ClockThứ Năm, 09/05/2013 08:34

Nắng bờ nam

TTH - Nhiệt độ Huế những ngày này luôn thường trực 35 đến 38 độ. Mới sáng sớm, đã rất đông “ninja” với váy áo chống nắng trên đường phố. Những rổ loa kèn gần như dại đi trên vỉa cầu Bến Ngự. Những cánh nón sậm mầu trên rổ cam, rổ ổi, rổ chuối...
Đang trong mùa thi công, đường Đống Đa đã vắng hàng đoác quen thuộc và đục lên mầu bụi. Những giàn giáo vội vã và những đường nét kiến trúc chưa định hình, nên cũng khó mà hình dung được dáng vẻ của phố. Chỉ tiêng tiếc đôi bờ cây xanh đoạn từ Khách sạn Festival đến Công an TP Huế. Cái bờ xanh mà nhiều người thường cho xe trôi vào để bớt một chút hanh hao. Ngoại trừ mấy dãy nhà của khu tập thể 5 tầng đang chờ cơ hội để dời đi ở phía cuối, đoạn đường này đã vui hẳn không chỉ vì hai hàng rào được trang trí rất vui mắt của Trường mầm non Hoa Mai và Mầm non 1, cả tiếng chuông reo hết tiết vọng ra từ Trường đại học Khoa học và tiếng trống trường rộn rã của Trường THCS Nguyễn Chí Diểu. Cả cái không khí chộn rộn mà nôn nóng khi phụ huynh ghé vào đón con sau buổi học...
 
 
Đường Lý Thường Kiệt rộng hẳn và đã mang một diện mạo khác khi có sự hiện diện của những dãy nhà cao tầng. Những bông osaka màu đỏ cam trên hai dãy cây mang đến cho phố một màu nắng khác. Mới hơn, trẻ hơn. Cây cũng còn mảnh dẻ đến độ chưa thể tạo vệt vào ký ức. Vài lần chạy xe qua giữa chiều nắng, cứ nghĩ đã có nhiều điều thật khác. Nhưng dẫu rưng rưng thì ngày cũng đã cũ. Rồi sẽ thân thuộc dần với một chiều kích khác khi ta chạm vào cuộc sống mỗi ngày trên đường, với bao dáng vẻ và cảm xúc... Vậy mà đôi khi cũng thấy lòng mình chùng lại khi trông thấy những bụi ti gôn bé nhỏ đang non lên dưới gốc bằng lăng khi dừng xe chờ đèn đỏ nơi ngã tư Nguyễn Huệ - Nguyễn Trường Tộ. Chúng mọc loang ra từ cái gốc cũ. Ti gôn bé bỏng làm mình nhớ đến những dây hoa đã phai màu trên hàng rào kẽm mỗi lần xuống một triền dốc quen thuộc trên đường Lê Ngô Cát. Tự nhiên mình nhớ, nhân vật chính của bộ phim phát trên kênh HBO tối qua gọi tên một chai vang Pháp là nho tan vỡ - một loại rượu được làm từ giống nho yếu ớt, khó chăm sóc, dễ rơi rụng... Không phải là nho, nhưng ti gôn cũng được người đời mặc định với điều tương tự kể từ khi T.T Kh xuất hiện với bài thơ Hai sắc hoa ti gôn nổi tiếng vào năm 1937. Nhưng khác với giống nho tan vỡ, những dây tigôn luôn hồn hậu nhoài mình vào nắng, mặc nhiên thả những cánh hoa mong manh mà bất cần.
 
Trôi về từ con đường Lê Lợi rợp mát, con đường có thể không cần là “ninja” ngay cả trong lúc thành phố nắng nhất, rồi chấp nhận một lối đi không bằng phẳng, một chiếc bàn hơi chênh vênh, mình và cô bạn bên TRT có một buổi sáng xuýt xoa với cái view thật đã với triền cỏ, khoảng sông, hai ly cafe đen và nâu đá ở góc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Vài chú chim sâu lích chích trên vòm cây làm cho chiếc máy ảnh trên tay bạn phải ngọ nguậy. Triền sông này, bờ cỏ này và cả một nhịp đập trầm tĩnh bên đời đã làm bao người thảng thốt. Thế nên khi nhìn mắt bạn nghiêng vào tuổi 40, mình thấy cuộc sống vẫn dễ thương với bao âu lo, giận hờn buồn vui và cũng đáng sống. Giọng Huế rủ rỉ làm bạn thật hiền trong sớm mùa hè.
 
Không mặc định cho riêng Huế, nhưng một trong những con đường có nhiều bằng lăng bây giờ có lẽ đang là Điện Biên Phủ. Trên những vòm xanh rộng, hoa bằng lăng đang dịu dàng vào mùa. Màu hoa ngan ngát trong nắng hút mắt người đi.
 
Có một ngày trốn nắng trên đường Nguyễn Huệ, mình chợt nhớ đồng nghiệp đã viết về loài hoa ô môi màu hồng tím huyền hoặc nở khi rẽ vào đường Phan Đình Phùng. Khi mình ngước nhìn, hoa đã chuyển sang màu hồng phai. Hoa cũng mỏng và nhẹ đến độ vẫn có thể rung rinh trong gió nhạt. Như một gam màu trong tổng phổ, hoa trên cây, hàng chè tàu thấp và rất nhiều dây cúc leo với những đốm vàng nho nhỏ đã làm cho bờ kè hai bên sông An Cựu mềm hẳn lại...
 
Không mấy khi chọn đường Ngô Quyền vì một cảm giác rất hẳn hoi về sự lo âu với những bức tường bệnh viện, những bảng hiệu y tế của các nhà thuốc tây làm con phố trở nên gấp gáp và vội vã, nhưng với những ngả rẽ ngang làm cho ô phố mang hình bàn cờ, con đường vẫn như có một sức gợi riêng khi đứng từ đầu đường, đoạn gần Trường tiểu học Vĩnh Ninh, nhìn những hàng cây lặng lẽ xanh như mái che những cuộc đời tất bật, lại như cả một bầu trời với hoài bão xanh cho các cô cậu học trò hai trường Quốc Học và Hai Bà Trưng mỗi buổi đến trường.
 
Và cũng đã có lúc, gấp cuốn sổ ghi chép lại khi cuộc họp kết thúc, mình nhìn xuống đường Hùng Vương từ một khung cửa, thấy dòng ngày trôi trong ngẩn ngơ nắng...
 
 
 
Hạ Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top