. Ở lứa tuổi vị thành niên, cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ điều kiện sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai, do đó ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Buồn hơn, không thiếu trẻ chết ngay sau khi sinh ra. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ tử vong mẹ trong độ tuổi từ 15 - 19 tuổi cao hơn so với các bà mẹ trưởng thành. Nhiều gia đình tảo hôn thường có con sớm, đông con nên kinh tế gia đình càng khó khăn.

Tảo hôn giảm song chưa bền vững

Dẫu có nhiều giải pháp để đẩy lùi nạn tảo hôn, song vẫn chưa mang tính bền vững. Địa bàn vùng núi đi lại khó khăn, dân cư sống thưa thớt, nên khó tiếp cận người dân để tuyên truyền. Công tác dân số thường được tuyên truyền lồng ghép, song người trẻ ít đi họp, cha mẹ đi họp về lại xem nhẹ hoặc ngại nói chuyện về kế hoạch hóa gia đình cho con trẻ. Nhiều người cứ lắc đầu nguầy nguậy, cán bộ nói thì mình hiểu, nhưng mình không tài nào nói với con được, xấu hổ lắm. Anh Trần Viết Hưng, cán bộ chuyên trách dân số ở Nam Đông bộc bạch: "Chúng tôi đến tận từng nhà tuyên truyền vận động nhưng để thay đổi nhận thức của bà con là vô cùng khó khăn. Họ thừa nhận chúng tôi nói đúng, cho con tảo hôn là vi phạm pháp luật, nhưng khi chúng tôi về, đâu lại vào đấy cả. Nhiều cặp chẳng cần đăng ký và cũng không đi làm giấy khai sinh cho con".

Có quá nhiều việc phải làm để xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vấn đề đặt ra là làm sao để đồng bào nói đúng về độ tuổi khi kết hôn; làm sao để không còn chuyện “ăn cơm trước kẻng” trong học sinh, lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến tình thế gia đình buộc phải cho cưới? Các ngành liên quan đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm để cung cấp thông tin, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản đã đến với thanh niên vùng cao. Hương ước làng, thôn, bản văn hóa, tiêu chuẩn gia đình văn hoá... đều có cam  kết không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

UBND huyện A Lưới đã phê duyệt đề án “Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn giai đoạn 2013 - 2017, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên, hủ tục tảo hôn rất khó được xóa bỏ triệt để, vì có nhiều bản làng nằm sâu trong núi rừng vẫn còn giữ phong tục tập quán lạc hậu, trình độ của bà con còn hạn chế nên việc tiếp nhận thông tin tuyên truyền gặp không ít khó khăn... Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới cho rằng: "Chúng tôi tuyên truyền thông qua già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số để họ phổ biến cho bà con hiểu hơn về hủ tục này. Còn nếu mình chỉ nói chuyện với giới trẻ như giáo dục giới tính thì họ sẽ ngại, khó tiếp thu".

Trở lại thành phố khi mặt trời sắp lặn sau cánh rừng già, nhưng ánh mắt của người mẹ trẻ ngóng chồng đi làm về để có tiền mua sữa cho con cứ mãi ám ảnh. Tiếng hát hồn nhiên của thiếu nữ 16 tuổi ở A Lưới khiến lòng người chùng xuống: “Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn...”. Em hồn nhiên hát ru con mà ngay chính em cũng không lý giải được khi mình cũng rơi vào cảnh “bà mẹ trẻ con”.

HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm cách kéo giảm tảo hôn

Giai đoạn 2021 - 2023, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 61 trường hợp tảo hôn. Các ban, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm truyền thông và phòng, chống tình trạng này.

Tìm cách kéo giảm tảo hôn
Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và sinh con thứ 3 tại A Lưới

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới đã giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên. Từ đó, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và sinh con thứ 3 tại A Lưới
9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ

Tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, sau khoảng thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19, Hồ Viết Ái Duy (sinh năm 1997, dân tộc Pa Cô, trú thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm) quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ an toàn sinh học.

9X vùng cao khởi nghiệp với mô hình nuôi heo hữu cơ
Không cam chịu khi bị bạo hành

Bạo lực gia đình (BLGĐ) trở thành nỗi ám ảnh của phụ nữ vùng cao A Lưới. Các cấp hội phụ nữ và chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm thay đổi nhận thức, hướng tới “nói không với BLGĐ”.

Không cam chịu khi bị bạo hành
Khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng cao A Lưới

Ngày 11/11, Hội Nhi Khoa tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở Y tế tỉnh, Huyện Đoàn A Lưới tổ chức khám bệnh; tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn tại các xã miền núi, biên giới, huyện A Lưới.

Khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng cao A Lưới

TIN MỚI

Return to top