ClockThứ Năm, 31/07/2014 11:02

Muộn còn hơn không

TTH - Trước tình cảnh nhiều bức trong bộ sưu tập tranh của cố họa sĩ (HS) Tôn Thất Đào - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường CĐ Mỹ thuật Huế bị hư hỏng, giới chuyên môn cho rằng, nên hành động sớm để có thể cứu vãn những gì còn lại…

Một trong số hơn 50 tác phẩm đang treo tại nhà cố HS

Gia đình đã làm hết khả năng

Trong căn nhà ở đường Mạc Đĩnh Chi (phường Phú Cát, TP Huế) những bức tranh của cố HS Tôn Thất Đào được treo trang trọng ở phòng khách và quanh án thờ. Bà Trần Thị Liên Phương, con dâu trưởng của cố HS, người trông coi ngôi nhà rất tự hào mỗi khi đón khách đến xem tranh. Bà kể: “Cơn đại hồng thủy năm 1999 đã làm hỏng số lượng lớn tranh lụa, những bức trên tường là tài sản hội họa mà ba chồng tôi để lại. Rất nhiều người tìm đến xin mua tranh, có người đến nài nỉ lần thứ 10 nhưng tôi không bán”.

Ông Tôn Thất Lục, con trai đầu của HS Tôn Thất Đào bị bệnh nặng nằm liệt giường 15 năm qua, bà Phương dành toàn bộ thời gian chăm chồng, nuôi hai con nên gia cảnh rất khó khăn. Tất cả những gì có thể làm để bảo quản tốt bộ tranh quý, bà đã làm nhưng chỉ trong khả năng của một người ngoại đạo về mỹ thuật. Hai năm một lần, bà mang tranh phơi úp ngoài nắng, lấy chổi lông quét nhẹ. Mỗi lần tích cóp được tiền, bà gọi thợ đến làm lại khung tranh. “Ba đợt làm khung các bức tranh trông mới sáng sủa lên một tý. Tôi làm mỗi lần một ít vì phần lớn tiền dành dụm ưu tiên chạy chữa, thuốc thang cho chồng”, bà Liên phân trần.

Việc phục hồi lại những bức ố màu, rách mép cần nhân lực lẫn vật lực

Do khí hậu Huế mưa nắng cực đoan, độ ẩm cao, bảo quản không đúng cách… nên nhiều bức tranh trong tình trạng bị xuống cấp. Tranh lụa của cố HS Tôn Thất Đào được xem là có giá trị cao cấp, giới sưu tầm lùng mua nhưng số tranh hiện tại đang được treo ở nhà thờ chẳng đáng là bao. 2-3 tác phẩm chất lượng còn tốt, chưa mất màu nhiều, tuy nhiên, nếu tác động vào như thay khung, thay tấm lót thì rất dễ hư hỏng. Riêng mảng tranh sơn dầu, một tranh treo ở bàn thờ còn tốt, những vị trí khác cũng đã bị bong tróc, rách mép, ố màu, bạc màu. HS Võ Xuân Huy, giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế xót xa: “Lần nào đến thắp hương cho thầy tôi cũng thấy nao lòng. Nếu không có giải pháp hữu hiệu và kịp thời thì tranh sẽ hư hỏng hoàn toàn trong vài ba năm tới. Tranh lụa sẽ hỏng trước vì chúng không thể kéo dài tuổi thọ trong điều kiện như thế này”.

Chung tay may ra còn kịp

Năm 2012, Cục Mỹ thuật Việt Nam và cán bộ Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch có về xem tranh và dự định phục hồi một số tác phẩm nhưng do gặp khó khăn về nhân lực, vật lực nên không thực hiện được. Một cán bộ ngành văn hóa cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung về kinh phí thì có thể tìm giải pháp khả thi bằng cách số hóa các bức tranh và tổ chức triển lãm quy mô hay in lịch… để đưa tác phẩm đến gần với công chúng. Đó cũng là cách làm sống lại những tác phẩm hội họa của người được xem là bậc thầy của mỹ thuật Huế.

Để cứu vãn bộ tranh, cần sự chung tay của nhiều người mới có thể làm được. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, việc đầu tiên là lập hội đồng đánh giá, phân loại những bức tranh của HS Tôn Thất Đào, chọn những bức giá trị phục hồi, trả lại nguyên trạng. “Trường ĐH Nghệ thuật nên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức một cuộc triển lãm quy mô trên cơ sở vận động những người từng mua tranh của HS Tôn Thất Đào tham gia. Có thể đấu giá một vài bức tranh để lấy kinh phí đầu tư, phục hồi cho bộ sưu tập. Người mua tranh đấu giá nên là một đơn vị nhà nước để chuẩn bị cho việc hình thành bảo tàng mỹ thuật tương lai”, HS Đặng Mậu Tựu nói thêm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đồng quan điểm: “Cần đặt vấn đề trong một tổng thể chung là cần một bảo tàng mỹ thuật để lưu giữ di sản mỹ thuật Huế tên tuổi, trong đó có những tên tuổi lớn như Tôn Thất Đào”.

Một họa sĩ trẻ lớp hậu sinh, lại có ý tưởng khác: Xét hoàn cảnh gia đình con trai thầy Tôn Thất Đào hiện nay, nên chăng tổ chức vận động trong giới họa sĩ hoặc trên các diễn đàn xã hội kêu gọi hỗ trợ về cả mặt vật chất lẫn tinh thần để có thể cứu vãn bộ tranh. Tất nhiên phải chọn người uy tín đứng ra kêu gọi, tổ chức. Một số cuộc vận động dành cho các nhà văn, nhà thơ xứ Huế đã thực hiện được thì với bậc thầy đào tạo nên nhiều họa sĩ nổi tiếng cho Việt Nam như cố HS Tôn Thất Đào thì tại sao lại không? Âu đây cũng là cách làm để những ai quan tâm, yêu mến hội họa Cố đô suy nghĩ.

T.Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top