ClockThứ Hai, 04/02/2019 10:36

Mẹ

TTH.VN - Mẹ thua ba 4 tuổi, lấy ba hồi 1954, tính đến nay đã sống bên ba 50 năm, bởi có 15 năm hai người phải phải xa nhau vì nội chiến. Mẹ thương ba, và mẹ cũng thương tôi.

Nghe các cụ lớn tuổi ở làng kể, ngày trước mẹ đẹp, nhà ngoại mấy chị em đều đẹp, nhiều người theo. Ông ngoại hỏi, (đại ý) chừ mi ưa thằng mô, mẹ đáp "cha vẽ răng thì con nghe rứa".

Hồi ba còn là học trò ông ngoại, chắc 2 người chưa có gì. Nhưng sau, nghe dì ruột kể, ba mi đi hoạt động chi đó, có thấy tăm hơi mô. Lâu lâu lại thấy anh xuất hiện vào đêm khuya, áo còn khô nhưng đầu và quần ướt sũng, ghé qua nhà. Thì ra, do né "phía bên kia", mà ba tôi ngày ấy phải ôm thân cây chuối bơi từ một làng khác sang bãi tha ma của làng mình, rồi từ đó bơi tiếp ngang sông Ô Lâu, để sang làng Phước Tích gặp mẹ. Dì nói, mẹ mi chịu lấy ba mi, vì ba mi đẹp trai trong làng hồi ấy, mà thiệt, đi đám cưới mẹ mi mặc bộ đồ đen đen, còn chú rể thì không thấy mô, bởi còn mải mê trên chiến khu hoạt động. Đó là một đám cưới kỳ lạ, không hôn trường đơn sơ của 2 nhà nợi ngoại, lại không có mặt chú rể. Ba bảo rằng, trước khi mất, bà nội dặn lại "mẹ ưa con nớ", nên ba vâng lời. Đêm tân hôn ở chiến khu có cả sương lạnh và tình nóng, hôm sau 2 người phải tạm xa nhau, ai dè cuộc chia tay đó kéo dài tận 15 năm!

Tảo tần. Ảnh: Văn Đình Huy 

Chiến tran, ba ở ngoài Bắc, mẹ ở trong Nam. Ngày ấy mẹ chỉ quẩn quanh trong làng, theo bà ngoại làm bún và đi bán, việc làm dâu đề huề dù chồng không bên cạnh. Lâu lâu nghe bảo mẹ đi Huế, Đà Nẵng, và đi tận cả Biên Hòa, Sài Gòn. Sau này, qua nhiều thông tin ráp nối, mình mới biết những chuyến đi ấy của bà là thực hiện nhiệm vụ.

Sau mùa xuân 1968, mẹ quyết định theo đường rừng, vượt vĩ tuyến 17, ra Bắc tìm chồng. Nghe, chuyến đi ấy cả trăm người, đi ròng rã gần 2 tháng trời, ra tới xứ Thanh còn đâu vài mạng. Mẹ kể ông bà ngoại cho đâu 2 chỉ vàng, thì 1 chỉ phải bán đi để mua thuốc gì bôi lên người làm da thịt trở nên xanh lè, tiệp với màu cỏ cây hoa lá, khó bị ai phát hiện. Chỉ vàng còn lại, dọc đường gặp người dân tộc đã đổi lấy sắn, bắp để ăn. 

Rồi mẹ gặp ba, người thanh niên khi ấy 38 tuổi, vẫn ở thế như 15 năm trước đó trong một căn phòng 14m2 giữa thủ đô Hà Nội. Mình ba, 14m2. Có thêm mẹ, cũng 14m2, sau này có thêm mình và cô em gái, cũng vẫn là 14m2. Túp lều 14m2 chứa 4 quả tim vàng!

Đất nước hòa bình, ba mẹ dẫn 2 con về lại quê hương sau hơn 20 năm ly tán. Ông bà ngoại nhìn mẹ hoảng hồn "răng mi còn sống", rồi nhìn anh em mình, bảo "phải con mi khôn", bởi khi sinh mình, mẹ đã 34 tuổi, sinh em gái năm 36 tuổi. Ở trong Nam, không ai đẻ con so trễ thế. Bởi thế, nhiều người đùa với mình từ 1975, đến nay mình còn nhớ, là "ba mẹ mi lượm anh em mi trong đống rác, chứ già rồi, đẻ được mô!".

Cuộc đời sóng gió, chung thủy chờ chồng và tìm chồng của mẹ, không cần thêm thắt, cũng có thể biên thành sách, dù rằng mẹ chả cần và chả quan tâm đến cuốn sách này, nếu có. "Cuốn sách" duy nhất vẫn chưa có chương kết, chính là cuốn - sách - cuộc - đời của mẹ, cũng như bao người phụ nữ tảo tần chung thủy khác sống quanh ta, hiền lành, đôn hậu, lo toan, và sống chả có tí gì cho mình. Đôi khi thấy mẹ già ngồi khâu lại đường chỉ tấm áo, cứ thầm mong đường kim mũi chỉ ấy cứ khâu đi khâu lãi tấm chân tình chan hòa hết thảy trong nhà. Cả cuộc đời chả làm điều chi to tát, chỉ vậy thôi, đã phong kín yêu thương rồi.

Bên nhau. Ảnh: Văn Đình Huy

Trong nhà tôi còn có cô em gái, thua tôi 2 tuổi, nhưng đôi lúc nghĩ, nếu nó mà là... chị của mình, thì mình còn được thương hơn nữa. Bởi có cái gì em cũng luôn nhớ và phần đến anh, từ cái kẹo tấm bánh ngày xưa, đến tận vô biên của nả dấu ái bây giờ.

Em ít nói, bao nhiêu phần miệng mồm liếng thoáng, anh đã giành bằng hết. Đời em khi tĩnh lặng, lúc phong ba, song em luôn biết gạt lệ quên đi sầu thảm, sống có chân có tình, và rất đỗi kiên cường. Ồ, cuộc sống chứ có phải trận đánh mô mà kiên với cường, nhưng cứ hãy biết chuyện đời của em, biết những gì em hy sinh, biết cách nào em đã vượt qua giông bão mà cuộc đời ập xuống ấy, mới thấy đời mình quá ư là may mắn.

Em có một công việc tuy vất vả song bình lặng, với duy nhất một nghề như ngày đầu em chọn. Đôi khi nhìn em tất tả, mình lại nghĩ, răng khổ ri hèo, nhưng lại nghĩ rằng, thôi miễn em vui với việc mình làm, chứ khổ đau gian khó em đã nuốt tận vào trong. Có hôm em thỏ thẻ nói với anh, mai anh đổi cho em chiếc xe tay ga một bữa vì em đi tiệc với bạn, mặc váy ngồi xe ga dễ đi hơn xe số. Ôi em ơi, hạnh phúc, với em, là bình dị đến thế thôi sao? Mà đúng vậy, chút nhỏ nhoi ấy cũng đã mạnh hơn tất thảy, đủ sức gạt đi mọi oan ức, oán hờn.

Lúc này, mẹ và em đang ngủ ngon, sân khu nhà vắng lặng. Lát nữa đây thôi mẹ sẽ dậy, lụi cụi trong bếp chuẩn bị phần cơm trong ăng-gô để em bới đi làm. Lát nữa đây thôi em cũng sẽ dậy, lo cho cái áo, cái quần, bữa ăn sáng cho cô con gái, tài sản quý báu nhất trên đời em có. Ngày mô cũng như ngày nớ!

Hãy cứ bình lặng sống như thế nhé, hai người phụ nữ mà tôi rất đỗi yêu thương, bởi tôi luôn mong muốn thấy những điều bình dị ấy mỗi ngày và thuần khiết.

Lê Hồng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quà tết dành cha mẹ

Từ nay em nghĩ “thoáng” rồi. Tết lo ít thôi, để còn du xuân, thong dong đây đó. Năm nay cả nhà đi du lịch một chuyến dịp tết.

Quà tết dành cha mẹ
Niềm tự hào của mẹ

Thấm thoát đã gần ba năm tôi xa nhà, xa quê hương, vào nhận công tác tại Huế. Mới ngày nào đó tôi nhận quyết định đi đơn vị mớ...

Niềm tự hào của mẹ
37 năm & vẹn nguyên một cảm xúc

Mưa bão là “đặc sản” của xứ Thừa Thiên này. Nó không hề xa lạ bởi năm nào không hẹn nhưng cũng đều đặn đến.

37 năm  vẹn nguyên một cảm xúc
Return to top