Thể thao

“Mùa cô-vít” nhớ bóng đá làng

ClockThứ Năm, 02/04/2020 07:19
TTH - Những ngày lo lắng với dịch bệnh, ai cũng nhớ và mong nhịp sống của những ngày bình thường sẽ nhanh chóng trở lại với tất cả mọi người. Với những người yêu thể thao ở nhiều vùng nông thôn, thì trong những ngày tháng ba vốn là mùa bóng đá, lại càng thêm nhớ không khí của những trận bóng ở làng quê.

Hoãn nhiều giải thể thao đỉnh cao Huế đăng cai trong tháng 4

 

Những mùa hè trước, đá bóng ở những bãi cỏ đất trống là thú vui của trẻ em vùng nông thôn. Ảnh: HOÀNG HẢI

Bóng đá thì ở nơi đâu cũng có, từ thành thị tới nông thôn. Nhưng mỗi vùng miền thì không khí bóng đá không hoàn toàn giống nhau. Nếu như ở phố, bóng đá được chơi bài bản ở các sân cỏ, sân nhân tạo; thì ở những miền quê, bóng đá có thể tổ chức ở sân đình, mảnh ruộng bỏ hoang hay ở một bãi cát, một con đường đất vắng người. Miễn sao có trái bóng và có một khoảng đất trống là có được niềm vui của trò chơi tập thể hấp dẫn này...

Là một người yêu bóng đá, thỉnh thoảng trên con đường từ phố về làng, tôi hay dừng xe lại ngồi xem một trận đấu của các em nhỏ ở một làng quê nào đó đang diễn ra ở một khoảnh đất nhỏ ven đường. Ở đó, tôi tìm thấy được niềm vui của một thời tuổi thơ đã qua. Trong những ngày Tết Canh Tý vừa rồi, ngang qua sân vận động xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền tôi được chứng kiến trận chung kết của giải bóng đá mùa xuân của xã. Trời mưa rét nhưng tinh thần thi đấu của các cầu thủ nghiệp dư vẫn bừng bừng khí thế. Xe ô tô, xe máy tập trung hai bên đường cổ vũ cho đội nhà. Tinh thần yêu bóng đá đã vượt qua được những yếu tố thời tiết. Mưa lạnh là thế mà khán giả vẫn đứng quanh sân và không ngớt tiếng reo hò cổ vũ...

Còn nhớ năm 2009, đội bóng của xã tôi đã vượt qua đội bóng xã Điền Hải để giành chức vô địch giải bóng đá nông thôn huyện Phong Điền. Trước trận chung kết, tôi được chứng kiến buổi họp chiến thuật của đội bóng xã nhà. Huấn luyện viên trưởng là anh Trần Hậu vốn là một cựu trung vệ của đội bóng xã Điền Lộc trong những năm 1980. Anh Hậu không nói nhiều về chiến thuật mà anh lại chỉ từng điểm mạnh của từng cầu thủ một. Tất nhiên, anh vẫn biết điểm mạnh của đội bóng xã tôi là hai cầu thủ chạy cánh. Nên anh kết luận buổi họp chiến thuật: “Cứ dốc bóng theo biên mà chạy, thấy khoảng trống thì chuyền vào, cao thấp chi cũng được. Tiền đạo phải tìm cách đứng trước hậu vệ của đối phương...”.

Trận chung kết diễn ra rất hấp dẫn, hai đội ăn miếng trả miếng. Là đội chủ nhà nên đội bóng xã tôi được sự cổ vũ mạnh mẽ hơn của số đông khán giả trên sân. Sau hiệp 1 không có bàn thắng nào, hiệp 2 thấy đội bóng xã tôi bắt đầu tăng tốc ở hai cánh. Và đúng như dự liệu của HLV trưởng Trần Hậu, từ một pha dốc biên, cầu thủ chạy cánh trái của đội bóng là Trương Hoành đã vượt qua sự đeo bám của đối phương và có đường chuyền vào trong cho tiền đạo dứt điểm ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu và giành chức vô địch năm đó. Đêm hôm đó, thanh niên xã tôi có một đêm không ngủ ca hát tưng bừng mừng cho chiến thắng của những chàng trai làng...

Sau khi giành chức vô địch, đội bóng đá xã Điền Lộc có bổ sung thêm một số cầu thủ xuất sắc khác của các đội bóng trong huyện đại diện cho huyện Phong Điền thi đấu tại giải bóng đá thanh niên tỉnh. Ngày đội nhà thi đấu, cả xã tôi gần như nghỉ công việc đồng áng. Người đi xe máy, người theo xe ca của đội bóng và của các mạnh thường quân, có người còn lái xe công nông lên phố coi các cầu thủ nhà thi đấu giải tỉnh. Buổi chiều hôm đó, tôi xuống sân ở Trung tâm Thể thao tỉnh gặp toàn người làng. Cả làng đi cổ vũ cho đội bóng thi đấu quê nhà với đội Hương Thủy. Nhưng tinh thần thì cao, trình độ chuyên môn thì có hạn, các cầu thủ quen đá chân đất của xã tôi không thể nào sánh được với các cầu thủ từng được đào tạo bài bản. Chỉ cầm cự được 15 phút đầu trận đấu, sau đó thủ môn của đội bóng Phong Điền cứ tha hồ mà lui sau lưới lượm bóng. Đội nhà thua te tua nhưng chẳng thấy cổ động viên mô buồn cả. Tan trận đấu, tôi bắt gặp những nụ cười tươi của những người đồng hương. Họ nói đội bóng quê mình có dịp mà vô đá sân Huế là ngon rồi, có thua cũng sướng chỉ hơi tiếc là chẳng ghi được bàn mô cả...

Bóng đá phong trào là một sân chơi. Chính từ sân chơi hào hứng này đã nuôi dưỡng được những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp sau này. Người dân Điền Lộc luôn tự hào là quê hương của các cầu thủ như tiền đạo Võ Lý hiện đang khoác áo cho SHB Đà Nẵng hay 2 anh em Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Trọng đang là trụ cột của CLB Huế. Những cầu thủ này cũng đã từng đầu trần chân đất quần nhau với trái bóng trên những mảnh ruộng ven sông hay trên bãi cát trắng ven biển.

Hàng năm, xã tổ chức giải bóng đá vào dịp đầu xuân thì Võ Lý vẫn là cầu thủ của đội thôn Giáp Nam hay anh em Văn Sang, Văn Trọng cũng là cầu thủ của đội bóng đá Mỹ Hòa. Họ bây chừ đã là cầu thủ “đá trên ti vi” nhưng với mấy cầu thủ ở làng thì: “Anh em đi mô thì đi chứ về làng thì cứ là cầu thủ làng. Chưa chắc họ đá trên sân làng hơn tụi mình à nghe!”. Bóng đá làng là thế, vui và đam mê là chính!

PHI TÂN 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ ngày “hóa rồng”

Biết dựa vào nội lực và đặt niềm tin vào lớp trẻ, bóng đá Huế đang có hy vọng “cá chép hóa rồng” và tạo được đột phá trong tương lai.

Chờ ngày “hóa rồng”
Đón chờ bất ngờ từ U13 Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có cơ hội thể hiện mình khi lần đầu tiên chính thức được góp mặt tại Giải bóng đá thiếu niên quốc tế U13 lần thứ 5. Hy vọng, sẽ có được bất ngờ đến từ các cầu thủ nhí Cố đô.

Đón chờ bất ngờ từ U13 Huế
Đá hay đó chơ!

Dự khán trận cầu đầu tiên trên sân Tự Do mùa giải mới, CLB Huế gặp CLB Phù Đổng Ninh Bình, tôi nghe nhiều lời khen từ khán giả Huế, vốn khá kiệm lời. Chứng kiến bàn thắng đẹp mắt mở tỷ số của “Voi rừng” Hồ Thanh Minh, chạy cắt mặt cầu thủ đối phương để đánh đầu ở góc hẹp từ quả từ quả đá phạt góc bên cánh trái vào phút 63 của trận đấu, nhiều khán giả cạnh tôi không dấu được cảm xúc: Đá hay đó chơ!

Đá hay đó chơ
Ấn tượng “lò” đào tạo bóng đá Huế

Cho dù còn khiêm tốn nhưng bóng đá Thừa Thiên Huế vẫn góp mặt đầy đủ ở các giải trẻ. Cũng đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ từ “lò” đào tạo bóng đá Huế.

Ấn tượng “lò” đào tạo bóng đá Huế
Return to top