ClockThứ Năm, 17/04/2014 05:22

Một bến đợi neo lòng bao thế hệ…

TTH - “Lâu ni mi có dịp mô được đi chợ Đông Ba không? Răng tự nhiên tau thèm làm một vòng quanh chợ, rồi ghé xuống cái đòn, mần tô bún mắm nêm cho đáo khẩu…”. Nghe người bạn “than thở” với bà chị tôi ngay giữa đất Sài Gòn, tôi bỗng giật mình. Chợ Đông Ba, ngôi chợ mà có ngày tôi vài ba bận chạy qua chạy lại và thấy rất đỗi bình thường, ai dè lại ray rứt hoài niệm đến thế trong lòng những người xa Huế…

Chợt quay quắt nhớ về bà nội. Ngày còn sống, chuyện cúng giỗ trong nhà một tay bà lo liệu. Ai làm bà cũng không vừa ý, bắt “đứng đó mà coi, sau còn thay tau…”. Có khi đang chuẩn bị làm thức gì đó thì thiếu món này món khác, bà hoét mấy cô dâu ra chợ mua lẹ cho bà. Có cô lừng khừng hỏi mua đâu. Bà chắc nụi: “Qua Đông Ba. Chán vạn bên nớ!”. Sau này mạ tôi cũng hay nói “chỉ sợ không có tiền, chứ có thì qua chợ Đông Ba ưa mua chi có nấy”.

Chợ Đông Ba ngày nay

Lớn lên tôi mới hiểu, bà và mạ tôi không hề nói theo cảm tính. Bởi lẽ, từ lâu lắm rồi, chợ Đông Ba vốn được xem là trung tâm thương mại số I ở kinh đô Huế. Ở đó bán đủ mặt hàng, từ nông lâm thổ sản, cho đến hàng ngũ kim, hàng tiêu dùng, hàng ẩm thực, chén bát, vàng bạc… có hết. Vai trò trung tâm thương mại ấy được duy trì và lớn mãi. Cho đến tận bây giờ, khi mà hệ thống siêu thị đã xuất hiện và trở nên thân quen với nhiều người, thì chợ Đông Ba vẫn là chợ Đông Ba, không gì thay thế được.

Năm 2014 này, một sự kiện quan trọng sẽ đến với ngôi chợ danh tiếng này: Chợ Đông Ba tròn 115 tuổi. Đó là nói thời gian kể từ lúc chợ đứng chân tại vị trí hiện nay, chứ còn nếu tính niên tuế kể từ lúc hình thành thì Đông Ba còn cao tuổi hơn thế nữa. Theo các nguồn sử liệu, thì từ thời Gia Long chợ đã xuất hiện. Thoạt tiên, ngôi chợ tọa lạc bên ngoài cửa Đông Ba (Tên chữ là Chánh Đông môn – Cửa hướng chánh đông) và mang tên là chợ Quy Giả (Quy Giả thị - Chợ của những người trở về; (có thể) hàm ý việc Gia Long – Nguyễn Ánh đã giành lại được Phú Xuân từ nhà Tây Sơn và bắt đầu xưng đế (?)). Trong biến cố “thất thủ kinh đô” 1885, chợ bị đốt sạch. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành chợ Đông Ba. Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái cho chuyển chợ Ðông Ba ra địa điểm ngày nay. Câu ca “Chợ Đông Ba mang ra ngoài giại/ Cầu Trường Tiền đúc lại xi moon” là để chỉ sự kiện này. Đình chợ cũ trở thành trường Pháp Việt Ðông Ba. Bây giờ là vườn hoa Đông Ba. Theo mô tả, chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian... đều lợp ngói; giữa chợ có một toà lầu vuông, ba tầng, tầng dưới xây tường 4 mặt, mỗi mặt có trổ 2 cửa, tầng trên 4 mặt đều có cửa và đều có đồng hồ để điểm giờ. Trong chợ có một giếng đá và có hệ thống “máy” giúp cho việc lấy nước. Khi cần thì dùng tay quay máy, nước trong giếng sẽ tràn lên, phun ra.

Chợ Đông Ba đầu Thế kỷ XIX. Ảnh: St

Ðầu thế kỷ XX, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì bị bom Mỹ phá huỷ trong chiến dịch Xuân 1968. Sau đó, chính quyền Sài Gòn cho sửa chữa tạm để buôn bán.

Cầu Trường Tiền tròn 115 tuổi
 
Cùng với chợ Đông Ba, năm 2014 này, cầu Trường Tiền Huế cũng vừa tròn 115 tuổi. Cầu được khởi xây từ năm 1897 cho đến năm 1899 dưới thời Thành Thái. Hơn 1 thế kỷ soi bóng xuống dòng Hương Giang, cầu Trường Tiền như một chứng nhân của bao câu chuyện buồn vui xứ Huế. “Không chỉ có ý nghĩa về giao thông, cầu Trường Tiền còn là biểu tượng, là một phần làm nên “cốt cách và tâm hồn” Huế; một điểm nhấn của du lịch cho Cố đô…” Festival này, cầu Trường Tiền sẽ trở thành không gian nghệ thuật dưới bàn tay sắp đặt của các nghệ sĩ đến từ Pháp..
 
TS

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1987, chợ được đầu tư đại trùng tu. Trong thời gian xây dựng, chợ được chuyển tạm lên hoạt động ở công viên Phu Văn Lâu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ... với tổng diện tích mặt bằng xây dựng gần 15,6 nghìn m2. Tuy sửa chữa, xây dựng nhiều lần, hình thái hoạt động thương mại tiến triển phù hợp với nhịp sống từng thời, song, cốt cách, thần thái của chợ Đông Ba vẫn không hề thay đổi. Hay như có người nhận xét là “hồn xưa dấu cũ vẫn không nhạt phai…”. Cùng với Thiên Mụ, Trường Tiền, Vỹ Dạ… Chợ Đông Ba vẫn là một biểu tượng, một địa danh mà hễ nhắc đến Huế là ai cũng lại nhớ về…

Thời đại hội nhập và phát triển, cho dù ngày càng có nhiều siêu thị, nhiều cửa hàng cửa hiệu sang trọng và tiện dụng cho người tiêu dùng, song chợ Đông Ba vẫn tiếp tục giữ vai trò là một trung tâm thương mại lớn của thành phố Huế, không chỉ phục vụ cho dân cư trên địa bàn mà còn thỏa mãn nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách thập phương. Quy mô của chợ so với lúc được xây dựng mới cũng đã lớn hơn đáng kể. Theo số liệu từ Ban Quản lý thì hiện tại chợ Đông Ba tọa lạc trên một diện tích rộng đến 22.742 m2, kéo dài từ chân cầu Gia Hội cho đến gần cầu Trường Tiền. Mặt trước chợ là đường Trần Hưng Đạo, một trong những con phố đông đúc và sầm uất bậc nhất của Huế. Chạy bọc mặt sau là đường Chương Dương, kế tiếp là dòng sông Hương hiền hoà thơ mộng. Hiện trong chợ có hơn 2.700 lô hàng lớn nhỏ với 85 ngành hàng, từ mặt hàng cao cấp, xa xỉ đến mặt hàng bình dân. Chợ đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động phục vụ cho hoạt động kinh doanh và dịch vụ tại chợ. Mỗi ngày lượng du khách và người mua bán đến chợ lên tới trên 5.000 - 7.000 người.

Không chỉ là trung tâm giao lưu mua bán mà Đông Ba còn là một phần lịch sử không thể tách rời của Huế. Dư địa chí Thừa Thiên Huế ghi nhận: “Ngoài vị trí là một trung tâm thương mại lớn của tỉnh, với lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển chợ Đông Ba còn là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngay từ khi mới thành lập tiểu thương chợ Đông Ba đã tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh chống sưu thuế, chống bắt lính, ủng hộ hoạt động của các nhà yêu nước. Ngày 17 tháng 6 năm 1954, trên 400 tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia đoàn biểu tình hơn hai vạn người dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ Huế, ủng hộ quan điểm của Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Cuộc mittinh đã thắng lợi gây tiếng vang lớn trong cả nước, từ 1954 đến 1975 lực lượng tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia, tổ chức 255 cuộc biểu tình, xuống đường, sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân, trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai... Trong cuộc đấu tranh đó, nhiều tiểu thương đã trưởng thành và trở thành những cán bộ kiên cường của cách mạng, nhiều chị là cơ sở bí mật, nuôi giấu cán bộ, nhiều chị đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, mặc dù bị giam cầm, tra tấn tù đày nhưng chị em tiểu thương chợ Đông Ba vẫn trung kiên một lòng theo cách mạng, theo Bác Hồ. Những đóng góp của chị em tiểu thương chợ Đông Ba tô điểm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Ghi nhận những thành tích công lao đó, năm 1975 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã trao tặng chị em tiểu thương các chợ thành phố Huế nói chung, trong đó có sự đóng góp của chị em tiểu thương chợ Đông Ba phần thưởng cao quý Huân chương kháng chiến hạng nhất.”

Trong những ngày tháng Tư sôi động không khí Festival Huế 2014, chị em tiểu thương chợ Đông Ba hưởng ứng mặc áo dài, nhắc nhau lời ăn tiếng nói, mua bán ân cần, văn minh để lưu lại hình ảnh đẹp của ngôi chợ nổi tiếng xứ Huế trong lòng du khách ghé thăm. Từ cuối năm ngoái, BQL chợ đã phát động các hộ kinh doanh đăng ký xây dựng gian hàng văn minh và xây dựng chợ văn minh thương mại. Nhiều hộ đã làm bảng hiệu giới thiệu thương hiệu của mình; nhiều hộ tham gia giới thiệu hoạt động kinh doanh trên trang web của chợ tại địa chỉ http://chodongba.com.vn... Tất cả đang hướng về kỷ niệm 115 năm xây dựng và phát triển chợ Đông Ba (1899 – 2014).

Một trăm mười lăm năm đã trôi qua, chợ Đông Ba vẫn còn đó, duyên dáng soi mình xuống dòng Hương thơm mát, bao dung. Ngôi chợ như một bến đợi, mãi cứ neo lòng bao thế hệ những người Huế xa quê và cả những người trót một lần đến Huế…

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top