ClockChủ Nhật, 14/02/2021 13:42

Max và hành trình hồi sinh vùng cát ven biển

TTH - Với chuyên ngành học ở quê nhà về “Quản lý hệ sinh thái rừng cấp quốc tế”, Maximilian Roth dừng chân ở Việt Nam 10 năm, bám trụ ở Huế gần 5 năm nay để theo đuổi giấc mơ hồi sinh những vùng cát ven biển.

Phục hồi rừng tự nhiên trên cát sẽ tăng tính đa dạng sinh học

Max dành nhiều thời gian để nghiên cứu giống cây bản địa. Ảnh: Anh Tuấn

“Bà con có khi chưa am tường bằng Max”

Gặp Max - tên thân mật của Maximilian Roth, anh ít nói về mình nhưng lại say sưa khi nhắc đến dự án anh dành nhiều tâm sức - CFR (Thích ứng dựa vào hệ sinh thái ở vùng ven biển Bắc Trung bộ Việt Nam: Phục hồi và đồng quản lý cồn cát và rừng ngập mặn bị suy thoái) do Quỹ Sáng kiến khí hậu Quốc tế (IKI) - CHLB Đức tài trợ.

Năm 2015, Max khăn gói đến Huế với vai trò là nhân viên điều phối của Công ty Unique forestry and land use - CHLB Đức (gọi tắt Unique), đối tác chính cùng Viện Tài nguyên môi trường - Đại học Huế (IREN) thực hiện dự án CFR. Hoạt động đầu tiên của Max là chuyến rong ruổi cùng đồng nghiệp khảo sát những vùng cát ven biển Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền... nghe người dân kể về những loài thực vật trên rú cát. Sau mỗi chuyến đi, Max nhận ra nhiều thứ: đó là những loài cây trăm tuổi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, là người dân vùng rú vẫn nghèo trên vùng tài nguyên đa dạng...

“Rừng không phụ người khi biết đối xử tốt với nó”- một cụm từ mà Max hiểu kể từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học tại Đức. Kinh nghiệm chuyên môn cùng với sự hỗ trợ của nhóm điều phối viên dự án ở IREN, Max mạnh dạn đề xuất, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn cho cộng đồng, chính quyền địa phương về kỹ năng phục hồi chăm sóc, quản lý cây rừng trên cát; xây dựng các vườn ươm tạo cây giống bản địa thích nghi với thời tiết khắc nghiệt...

Max kể, hành trình thực hiện dự án gặp phải những rào cản như sự nhập nhằng giữa nhiều bên; hoặc chiếm dụng đất làm nghĩa địa, xây trang trại; người dân e ngại khi đưa cây con từ vườn ươm trồng ở rú cát trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Max và các cộng sự phải mất nhiều thời gian phân bố, điều chỉnh diện tích, rồi vận động, tuyên truyền trồng, quản lý theo quy chuẩn của CFR; trong đó kỹ thuật trồng theo cụm nhiều loài mà không trồng theo hàng như cách truyền thống... Theo Max, phải để những người dân sống gần rừng, dựa vào rừng và chính quyền địa phương biết giá trị của rừng, họ mới trân quý, bảo vệ rừng tốt hơn.

Đến thời điểm này, dù CFR chưa kết thúc, nhưng đã có trên 400ha rú cát ven biển ở huyện Phong Điền và một số địa phương của tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình được phủ xanh. Một trong những người tiếp xúc và làm việc cùng Max, ông Nguyễn Xuân Tam, thôn Lương Mai, xã Phong Chương (Phong Điền) thán phục: “Sống nương nhờ rú cát gần trọn cuộc đời, nhưng có những cái bà con có khi chưa am tường bằng Max. Anh nói về đặc tính loài, điều kiện thổ nhưỡng bài bản... Hướng dẫn cách trồng, chăm sóc rất thuyết phục. Chúng tôi “vỡ lẽ” nhiều điều và quyết giữ gìn, phục hồi thành công rừng bản địa”.

Đất bén chân, dân là động lực

Trước khi đến Huế, Max đã làm việc nhiều nơi ở Việt Nam như Sóc Trăng, Quảng Bình theo chương trình dự án của một tổ chức quốc tế về phục hồi rừng và đa dạng sinh học tại tiểu vùng sông Mê Kông. Khi Unique chọn Thừa Thiên Huế để triển khai một số dự án lâm nghiệp, Max nghĩ đến Huế như một dịp dạo chơi nào ngờ đã bén chân cùng đất này đến hôm nay.

Max trải lòng, nhận nhiệm vụ ở Huế, anh không nghĩ sẽ thích nghi nhanh như vậy. Đội ngũ các chuyên gia lâm nghiệp, môi trường của IREN (Viện Tài nguyên môi trường - Đại học Huế) hỗ trợ khá ăn ý giúp anh vượt qua nhiều khó khăn. Mỗi khi về cơ sở, gặp những người lao động thật thà chất phác, hào hứng đồng hành ủng hộ dự án, kể cả các mệ ngoài 60, 70 tuổi. Những con người bản xứ bình dị ấy mang lại cho anh nguồn cảm hứng, động lực cho công việc.

“Mình thích nhất ở Huế vì Huế rất yên bình, trong lành. Bây giờ đi đâu lâu là mình muốn nhanh nhanh về Huế. Vợ mình người gốc Bắc cùng hai con nhỏ giờ cũng quen với môi trường sống, công việc, bạn bè, thầy cô ở Huế. Bố mẹ mình từ Đức sang thăm cũng rất yêu thích và quyến luyến Huế”, Max nói.

Một cộng sự nhiều năm với Max ở dự án chia sẻ: “Max luôn vui vẻ năng động, làm việc chuyên nghiệp. Qua tháng năm trải nghiệm thực tế, học hỏi từ các nhà chuyên môn, giảng viên lâm nghiệp ở viện, khoa, trường đại học ở Huế, kiến thức về ươm cây con giống, kỹ thuật trồng... được Max tích lũy và vận dụng hiệu quả vào dự án”.

Hơn 580.000 cây con giống bản địa của 25 loài được ươm, trồng thành công trên 400ha và sắp tới sẽ đạt con số 500ha ở các vùng cát một phần có sự đóng góp không nhỏ của chàng trai 34 tuổi này. Dự kiến, công việc của Maximilian Roth vẫn còn kéo dài, bởi Thừa Thiên Huế là đối tác chiến lược của Unique trong mở rộng phạm vi vùng cảnh quan, kết nối các chương trình quốc tế bảo vệ vùng cát ven biển và sẽ tịnh tiến lên khu vực rừng núi với các dự án khác.

Hiện, Unique và IREN đang tư vấn cho dự án “Hiện đại hoá ngành lâm nghiệp” (FMCR) do WB tài trợ nhằm phục hồi rừng tại 8 tỉnh, thành khu vực ven biển Bắc miền Trung dựa trên mô hình mẫu của dự án CFR.

Theo Max tính toán, trong vòng khoảng 10 năm sẽ cho khai thác cây keo gỗ lớn; khoảng 20 năm sẽ khai thác các loài cây bản địa trồng xen keo. Lợi ích về kinh tế khả năng tương đương hoặc hơn trồng cây ngắn hạn, chưa kể thu lợi từ lâm sản ngoài gỗ.

Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hải quân Nhân dân Việt Nam: 69 năm hành trình giữ biển

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”; trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Hải quân Nhân dân Việt Nam 69 năm hành trình giữ biển
Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1

Ở bên kia thị trấn từ Đường đua Suzuka của Nhật Bản, nơi sẽ tổ chức Giải đua xe F1 Grand Prix vào ngày 7/4 tới đây, nghệ nhân Kenji Tanaka đang hoàn thiện mô hình giấy F1 mới nhất cùng hy vọng sẽ thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với một nghề thủ công có tuổi đời hàng thế kỷ.

Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1
Return to top